Giáo sư nổi tiếng TQ dành 40 năm nghiên cứu để trả lời cho câu hỏi: Trí thông minh hay tính cách của trẻ quan trọng hơn?
Bố mẹ nào cũng muốn con mình thông minh nhưng đó không phải là tất cả. Trong quá trình lớn lên, trẻ cũng rất cần hoàn thiện tính cách của mình.
Trong một số gia đình, bố mẹ không mấy quan tâm tới con cái, nếu rảnh họ chơi với con một chút, bận thì đưa điện thoại hoặc phó thác cho ông bà. Miễn con cái không bị ốm, được ăn no ngủ ngon là họ đã hoàn thành nhiệm vụ nuôi dạy con cái của mình.
Đến độ tuổi con cái đi học, họ bắt đầu chú ý tới điểm số và kết quả học tập của con mình nhiều hơn. Họ tin rằng, những đứa trẻ biết nghe lời giáo viên, đạt điểm cao thì mới dễ dàng thành công trong tương lai.
Điều này dẫn tới việc bố mẹ không quá quan tâm tới tâm lý, tính cách và những vấn đề khác của con mình.
Trước vấn đề này, giáo sư nổi tiếng Trung Quốc bà Lý Mai Cẩn đã chia sẻ một nghiên cứu về vấn đề tâm lý của giới trẻ trong suốt 40 năm và rút ra kết luận rằng: "Người có khiếm khuyết về nhân cách sẽ có đặc điểm thích tự thu mình và cho rằng bản thân mới là trung tâm của mọi thứ".
Giáo sư Lý Mai Cẩn giải thích thêm, những đứa trẻ này thích ở một mình, nếu chẳng may có xung đột với người khác, chúng không bao giờ cảm thấy đó là lỗi sai của mình, hoàn toàn phớt lờ cảm xúc của đối phương. Tính cách này liên quan nhiều đến bố mẹ và môi trường lớn lên xung quanh.
Ngoài ra, giáo sư Lý Mai Cẩn còn dẫn chứng thêm một trường hợp mình từng biết được. Theo đó, có một cậu bé là con út trong gia đình có 2 chị em gái. Cậu bé này có IQ cao, từ nhỏ đã học giỏi nhưng tính cách lại rất khó ưa. Cậu bé được bố mẹ rất chiều chuộng nên lúc nào cũng xem lời nói của mình như mệnh lệnh cho tất cả mọi người. Chính tính cách này sau đó đã dẫn tới nhiều bi kịch xảy ra và cậu bé dần đần bị mọi người ghét bỏ.
Trong suốt 40 năm nghiên cứu, giáo sư Lý Mai Cẩn xác nhận rằng: "Một đứa trẻ dù có IQ cao đến đâu đi chăng nữa nếu có khiếm khuyết về nhân cách, cơ bản sẽ không có tương lai. Ngược lại, những đứa trẻ dù có IQ kém nhưng nếu tính cách tốt, chịu khó làm học tập, làm việc sau này sẽ sống tốt".
Giai đoạn quan trọng để hình thành tính cách của trẻ: 0-6 tuổi
Giáo sư Lý Mai Cẩn cũng cho rằng, vấn đề mấu chốt nằm ở những năm tháng đầu đời của một đứa trẻ. Trong khi đó, phạm vi hoạt động chính của trẻ lúc này chính là gia đình.
Trước 6 tuổi, tâm lý của trẻ dễ dàng bị tác động bởi nhiều thứ nhưng không phải bố mẹ nào cũng quan tâm và hậu quả sẽ dần dần lộ rõ sau khi trẻ lớn lên.
Vì thế, việc nuôi dạy con cái cực kỳ quan trọng trong giai đoạn từ 0-6 tuổi. Cách dạy dỗ của bố mẹ ảnh hưởng lớn tới tính cách, tình cảm, quan điểm và nhiều vấn đề khác trong cuộc sống của trẻ.
Những hành vi của bố mẹ khiến con cái bị khiếm khuyết nhân cách
- Không gắn bó với con cái
Giáo sư Lý Mai Cẩn cho rằng, tốt nhất người mẹ nên trực tiếp chăm sóc con mình cho tới khi trẻ được 3 tuổi. Trong khi đó, người bố cũng nên thường xuyên chơi đùa, gắn bó với con mình.
Nếu một đứa trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời đã bị bố mẹ giao phó hết cho người khác như ông bà, người giúp việc, trẻ sẽ không cảm nhận được mối liên kết với bố mẹ mình.
- Quá chiều chuộng con cái
Trong quá trình chăm sóc con cái, dù yêu thương con đến mấy cũng không nên thỏa mãn những yêu cầu vô lý của chúng. Tình yêu thương của gia đình nên được san sẻ ngang ngửa nhau, mọi thành viên đều được đối xử một cách công bằng, con cái không được thiên vị và chiều chuộng quá mức. Bằng cách này, trẻ sẽ không coi mình là trung tâm của cả nhà.
- Bố mẹ cãi nhau trước mặt con cái
Dù có bất đồng ý kiến nhau đến mấy bố mẹ cũng không nên cãi nhau trước mặt con cái. Việc trẻ cảm nhận được gia đình mình luôn hạnh phúc cực kỳ có lợi cho sự phát triển tính cách của chúng.
Nếu bố mẹ luôn hòa thuận, yêu thương nhau, con cái cũng sẽ học được cách yêu thương người khác.
- Không sử dụng bạo lực với con cái
Giáo sư Lý Mai Cẩn tin rằng, dù lý do gì đi chăng nữa thì trong giai đoạn từ 3-6 tuổi bố mẹ cũng không nên đánh đập con mình. Việc sử dụng bạo lực này sẽ để lại bóng đen tâm lý không thể xóa nhòa trong tuổi thơ của con cái, khiến chúng thu mình, tự ti và bị khiếm khuyết về nhân cách.
Trẻ từ 0-6 tuổi tưởng chừng như chưa biết gì nhiều nhưng lại là giai đoạn quan trọng để hình thành tính cách sau này. Muốn tương lai của con mình tốt đẹp hơn, bố mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm, dạy dỗ trẻ.
Nguồn: Aboluowang, Sohu