Đừng gây áp lực cho con bằng điểm số
Từ ngày Bông đi học đến giờ, câu hỏi cửa miệng của mẹ khi đón Bông ở trường là điểm số: “Hôm nay con gái mẹ được mấy điểm nào?”.
Không phải đứa trẻ nào khi sinh ra cũng có khả năng đáp ứng được những mong mỏi học hành giỏi giang của bố mẹ. Đừng vì áp lực điểm số mà gây căng thẳng cho con, hãy tạo tâm lý thoải mái để con có hứng thú học tập hơn thay vì để chúng coi học tập là một công việc nặng nề.
Mẹ yêu điểm hơn yêu con
Từ ngày Bông đi học đến giờ, câu hỏi cửa miệng của mẹ khi đón Bông ở trường là điểm số: “Hôm nay con gái mẹ được mấy điểm nào?”. Hôm nào Bông toàn được điểm 10 mẹ vui lắm, hai mẹ con vừa đi vừa nói chuyện ríu rít, mẹ còn hỏi Bông thích ăn gì mẹ thưởng.
Về đến nhà mẹ cũng khoe ngay với bố và ông bà nội Bông: “Hôm nay con gái bố, cháu gái ông bà được những 3 điểm mười nhé…”. Thế là bữa cơm tối hôm ấy cả nhà vui như Tết. Hôm nào mẹ bận không đón được Bông, công việc ấy dành cho bố và ông bà thì việc đầu tiên sau khi bước chân vào nhà của mẹ cũng là câu hỏi điểm số của con ở trường.
Hôm nay Bông có bài kiểm tra. Nhìn thấy con vẻ mặt ỉu xìu, chột dạ mẹ hỏi dồn: “Hôm này con bị điểm kém à? Con bị điểm kém môn nào? Con được bao nhiêu điểm mà buồn thế?”. Bông trèo lên xe mẹ buồn thiu trả lời: “Tập đọc và chính tả con được 10, nhưng Toán con được có 8 điểm thôi”; “Trời ạ, con lại làm ẩu nên tính sai đúng không? Mẹ đã dặn con rồi, làm toán phải tính đi tính lại cho cẩn thận mới ghi đáp án vào vở..”.
Bông im lặng, hôm nay Bông không được 10 môn Toán nên mẹ cũng không nói chuyện vui vẻ với Bông như mọi khi nữa, mẹ cũng không hỏi em thích ăn gì để mẹ mua cho như mọi lần. Về đến nhà mẹ cũng không khoe điểm của Bông cho ông bà và bố. Bông chào bố và ông bà rồi lên phòng nằm.
Mẹ Bông bây giờ mới ngớ người ra, đúng là lúc nhìn con ở cổng trường thấy vẻ mặt con buồn chị lại chỉ nghĩ đến con bị điểm kém chứ không nghĩ con bị mệt. Chị vội vàng tới sờ vào trán con, thấy con sốt nóng ran. Thấy con mếu máo nhắc đi nhắc lại câu: “Mẹ yêu điểm hơn yêu con” chị thấy xót xa trong lòng. Vừa thương con, vừa giận mình, đúng là lâu nay vì luôn mong con dẫn đầu lớp mà chị đã vô tình gây áp lực cho con gái mình hàng ngày mà không hề hay biết.
Điều ước lớn nhất của con
Cu Bin nhà anh Hải dù mới học hết lớp 4 những cách ăn nói suy nghĩ đã già dặn như “ông cụ non”. Được cái thằng bé thông minh, chăm học nên năm nào cũng dẫn đầu khối. Anh chị Hải vì thế mà mừng lắm. Thật không uổng công anh chị cho con đi học thêm trường điểm này, thầy giỏi kia. Anh chị có một lời hứa cho con, nếu mỗi kỳ đều đứng đầu lớp, đầu khối thì sẽ có phần thưởng theo yêu cầu của con.
Học kỳ này Bin lại đứng đầu toàn khối, trong bữa ăn mẹ Bin vui vẻ: “Con trai mẹ thích gì để bố mẹ thưởng nào”. Cu Bin hỏi lại bố mẹ: “Bố mẹ có biết điều ước lớn nhất của con là gì không?”. Bố Bin trả lời: “Trở thành nhà khoa học hả con?”. Mẹ Bin cũng trổ tài đoán thử: “Trở thành nhà du hành vũ trụ hay trở thành một thiên tài?”. Bin lắc đầu vẻ rất người lớn: “Không phải, ước mong lớn nhất của con là có một ngày cuối tuần được chơi thoả thích mà không phải lo đến chuyện học”.
Bố mẹ Bin nghe con nói mới chợt nhận ra đúng là lâu nay vì áp lực điểm số anh chị đã bắt con học quá nhiều. Đúng là từ rất lâu rồi Bin không có lấy một ngày thứ bẩy, chủ nhật. Anh chị đăng ký cho con học thêm hết môn học này đến môn học kia. Những cuối tuần hiếm hoi cu cậu được nghỉ có chăng là do thầy cô bận, thầy cô ốm cho lớp nghỉ mà thôi. Chỉ một câu nói của con, anh chị chợt nhận ra minh vô tình đã lấy đi sự hồn nhiên trong tuổi thơ của con.
Có lẽ không ít ông bố bà mẹ đã không khỏi giật mình khi nhận ra bóng dáng của mình thấp thoáng đâu đó trong những câu chuyện tường chừng như nho nhỏ trên. Đừng vì sự kỳ vọng quá lớn của mình mà tạo áp lực hàng ngày cho con và lấy đi sự hồn nhiên ngây thơ của con trẻ.