"Đứt ruột" đưa con đi mẫu giáo

Theo Eva,
Chia sẻ

Bố mẹ kẻ khóc người mếu, mím môi ngoảnh mặt để cô giáo dứt con ra, rồi bỏ chạy.

Bố mẹ kẻ khóc người mếu, mím môi ngoảnh mặt để cô giáo dứt con ra khỏi mình rồi bỏ chạy. Hai đứa trẻ cào cắn cô giáo, vùng chạy ra cổng, khiến các cô phải chạy theo bắt lại mấy lần, chỉ mong đến giờ đóng cổng.

Làm việc trong một trường mầm non có uy tín ở một thành phố miền Trung, nơi nhiều vị phụ huynh giàu có hoặc gia thế gửi gắm đứa con tuổi nhi đồng, tôi đã chứng kiến không ít màn chia ly đẫm nước mắt của những bà mẹ lần đầu đưa con đến lớp, cũng như biểu hiện tình yêu và sự lo lắng vô bờ mà họ dành cho con cái mình. Nhiều tình huống có cả bi lẫn hài.

Bố mẹ đều nghỉ làm một tháng để đưa con đi học

Hơn một tháng trước khi trường khai giảng năm học mới, ngày ngày có một chiếc xe hơi Mercedes màu trắng sang trọng đỗ gần cổng trường. Tài xế bước xuống, mở cánh cửa sau, từ đó chui ra hai vợ chồng tuổi trung niên, ôm hai đứa trẻ.

Họ bế chúng vào trường, vừa chỉ trỏ cười nói vừa nhìn chúng với ánh mắt thăm dò và nịnh bợ, cố thuyết phục con ngồi lên thú nhún để chơi, hay lân la xem cầu trượt, cây cối trong trường. Hai đứa trẻ bám cứng lấy cổ bố mẹ, mãi mới chịu đặt chân xuống đất, nhìn ngó xung quanh.

Thế là hai đấng sinh thành, một xun xoe bên cạnh bọn trẻ, một cầm cái iPad quay phim chụp ảnh say sưa đến mức mấy lần vấp cả vào người khác. Cả phái đoàn chơi chừng một giờ rồi rút, hôm sau lại đến…

Cô bạn đồng nghiệp bảo tôi, hai người họ đã xin phép hiệu trưởng được đưa con đến làm quen với trường lớp trước khi chính thức nhập học. Họ có vẻ là một đôi vợ chồng giàu có nhưng hiếm muộn, phải nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm mới có được hai đứa trẻ sinh đôi này; chuyện chúng đi học là một biến cố và thử thách lớn với cả nhà.


Đến khi năm học bắt đầu mới thấy hết những gian nan của vợ chồng họ. Vẫn là chiếc  xe ấy với đủ những con người ấy. Bọn trẻ khóc thét, dứt khoát không chịu rời song thân. Bố mẹ cũng kẻ khóc người mếu, mím môi ngoảnh mặt để cô giáo dứt con ra khỏi mình rồi bỏ chạy. Hai đứa trẻ cào cắn cô giáo, vùng chạy ra cổng, khiến các cô phải chạy theo bắt lại mấy lần, chỉ mong đến giờ đóng cổng.

Lát sau, từ phòng mình, tôi nhìn ra lớp đó, thấy một cô giáo hai tay bế hai đứa trẻ vẫn đang khóc lóc vùng vẫy, mặc cho cô còn lại quản lý 40 cháu khác. Nghe nói vì biết trước sự khó nhọc đó, bố mẹ chúng đã “bồi dưỡng” cho mỗi cô một phong bì khá nặng.

Và bây giờ, dù đã hết giờ phụ huynh được phép vào trường, họ vẫn đã làm cách nào đó quay lại, nấp sau cái cột ở hành lang cùng dãy phòng với tôi, dõi sang phía con mình, vẻ mặt đầy xót xa. Đã mấy lần, cô hiệu trưởng đi qua, bảo họ cứ an tâm ra về, sau mấy ngày con sẽ quen cô quen bạn, nhưng họ chỉ vâng dạ, bước đi vài bước rồi lại “vật vã” quay lại.

Chị vợ phân trần: “Các cháu từ bé đến nay không phải xa bố mẹ, ông bà lâu như vậy bao giờ. Khổ thân quá. Nhưng con hơn 3 tuổi rồi nên vợ chồng tôi quyết tâm bằng giá nào cũng phải cho con đi học. Cả hai chúng tôi đều xin phép cơ quan nghỉ không lương một tháng để đưa con đến trường cho quen, kẻo các cháu tủi thân”.

Ở dãy bên kia, hai đứa trẻ lúc này không giằng ra khỏi cô nữa mà cứ bắt cô bế, vẫn khóc ngằn ngặt. Cô giáo, biết phụ huynh vẫn ở đó quan sát, không muốn tỏ ra nghiêm khắc và dứt khoát với chúng. Người mẹ thấy vậy cuống lên gọi điện cho cô giáo, nhờ áp máy vào tai con để chúng được nghe thấy tiếng nói của bố mẹ: “Con ơi, mẹ đây, mẹ thương con lắm, xót con lắm. Mẹ biết con khổ lắm, tội lắm. Chịu khó nghe con, rồi trưa bố mẹ lại cho con về…” Chị ta nói thôi một một hồi thì chợt nghe cô giáo ngắt lời: “Em là cô giáo của cháu, con nó chẳng chịu nghe lời cô chị ạ!”.

Cô hiệu trưởng phải "đuổi" mấy lần nữa, hai vợ chồng họ mới chịu ra khỏi trường, loanh quanh chờ đến trưa xin đón con về. Đến nay đã hơn 3 tuần, họ vẫn chỉ dám cho con đi học một buổi và sáng nào, màn chia ly bịn rịn đầy nước mắt ấy vẫn diễn ra, các cô khuyên giải thế nào cũng không được.

Trèo hàng rào để rình cô giáo

Bây giờ người ta đẻ ít, kinh tế cũng khá hơn nên nhiều người coi con họ là hạt ngọc không chỉ vì nó quý mà còn vì nó mong manh dễ vỡ. Chỉ đưa con đến lớp mẫu giáo thôi mà nhiều bậc bố mẹ, ông bà đứt từng khúc ruột.

Lúc nào họ cũng nghĩ, làm sao cô giáo có thể cho con ăn, chăm sóc con chu đáo tận tâm như mình được. Thế là một mặt họ dúi phong bì vào tay cô cùng những lời nhờ vả khúm núm, một mặt lại nghi ngờ muốn kiểm tra xem cô giáo có đối xử tử tế với con mình không.


Ngôi trường tôi làm việc có một bức tường tiếp giáp với cái hào cạn nước, nhiều cây cối mọc phía ngoài. Đã rất nhiều lần, vào giờ trẻ ăn hay ngủ, các cô trong trường bắt gặp các  vị phụ huynh, chủ yếu là mẹ hoặc bà, đang trèo lên các cây ấy, cố thò đầu qua tường, nhìn vào cửa sổ lớp học để rình xem cô giáo có cho con ăn không, có chăm con ngủ, có đánh con cháu mình không.

Hễ bị bắt gặp là họ vội thụt xuống. Đã nhiều lần nhà trường nói về chế độ nuôi dưỡng các cháu để phụ huynh yên tâm và yêu cầu đừng làm như vậy nữa kẻo bọn trẻ trông thấy sẽ không hay, nhưng họ chả chịu tin.

Có vị phụ huynh còn vật nài cô giáo cho phép hằng ngày mang cho con đồ ăn trưa đặc biệt do mình nấu, không phải ăn đồ của trường. Chị quả quyết là thằng bé nhà chị yếu và lười ăn lắm, không phải đồ mẹ nấu thì không nuốt nổi. Bị từ chối, chị ta mắng ầm lên, đòi kiện.

Cô giáo lớp đó tâm sự: “Thằng bé con chị ấy chẳng có biểu hiện gì là ốm yếu còi cọc, nó vẫn vui vẻ, khỏe mạnh, bụ bẫm như những đứa khác, đến bữa vẫn ăn rất ngon miệng, còn thích ăn thi với các bạn. Chắc mẹ nó không tin cơm nhà trường đảm bảo vệ sinh, mà đúng hơn là chiều con quá, sợ nó ăn giống các bạn thì khổ, thì tội. Chị ấy bảo có phải con cô đâu mà biết xót”.

Xót con, cái cảm giác ấy người mẹ vào chẳng phải vượt qua. Tôi cũng vậy. Hai đứa con tôi cũng đều là hạt ngọc của ông bà nội, nên nhút nhát và quấn người nhà. Ngày đầu đi học, chúng cũng khóc, cũng quặp chặt lấy mẹ. Nhưng tôi đã dứt khoát giao chúng cho cô giáo rồi đi ngay, không để cho nó thấy mình rơi nước mắt.

Chuyện nó ăn ngủ ra sao, tôi chỉ hỏi các cô chứ không qua lớp con xem. Thế mà cũng chỉ mấy ngày sau, hai thằng bé đã hào hứng với chuyện đi học, líu lo kể chuyện hết bạn nọ bạn kia. Và tuyệt nhất là nếu như ở nhà, mỗi bữa tôi phải mất 2 tiếng đồng hồ để đút cho con vài thìa cháo thì ở lớp, cháu ăn hết suất với thời gian giống như các bạn.

Cô hiệu trưởng trường tôi từng bảo, nhiều phụ huynh cứ kêu con họ “nhiều vấn đề” nên nhờ cô giáo lưu ý đặc biệt, mà không biết rằng chính bố mẹ, ông bà mới là có vấn đề. Chuyện đưa con đến lớp lần đầu tiên thực ra không phải là khó khăn thử thách với bọn trẻ, mà chính là thử thách của các bậc phụ huynh và không phải vị nào cũng nhanh chóng vượt qua.

Và như thế, chính họ đã kìm hãm con mình, biến chúng thành đứa trẻ yếu đuối, nhu nhược và lệ thuộc. Nếu như ngay một chuyện rất nhỏ như rời nhà đến lớp, họ còn cảm thấy quá sức với đứa trẻ, thì làm sao họ dám kỳ vọng con mình lớn lên sẽ có thể vùng vẫy giữa sóng gió cuộc đời?



Có thể các mẹ chưa biết, vì "bị" luyện chữ đẹp mà trẻ sợ đi học!



Chia sẻ