Em không chịu uống thuốc, chị gái có màn phối hợp ăn ý cùng mẹ được nhiều người tán thưởng
Sau khi cầm trên tay hai hộp sữa, cô chị đã đưa một hộp cho em trai.
Trẻ con luôn chống đối khi uống thuốc đắng nên nhiều phụ huynh thường vận dụng muôn vàn cách khác nhau để dụ dỗ bé uống. Tuy nhiên, việc bé nhè ra khi uống thuốc không hẳn vì đắng mà có thể là do bé không quen với cách cha mẹ cho uống thuốc. Rốt cuộc các bậc phụ huynh nên làm thế nào khiến bé ngoan ngoãn uống thuốc?
Mới đây, mạng xã hội Trung Quốc chia sẻ về hình ảnh một người mẹ có hai con nhỏ gồm chị lớn và một em trai. Vì muốn bé trai ngoan ngoãn uống thuốc, người mẹ đã cắm ống hút vào hai hộp sữa. Trong đó một hộp là sữa thật, còn hộp khác là lọ thuốc ngụy trang bởi vỏ hộp sữa.
Nhằm thúc đẩy kế hoạch tiến triển trót lọt, người mẹ cần có sự phối hợp ăn ý của cô chị trong gia đình. Sau khi cầm trên tay hai hộp sữa, cô chị đã đưa lọ thuốc ngụy trang vỏ hộp sữa cho em trai. Bé trai cũng nhanh tay cầm ngay hộp sữa "dỏm" mà chị đưa và uống ngon lành. Sau đó, dường như phát hiện vị sữa khác lạ nên cậu bé ngẩn tò tè khiến mọi người trong gia đình cười rung rốn.
Sau khi hình ảnh hài hước của cậu bé được chia sẻ trên mạng xã hội, cộng đồng mạng Trung Quốc rôm rả bình luận:
- Bé gái thật hiểu chuyện, phối hợp vô cùng ăn ý với mẹ.
- Cô chị giỏi quá, giả vờ như thật ấy.
- Nhìn gương mặt lém lỉnh của bé gái, mình tin là cô bé đang cười thầm trong bụng vì lừa được cậu em trai ngây thơ.
Các bậc phụ huynh nên lưu ý điều gì khi cho bé uống thuốc?
1. Giữ vững lập trường
Nhiều phụ huynh khi cho bé uống thuốc thường thiếu sự kiên định. Theo lẽ thường, thuốc luôn đi kèm với tác dụng phụ, do đó nhiều phụ huynh cảm thấy mâu thuẫn khi cho bé uống thuốc. Trẻ con luôn là thiên thần nhỏ của bố mẹ và chẳng có cha mẹ nào muốn thấy con chịu tổn thương, nhưng nếu không cho bé uống thuốc, bệnh của bé sẽ rất khó thuyên giảm.
Khi trẻ bị ốm vặt, cha mẹ cho rằng việc bé uống thuốc có hoặc không cũng chẳng sao. Tuy nhiên, trẻ con và người lớn rất khác nhau, hệ miễn dịch của trẻ thường yếu và phục hồi chậm hơn so với người trưởng thành. Nếu nhìn thấy thái độ thiếu kiên quyết của bố mẹ, trẻ sẽ càng không muốn uống thuốc. Do đó, các bậc phụ huynh phải giữ vững kiên định, không được để trẻ cảm thấy vẫn có sự lựa chọn khác là từ chối uống thuốc.
2. Không ép buộc bé uống thuốc
Bố mẹ áp dụng biện pháp khéo léo cho bé uống thuốc là điều nên làm, nhưng không nên ép buộc bé uống thuốc. Bởi điều này sẽ khiến trẻ phản kháng và càng ghét việc uống thuốc. Bên cạnh đó, trẻ vẫn còn nhỏ, cha mẹ ép bé uống thuốc có thể khiến bé bị sặc. Lời khuyên dành cho cha mẹ là giảng giải cho bé hiểu, tự lấy bản thân làm gương để cho bé thấy uống thuốc không đáng sợ.
3. Không cho bé uống thuốc khi đang nói hoặc khóc
Nhiều phụ huynh thường tranh thủ khi bé không để ý liền nhét thuốc vào miệng bé. Tốt nhất là các bậc phụ huynh không nên làm thế, bởi trong lúc bé đang nói chuyện hoặc khóc nhè, nhét thuốc vào miệng bé có thể làm viên thuốc tắc nghẽn khí quản và khiến bé bị sặc.
4. Không nên cho bé uống thuốc kèm nước trái cây, sữa, cơm
Nhiều phụ huynh lo ngại bé cảm thấy đắng nên thường kết hợp cho bé uống thuốc kèm món ăn hoặc nước uống bé yêu thích. Cách này sẽ khiến bé không còn khó chịu khi uống thuốc, nhưng nếu kết hợp thuốc với thức ăn hoặc các loại đồ uống đi kèm sẽ khiến công hiệu của thuốc giảm, hoặc gây ra tác dụng phụ của thuốc.
5. Không nên bẻ nhỏ, nghiền nát thuốc
Các bậc cha mẹ nên nhớ không nên bẻ nhỏ, nghiền nát thuốc khi cho bé uống, trừ trường hợp trong giấy hướng dẫn sử dụng cho phép bẻ nhỏ, nghiền nát thuốc khi uống. Bởi hành động này có thể làm thay đổi liều lượng, giảm tác dụng của thuốc.
6. Không bỏ thuốc vào bình sữa cho bé uống
Nhiều phụ huynh cố tình cho thuốc vào bình sữa để dụ dỗ trẻ uống. Điều này là không nên, bởi trẻ sẽ phản cảm và chán ghét khi thấy bình sữa vào lần sau.
7. Không nên lừa phỉnh trẻ
Nhiều phụ huynh cho bé uống thuốc đều bảo rằng "thuốc không đắng" hoặc "ngọt như kẹo". Lúc đầu, bé sẽ tin tưởng cha mẹ vô điều kiện, nhưng sau khi phát hiện mọi chuyện không như lời cha mẹ nói, bé sẽ cảm thấy bị lừa dối và không còn tin tưởng vào lời nói của cha mẹ.