Gặp bố mẹ nuôi 2 bé sinh đôi mát tay
Gia đình anh Trí Trung - chị Thu Trần (Giảng viên Khoa Quốc tế, Đại học Quốc Gia Hà Nội) lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười và những tiếng bi bô của hai nàng công chúa sinh đôi Gia Linh và Bảo Linh.
Hạnh phúc khôn xiết khi làm cha hai nàng công chúa sinh đôi
- Chào anh, khi biết tin mình sắp lên chức cha của hai nàng công chúa sinh đôi, cảm xúc trong anh như thế nào?
Khi được biết sẽ đón chào 2 công chúa sinh đôi, cả gia đình ai cũng mang những cảm xúc khác nhau. Trước tiên là bản thân mình - một người bố, mình thực sự ngạc nhiên vì từ trước tới giờ cả hai bên nội ngoại đều chưa có hiện tượng sinh đôi. Khi được bà xã thông báo tin này lúc đó mình thực sự bối rối mặc dù trước đó 2 vợ chồng cảm thấy sự phát triển của thai nhi cũng khá khác lạ so với những bé khác.
Bụng bà xã mình to hơn và trông lộ hơn người khác. Khi đó vợ mình có nói bâng quơ là "không nhẽ lại là sinh đôi hả anh". Thế mà đúng thật! Mình gọi điện chia sẻ niềm vui với tất cả người thân. Ai cũng mừng cho mình, tuy nhiên lúc đó thực sự hai vợ chồng vừa mừng vừa lo.
Mình lo lắm, lo không biết các con sẽ phát triển ra sao, vợ mình liệu có thể gánh được 2 thai nhi và hoàn thành tốt nghĩa vụ sinh nở an toàn hay không. Dù sao với món quà của thượng đế, cho ai thì người đó được hưởng, mình đã nghiên cứu và tham vấn cho vợ về tình cảm và phương pháp chăm thai nhi từ trong bào thai.
- Và phương pháp chăm đó là...
Hàng ngày vợ chồng mình đều trò chuyện với con, đọc truyện cho con nghe, âu yếm bào thai với tình thương vô bờ của cha mẹ.
Các bé khi còn trong bụng mẹ đều đã thể hiện cá tính và diện mạo khác nhau. Bé thì giống bố, bé giống mẹ. Bé thì hay nấc, bé thì nằm yên. Và điều đó cũng rõ ràng khi các bé chào đời và phát triển sau đó.
- Khi chăm sóc cùng một lúc hai nàng công chúa, vợ chồng anh có gặp khó khăn gì không?
Phần lớn những người mẹ sinh đôi không có nhiều sữa, vợ mình cũng không ngoại lệ, vì thế các bé thường phải bú sữa ngoài.
Vợ chồng mình biết rất rõ sữa ngoài không thể tốt bằng sữa mẹ nhưng chẳng còn cách nào khác. Tuy nhiên, hai bé nhà mình “trộm vía” thích nghi khá tốt nên phát triển ổn.
Trước đây mình hay lo lắng rằng nếu các con không được bú sữa mẹ sẽ không có sức đề kháng và khỏe mạnh như những em bé được bú mẹ. Nhưng thực tế chứng minh là trẻ sẽ phát triển tốt nếu được vận động và nuôi dưỡng tinh thần tốt.
Có thể nhiều gia đình khác khi chăm bé sinh đôi sẽ gặp phải khó khăn như việc các con cùng ăn, cùng ốm. Hai bé nhà mình hay ăn cùng một lúc, nhưng vợ chồng mình rất nhàn do “huấn luyện” bé tự cầm bình ti lúc 3 tháng.
- Ngoài ra, vợ chồng anh còn có bí quyết chăm con gì đặc biệt nữa không?
Vợ chồng mình thường cho bé tắm nắng hàng ngày, việc làm này khiến bé hồng hào, hấp thụ vitamin D một cách tốt nhất. Hàng ngày, vợ chồng mình đều mát-xa cho con.
Dù trời nóng hay lạnh, mình không khuyến khích dùng điều hòa vì như vậy các con sẽ bị lệ thuộc, ra trời lạnh quá, nóng quá sẽ dễ bị ốm.
1,5 tháng tuổi, bé đã bơi giỏi
- Được biết, vợ chồng bạn dạy con ngay từ ngày đầu, liệu có quá sớm không?
Đúng vậy, ngay từ khi mới sinh ra mình đã cho các bé nhìn hình kẻ caro đen trắng. Đây là phương pháp để các bé luyện sự tập trung chú ý. Mỗi ngày 5 giây nhưng sau 1 tuần các bé có thể tập trung nhìn không chớp mắt. Tiếp theo đó là những bài tập thể lực, mát-xa cơ thể. Vì thế các bé đều phát triển rất tốt. Các ngày sau đó mình đều tập cho các bé sự tập trung và bài tập sức khỏe.
Cơ bản khi đã tập trung thì sau đó bé có thể chú ý tới những hình và chữ với sự hứng thú tối đa. Mình đã tự đọc và nghiên cứu các phương pháp nuôi dạy của các nhà khoa học giáo dục mầm non ở các nước và đúc kết những điều cần phải làm với các con. Vì vậy, mình không nghĩ là sớm bởi sự rèn luyện này như kiểu học mà chơi, chơi mà học vậy thôi.
Sau đó là việc cho các bé nhìn chữ và hình tương ứng. Ví dụ như các bé nhìn con bò và chữ con bò, nhìn con mèo với chữ con mèo. Lúc đầu thì các bé chưa phản ứng nhiều chỉ tập trung nhìn thôi nhưng sau một thời gian các bé có thể phân biệt được đâu là mèo và đâu là bò.
Ngoài ra mình cũng áp dụng cho các bé nhìn thẻ chấm đỏ. Thực sự đó là một điều ngạc nhiên vì với người lớn các chấm đỏ đó chỉ là những thứ không có nghĩa. Nhưng với các bé đó là một tập hợp hình đa nghĩa. Mỗi ngày mình cho các bé xem 4 hình, mỗi hình cho xem 4 góc. Điều này sẽ giúp kích hoạt trí não của trẻ. Vì thế ai cũng háo hức và cảm thấy phấn khích khi các bé tiếp nhận nó một cách hồ hởi và vui vẻ.
- Nghe nói hai bé từ 1,5 tháng tuổi đã bơi khá tốt. Anh chia sẻ về cách dạy hai bé tập bơi đi?
Khi các bé 1,5 tháng mình đã cho các bé tập bơi ở hồ bơi trong nhà.
Với hơn 9 tháng sống trong bụng mẹ, với các phản xạ vàng rất tốt cho việc học bơi, trẻ sơ sinh có thể học bơi ngay từ khi sơ sinh.
Vì thế, tập bơi cho bé trong thời gian này là dễ nhất. Và không phải vô cớ mà người ta gọi thời gian này là thời gian vàng để dạy cho bé không sợ nước, dạy cho bé tập bơi. Lợi dụng các phản xạ bẩm sinh này, ở nhiều nước người ta đã dạy cho trẻ sơ sinh học bơi ngay từ khi vài tuần tuổi.
Học bơi, biết bơi, không chỉ giúp các bé tự bảo vệ mình trước nguy cơ mà còn giúp bé tăng sức đề kháng. Hơn thế, học bơi giúp các bé cải thiện chiều cao rõ rệt.
Trước hết, mình cho bé làm quen với khung cảnh hồ bơi và nước, ban đầu thử để bé nằm nổi trên nước và thư giãn. Đặt đầu bé lên vai và giữ cho bé nổi. Rồi mình thử cho một ít nước văng vào mặt bé để làm quen. Bé “trả lời” bằng tiếng cười và lúc này mình yên tâm rằng bé rất thích thú.
Khi bé đã quen với việc ngâm mình dưới nước, vợ chồng mình tạo không khí sôi nổi hơn với những trò chơi an toàn để khoảng thời gian tập bơi trở nên hào hứng hơn.
Sau đó mình dạy bé học bơi bắt đầu với những bài học đạp chân. Khi bé đã thành thạo những động tác bơi căn bản, bé dễ dàng bơi đến với mình. Vẻ mặt của các bé nói lên điều mình đang làm là theo đúng hướng. Các bé rất phấn khởi và cười rất tươi.
- Với nhiều phương pháp quá mới thế này, vợ chồng anh có gặp phải trở ngại nào từ phía người thân trong gia đình?
Cả nhà mình cùng phải thống nhất quan điểm dạy con, tránh hiện tượng xung đột làm ảnh hưởng tới quá trình dạy dỗ. Thêm vào đó, mình là giảng viên đại học nên những kiến thức nuôi dạy con cũng dựa trên khoa học, nghiên cứu của những người đi trước. Vì thế, ai trong gia đình cũng tin và ủng hộ.
- Bạn có lời khuyên đặc biệt nào dàng cho các ông bố, bà mẹ trong quá trình nuôi dạy con cái?
Nói chung phương pháp nào cũng cần phải có sự áp dụng phù hợp với sự hỗ trợ của tất cả các thành viên trong gia đình. Một điều quan trọng nữa là phải xác định ai sẽ là người hướng dẫn chính để kích hoạt trí não các bé. Mình đã tự kiểm nghiệm và thấy rằng nếu không “thuận vợ thuận chồng” thì dù có biết và nắm vững phương pháp này rõ đến thế nào thì mình cũng không thể thực hiện được điều mình đề ra.
Nói chung phương pháp nào cũng cần phải có sự áp dụng phù hợp với sự hỗ trợ của tất cả các thành viên trong gia đình. Một điều quan trọng nữa là phải xác định ai sẽ là người hướng dẫn chính để kích hoạt trí não các bé. Mình đã tự kiểm nghiệm và thấy rằng nếu không “thuận vợ thuận chồng” thì dù có biết và nắm vững phương pháp này rõ đến thế nào thì mình cũng không thể thực hiện được điều mình đề ra.
Hãy chăm và nuôi còn bằng tất cả tình yêu thương của mình. Bên cạnh đó, ngoài việc dạy con bằng các phương pháp truyền thống, các bậc cha mẹ hãy chủ động tìm hiểu và phát huy những phương pháp nuôi dạy con khoa học từ các nguồn tài liệu nước ngoài. Mình thấy có khá nhiều điều bổ ích để tiếp thu và tận dụng để dạy con từ khi còn nằm nôi.
Cảm ơn bạn về sự chia sẻ thú vị này! Chúc hai bé luôn khỏe mạnh và hay ăn chóng lớn!