Con đi học đại học, mẹ theo làm.. Ô sin

,
Chia sẻ

Không nỡ để những “cục cưng” của mình một mình nơi đất khách quê người, nhiều người mẹ sẵn sàng bỏ cả công việc của mình để theo con nhập học đại học.

Không tin con có thể tự lập

Gia đình anh Hoàng chị Hạnh năm nay có con gái vừa trúng tuyển đại học Tài chính kế toán. Vì là con út lại gia đình khá giả nên hầu như Ngân – con gái anh chị không phải làm gì. Mọi công việc trong nhà đều có mẹ và ô sin làm hết. Ngay cả nấu nướng, rửa bát – một công việc quá đơn giản của con gái nhưng Ngân cũng không phải nhúng tay vào. Đơn giản chỉ vì bố mẹ cô không muốn con gái phải bận tâm bất cứ điều gì ngoài việc học.

Và mong muốn của bố mẹ Ngân cũng được đền đáp khi cô thi đỗ Đại học ngay năm đầu. Khỏi phải nói vợ chồng anh Hoàng hạnh phúc như thế nào “trồng cây có ngày hái quả”. Thế nhưng, ngày con gái có giấy gọi nhập học cũng là lúc bố mẹ cô lo ngay ngáy vì không biết con sẽ phải tự lập như thế nào vì từ nhỏ cô bé chưa xa nhà bao giờ, mọi việc chăm sóc bản thân cô cũng toàn dựa vào mẹ, ít tiếp xúc với xã hội nên Ngân rất bỡ ngỡ, non nớt.
 
Và thế là, để chăm sóc cho con cái tốt hơn, cũng là để cho bản thân yên tâm, chị Hạnh quyết định xin nghỉ làm không lương một năm để lên Hà Nội làm.. "ô sin" cho con: “Đến khi nào nó học năm thứ 2 thông thạo mọi thứ thì mình về quê cũng được, chứ giờ để nó một thân một mình ở Hà Nội, không người quen biết thì không đành lòng” – chị Hạnh tâm sự.
 

Làm ô sin để quản con

Cũng giống với gia đình anh Hoàng chị Hạnh là gia đình chị Trà ở Hải Phòng. Mạnh – con trai anh chị không chỉ là một “cậu ấm” được cưng chiều trong gia đình mà còn là một “hot boy” cũng khá có tiếng ở trường cấp ba bởi mọi hoạt động cậu đều tham gia khá nhiệt tình: từ văn nghệ, đàn hát, đá bóng cho đến một số trò của học sinh nghịch như: chơi bài, game online.. May mắn cho gia đình là mọi thứ Mạnh đều chỉ “thử cho biết” chứ không quá sa đà vào thành nghiện.

Đọc báo, xem ti vi thấy nói quá nhiều đến việc các “cậu ấm” các tỉnh lên Hà Nội học bị bạn bè lôi kéo vào cá độ bóng đá, bài bạc rồi đem xe, máy tính, điện thoại đi cắm, chị Trà lo lắng đứng ngồi không yên bởi chị biết con chị là đứa hiếu động.

Dù bản chất Mạnh ngoan và thông minh nhưng ngay khi học cấp ba cũng đã nhiều lần bỏ tiết ra quán trà đá ngoài cổng trường ngồi chơi với chúng bạn khiến chị sợ nếu thả lỏng con lên Hà Nội một mình thì khả năng hư hỏng của con là rất có thể xảy ra. Mà gửi con cho họ hàng thì nhà chị lại không có ai quá thân thích. Thuê một ô sin ra Hà Nội nấu nướng, giặt giũ cho con thì cũng chẳng thể tin tưởng.. Cuối cùng, chị cũng đành cùng chồng bán đất ở quê đi lấy tiền mua một căn hộ tập thể ở Hà Nội và lên thủ đô làm ô sin kiêm luôn “quản giáo” con để lo con đỡ hư hỏng.

Liệu có quản được con?

Việc những người mẹ lo lắng cho con cái quyết định dừng hết mọi công việc để lên Hà Nội chăm sóc con học đại học là một việc giờ đây không còn hiếm. Bên cạnh việc chăm sóc con cái được tốt hơn thì nhiều người mẹ “ô sin” cũng gặp không ít phiền phức trong việc “quản thúc” con.

Ngân – con gái chị Hạnh có mẹ đi theo để phục vụ nên cô bé vẫn tính nết giữ nguyên. Quần áo, nhà cửa, bếp núc lại đã có mẹ lo hết nên Ngân vẫn mãi là một cô gái tiểu thư khuê các không biết làm gì. Định hướng dẫn con tập làm một số thứ nhưng lại sợ con ảnh hưởng đến học tập vì năm đầu chưa quen với kiểu học đại học nên chị Hạnh lại giành phần hết công việc về phía mình.

Vả lại, chị ngồi ở nhà cả ngày, ngoài việc phục vụ con thì chẳng có việc gì nên nếu không làm thì chị thấy mình như người thừa. Mới ở trên Hà Nội gần tháng chăm sóc con mà chị đã thấy mỏi mệt vì đang từ người làm hành chính nhà nước bỗng thành một người làm việc tự do, không đoàn thể, không cơ quan, đồng nghiệp…

Còn chị Trà lên Hà Nội để chăm sóc “quý tử” nhằm tránh cho Mạnh khỏi bị bạn bè lôi kéo nên mỗi khi có bạn bè nào của Mạnh đến chơi, chị đều hỏi han kĩ càng về gia đình, tuổi tác, nhà cửa khiến bạn bè của Mạnh lâu dần ngại đến nhà vì cảm thấy như bị “hỏi cung”. Nhiều lần Mạnh cũng nói với chị điều này nhưng chị vẫn gạt đi vì “Tất cả chỉ vì mẹ lo cho con”.

Theo các chuyên gia tâm lý, theo con lên HN để chăm sóc và kèm cặp con là một việc khá tốt, giúp các bậc phụ huynh yên tâm khi con cái xa nhà. Tuy nhiên, cũng cần tùy theo điều kiện từng gia đình để có biện pháp phù hợp. Ở tuổi 18,19, các em đủ tuổi trưởng thành và có thể tự lập, có thể tự lo cho bản thân. Nhiều em không muốn bị bố mẹ “quản giáo” quá chặt chẽ như ở nhà.

Cách tốt nhất là hãy chăm sóc và giáo dục con cái ngay từ nhỏ để con cái có đủ bản lĩnh khi bước chân vào cuộc sống. Nếu người mẹ nào công việc nhàn hạ có thể theo con lên HN để chăm sóc con thì tốt, tuy nhiên, cũng không nên can thiệp quá sâu vào bạn bè  của con cái để con cái không có cảm giác mình bị trói buộc và có cảm giác “tù túng” không được thoải mái với bạn bè.
 
Theo Eva
Chia sẻ