Giúp cha mẹ thiết lập giới hạn cho con

Ngọc Hải,
Chia sẻ

Cha mẹ phải làm gì để giúp con của mình hiểu được giá trị của cuộc sống? Hiểu được đâu là giới hạn của chuẩn mực đạo đức cần hướng tới và đâu là ranh giới không được vượt qua?

Sẽ không khó để bắt gặp một thiếu niên trên đường phố với tóc xanh tóc đỏ, với quần áo không thể phân biệt được là nam hay nữ. Hay với những ngôn từ mà ta không thể nào tưởng tượng được nó lại được phát ra từ những cái miệng xinh xắn trên những gương mặt đẹp.

Khi trẻ em đến tuổi dậy thì, đây chính là bước phát triển đặc biệt quan trọng về tâm sinh lý và tình cảm của trẻ. Chỉ cần một sai sót nhỏ của cha mẹ cũng có thể khiến trẻ đi chệch hướng. Vì vậy, cha mẹ hãy thiết lập những giới hạn để cho trẻ phấn đấu và những giới hạn để chúng không được phép vượt qua. Bằng tình yêu thương cha mẹ hãy dạy chúng phải tôn trọng những quy tắc được đặt ra.
 

Thiết lập những quy tắc nhưng tránh sự áp đặt

Trong độ tuổi dậy thì, trẻ thường muốn khẳng định bản thân nên cha mẹ tuyệt đối không nên áp đặt chúng. Những câu nói đại loại như: “Con không được phép làm điều đó”, “Con phải làm việc này theo cách này”… sẽ khiến teen cảm giác mình bị mất quyền tự do và không có tính sáng tạo. Chúng sẽ không chịu bất kỳ các lệnh nào một cách nghiêm túc mà chỉ làm theo kiểu đối phó, chống chế. Lâu dần điều đó sẽ rất nguy hiểm và cha mẹ sẽ mất kiểm soát đối với chúng.

Hãy lắng nghe và trân trọng những ý tưởng của con

Khi bạn đã thiết lập những quy tắc, bạn cũng cần phải đặt cho con những câu hỏi về quan điểm hay ý kiến của chúng về những quy tắc đó. Cha mẹ cũng có thể cùng con cái đặt ra những quy tắc để chúng phải thực hiện. Chúng sẽ cảm thấy mình có “tiếng nói” và cũng sẽ trân trọng những quy tắc đó. Đôi khi chúng có thể nghe bạn răm rắp nhưng thực ra chúng chỉ làm vì được cha mẹ yêu cầu chứ không hề hứng thú với điều đó.

Theo dõi và cùng con thực hiện quy tắc đã đặt ra

Khi cha mẹ đặt ra những quy tắc và giới hạn, cha mẹ hãy cùng trẻ thực hiện chính xác những quy tắc đó. Sẽ có rất nhiều quy tắc nhỏ teen phá vỡ trong một thời gian, vì vậy cha mẹ cần phải theo dõi sát sao những hoạt động của con cái trong cuộc sống. Hãy để ý bạn bè của chúng, sở thích của chúng để hiểu chúng hơn. Từ đó thắt chặt mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giúp trẻ giãi bày tâm sự và giải đáp những vướng mắc cho con.

Giúp con nhận ra bài học qua những sai lầm

Khi con bạn mắc sai lầm, hãy giúp chúng tìm nhiểu những cách khác tốt hơn. Hãy dùng những hậu quả để dạy cho chúng những bài học, điều đó tốt hơn rất nhiều việc xử phạt chúng. Nếu cha mẹ chỉ biết trừng phạt, sẽ nhận được những lời xin lỗi nhưng không thể giúp trẻ “tỉnh ngộ”, chúng chỉ biết được mình đã sai mà không biết sai ở chỗ nào và làm thế nào mới là đúng. Giảng giải cho chúng hiểu sẽ giúp cho chúng học cách sống tốt hơn hơn là lao vào chỉ trích làm giảm giá trị của chúng.

Chia sẻ