Giữa trưa vẫn nắng, tối đã chuyển lạnh, các mẹ nhớ làm việc này để con không vật vã với trận ốm nào
Thời tiết Hà Nội nói riêng và các tỉnh miền Bắc nói chung những ngày này đang bước vào giai đoạn giao mùa nên rất dễ khiến trẻ bị cảm lạnh và mắc các bệnh về đường hô hấp.
Mấy ngày nay, thời tiết Hà Nội đang ở giai đoạn chuyển giao từ hè sang thu. Trời nắng và nhiều gió, nhiệt độ dễ chịu nhưng buổi chiều tối về đêm và sáng sớm, không khí lạnh tràn xuống khiến nhiệt độ giảm, thời tiết chuyển sang se se lạnh.
Theo dự báo, nhiệt độ thời tiết mấy ngày tới không riêng Hà Nội mà hầu khắp các tỉnh miền Bắc vẫn duy trì như thế. Nhiệt độ tăng giảm thất thường không chỉ khiến trẻ nhỏ dễ mắc bệnh về đường hô hấp mà còn là cơ hội để các loại virus, vi khuẩn tấn công.
Để giúp con tăng cường khả năng bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn này, bố mẹ có thể thực hiện những việc cần thiết dưới đây:
1. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với mầm bệnh
Thời tiết giao mùa, người lớn, trẻ nhỏ đều dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Thậm chí, những người khỏe mạnh, không có dấu hiệu bị bệnh nhưng vẫn có thể mang virus đang trong giai đoạn ủ bệnh. Vì vậy, mẹ nên hạn chế cho con tới những nơi đông người. Ngoài ra, mẹ và người thân trong gia đình cần phòng bệnh cho mình thì không chỉ bảo vệ sức khỏe được cho bản thân mà cũng chính là cách phòng bệnh cho trẻ.
2. Tránh nơi có gió lạnh
Trừ trường hợp bắt buộc, bố mẹ không nên cho trẻ ra ngoài vào chiều tối, tối và sáng sớm. Đây là những thời điểm nhiệt độ ngoài trời xuống thấp cùng với gió mạnh dễ tác động đến hệ hô hấp của trẻ.
2. Về nhà - rửa tay, ra ngoài - đeo khẩu trang
- Rửa tay thường xuyên cho con: Đây là một việc làm rất đơn giản nhưng các bé thường hay quên hoặc bé còn nhỏ không tự làm được. Vì thế, mẹ hãy chủ động rửa tay cho bé hoặc nhắc các con rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn trước khi ăn, sau khi vệ sinh, sau khi đi chơi về để rửa sạch bụi bẩn và vi khuẩn.
- Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài: Không khí khô mang theo nhiều bụi bẩn và vi khuẩn, vì thế mẹ nên tập cho bé đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài để cản bụi và vi khuẩn, virus lây qua đường hô hấp.
3. Mặc quần áo phù hợp
Thời tiết lúc giao mùa khá "ẩm ương", buổi sáng trời lạnh nhưng có thể chuyển sang nóng ngay giữa trưa rồi lại trở lạnh khi về chiều. Mặc ấm quá thì trẻ sẽ ra mồ hôi nhiều, hoặc mặc phong phanh trẻ dễ bị cảm lạnh, ho, sốt... Cách mặc quần áo phù hợp cho bé những ngày thời tiết giao mùa như sau:
Khi bé ngủ nên mặc quần áo dài tay, lựa chọn tối ưu là loại bodysuit, bé sẽ không bị hở cổ, hở bụng, tránh bị nhiễm lạnh vào ban đêm.
- Với trẻ đang đi học nhà trẻ, mẫu giáo: Trong balo của bé cần có: áo khoác mỏng khi đi đường, bộ thu đông dài tay khi trời trở gió và bộ ngắn tay nếu trời nắng nóng.
- Khi ở nhà, đi ngủ, mẹ cũng nên chú ý mặc quần áo cho con thoải mái, tùy vào nhiệt độ trong phòng mà mặc sao cho phù hợp. Lý tưởng nhất là cho bé mặc đồ chất liệu cotton thoáng mát, dễ thấm mồ hôi. Khi bé ngủ nên mặc quần áo dài tay, lựa chọn tối ưu là loại bodysuit, bé sẽ không bị hở cổ, hở bụng, tránh bị nhiễm lạnh vào ban đêm.
4. Bú mẹ đầy đủ, bổ sung sữa chua, hoa quả
- Với trẻ sơ sinh: Cho trẻ bú mẹ đầy đủ là một trong những cách tăng sức đề kháng tự nhiên đơn giản nhất. Trẻ nên được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
- Với trẻ lớn hơn: Bữa ăn của trẻ phải được đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt nên được bổ sung thêm nước cam, hoa quả, sữa chua; tăng cường thực phẩm chứa kẽm và selen – 2 chất có tác dụng nâng cao sức đề kháng thông qua các thực phẩm như thịt bò, hàu sữa, bí đỏ, giá đỗ...
5. Tiêm phòng đầy đủ, nhất là những mũi phòng bệnh cúm, rubella, sởi...
Tiêm vắc xin là biện pháp thiết lập hệ miễn dịch chủ động cho trẻ, giúp cơ thể tập dượt cách chống lại các bệnh nguy hiểm. Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ, nhất là mũi phòng bệnh thường gặp lúc giao mùa như: cúm, rubella, viêm phổi do phế cầu, sởi, ho gà...
Lưu ý mũi vắc xin phòng bệnh cúm, Tổ chức Y tế thế giới đưa ra dự báo về các loại virus cúm chủ yếu gây ra dịch cúm mùa hàng năm, đó là cơ sở để sản xuất vắc xin phòng bệnh cúm nên đây là loại vắc xin bố mẹ nên cho trẻ tiêm đều đặn hàng năm.