Gặp gỡ các ông bố Việt không phải để… "làm cảnh"

Mẹ Ong Bông,
Chia sẻ

Đọc bài viết về một ông bố tuyệt vời, phần lớn các mẹ đều chép miệng “Bố Tây mới thế, chứ bố Việt thì…!” hay “Bố Việt thì còn lâu nhá, chẳng khác gì… “cá cảnh” trong nhà!”.

Gần đây khi các mẹ chia sẻ cho nhau “Bức thư nói lên sự thật khiến mọi ông bố giật mình” thì rất nhiều mẹ đã “tag” chồng mình vào với lời hăm dọa ngầm "Đấy anh thấy chưa, anh không ... thì sẽ bị như thế này đấy" hay viết lên những lời lẽ hàm ý trách móc và lời cảm thán "Đàn ông Việt ai cũng như thế cả !". Khi nhìn thấy những dòng chữ ấy, tôi lập tức nghĩ rằng mình cần làm cái gì đó để thanh minh cho các ông bố Việt.

Thật may mắn khi tôi được có cơ hội tiếp xúc với một cộng đồng rộng lớn những gia đình trẻ từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng tới vùng cao, từ miền xuôi ra miền ngược, và ở đó càng ngày tôi càng bắt gặp hình ảnh những ông bố say mê tìm hiểu các kiến thức nuôi dạy con, cùng vợ gánh việc trọng trách chăm sóc và vun đắp cho tổ ấm.

Gặp gỡ các ông bố Việt không phải để…
Bố Nguyễn Văn Hà và những bước đi chập chững đầu tiên của con.

Gia đình chị Nguyễn Tâm và anh Nguyễn Văn Hà ở Điện Biên, chị làm đồ handmade còn anh làm việc liên quan đến máy tính. Ban ngày anh đi làm, tối đến phụ vợ khâu vá, chị kể anh khâu còn khéo hơn vợ. Khi vợ bận làm việc quá, anh lại vào bếp nấu nướng thay vợ, tắm rửa và chơi với con, anh nấu ăn cũng ngon hơn cả vợ. Chị cho con ăn theo phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (BLW) từ lúc chẳng mấy ai biết đó là gì, dù anh không hiểu về phương pháp vẫn tin tưởng và ủng hộ vợ. Anh thường phải đi công tác lên huyện hay sang tỉnh khác, khi con ốm vào thời điểm đó, anh lại chạy xe máy lặn lội 70km xuyên đêm về phụ vợ thức canh con, có lần bị thủng săm giữa đường phải xin ngủ nhờ ở nhà người dân tộc gần đó rồi hôm sau lại về sớm chăm con. Mỗi lần đọc được những câu chuyện ngắn giản dị của chị kể về chồng, tôi lại thấy lấp lánh niềm vui.
 
"Hạnh phúc đôi khi giản đơn chỉ là lão chồng lao vào bếp thử món hắn nấu và tự tấm tắc: chèm chẹp, ngon. Xong lon ton lên gọi: "Thối ơi đi tắm nào!" - Chị Tâm chia sẻ niềm hạnh phúc giản dị với chồng trong một status trên trang cá nhân của chị.

Bạn có thể nghĩ người vợ này may mắn, vì lấy được người chồng đảm sẵn rồi. Vậy thì bạn hãy thử nghe câu chuyện về chồng tôi. Chồng tôi trước khi lấy vợ, quần áo không biết giặt, mỳ không biết nấu, chưa từng động tay vào việc nhà, là một chàng "vụng-lười" chính hiệu.

Sau khi có con, anh tự quyết định ra ở riêng để buộc bản thân mình có trách nhiệm với cuộc sống gia đình. Anh tự học nấu những món đơn giản để nấu cho con khi chẳng may vợ ốm hoặc vợ đi vắng, anh ở nhà trông con nguyên một ngày để cho vợ hẹn hò bạn bè đi chơi cho thoải mái tinh thần, anh chơi trò nấu ăn cùng con, nặn đất nặn với con, dù bận đến mấy anh cũng không quên hát cho con trước khi đi ngủ. Khi con ốm, dù là người ngủ rất say, anh vẫn đặt đồng hồ để thay ca cho vợ cặp sốt cho con.

Gặp gỡ các ông bố Việt không phải để…
Bố luôn là người ủng hộ mẹ và là bạn thân nhất của con.

Với việc nuôi con anh toàn quyền để tôi quyết định cách chăm con thế nào cho tốt, với việc dạy con anh cùng tôi tìm hiểu kiến thức và thống nhất cách áp dụng. Cho dù công việc rất bận rộn, anh vẫn luôn thu xếp thời gian để cho con đi chơi những chuyến đi ngắn ngày hoặc dài ngày vì đối với anh học  bằng những trải nghiệm thực tế là cách học hiểu quả nhất.
 
Những người chồng chịu khó tìm tòi các kiến thức nuôi con và ham học hỏi như chồng tôi không hề hiếm. Tôi đã từng thấy một người chồng gọi điện hỏi tôi tư vấn loại máy hút sữa nào tốt để mua cho vợ và cách kích sữa như thế nào. Khi vợ anh bị sốt vì tức sữa, anh lập tức gọi điện cho tôi và một người bạn để hỏi về cách hạ sốt thế nào cho đúng, cần phải làm những gì và có ảnh hưởng đến em bé không. Tôi từng thấy những ông bố vào trong các chủ đề rèn con ăn ngủ tự lập đọc hết, hỏi kĩ  những thắc mắc và tag vợ của mình vào, có những ông bố hỏi tôi về việc nuôi dạy con ngay từ khi vợ các anh còn đang mang bầu. Tôi đã từng đọc những bức thư xin tư vấn của các ông bố để rèn con tự ngủ, chơi tự lập  hay để điều chỉnh hành vi của con, thật kì lạ là các anh viết rất tỉ mỉ chi tiết, cho thấy sự quan sát con rất kĩ từ các anh.

Tôi đã rất xúc động khi mẹ Trần Thị Ánh Phương kể chuyện về chồng mình, anh Nguyễn Mậu Hùng Minh. Khi mới sinh, do cấu tạo của cơ thể mẹ nên con của anh chị gặp khó khăn trong việc bú mẹ. Anh là người chủ động tìm hiểu các kiến thức về sữa mẹ, anh đi in tài liệu cho vợ đọc và khuyên vợ thực hiện theo. Khi vợ đẻ, anh là người trực tiếp chăm sóc cho vợ, ban đêm, anh là người thay bỉm cho con hay lấy sữa cho vợ.

Gặp gỡ các ông bố Việt không phải để…
Chị Ánh Phương luôn cảm thấy hạnh phúc ấm áp khi nhìn ngắm hai bố con chơi đùa cùng nhau.

Trong quá trình nuôi dạy con, anh luôn chủ động tìm hiểu các thông tin, kiến thức từ sữa mẹ đến ngủ, đến ăn và luôn ủng hộ vợ vì những quyết định của mình. Dù đi làm cả ngày, nhưng hai vợ chồng anh vẫn chia sẻ công việc nhà, việc chăm con và cùng nhau làm đồ chơi cho con. "Anh luôn ủng hộ tôi trong việc làm đồ chơi cho con, trang trí phòng con và dạy cho con những kĩ năng cần thiết để phát triển trí tuệ", chị Ánh Phương chia sẻ.

Nhắc đến làm đồ chơi cho con, tôi lập tức nhớ ngay đến chồng của chị Hoàng Quỳnh Liên. Mỗi lần nhìn thấy chị up những hình ảnh về các tác phẩm của anh chị dành cho con là tôi lại trầm trồ thán phục. Anh không phải là thợ mộc chuyện nghiệp, nhưng những tác phẩm của anh luôn đẹp, vì nó xuất phát từ tình yêu.

Gặp gỡ các ông bố Việt không phải để…

Anh chị dành hầu hết thời gian rảnh rỗi để thực hiện đồ chơi cho con từ chiếc giường tầng cho 2 anh em có kèm cầu trượt và khắc hình trăng sao sinh động, đến mô hình trò chơi liên hoàn đu xà leo thang hay bàn học phát sáng để các bé thỏa sức sáng tạo. Thật đáng yêu làm sao khi anh còn có thể trở thành tấm gương cho con trai mình học tập khi anh để con tham gia các dự án cùng với mình.

Gặp gỡ các ông bố Việt không phải để…
Bố chính là người thầy dạy cho con những bài học thú vị đầu tiên về cuộc sống.
 
Tôi không thể kể hết các câu chuyện về những người bố đáng yêu mà tôi đã được biết và đã từng gặp trong một bài viết ngắn. Nhưng tôi luôn tin rằng khi đọc bài viết này, chắc hẳn nhiều mẹ sẽ mỉm cười và nghĩ rằng: "Đàn ông Việt, làm bố cũng rất tuyệt vời!".
Chia sẻ