"Đường tắt" để con nhà giàu Trung Quốc đậu các trường ĐH nổi tiếng thế giới
Cha mẹ giàu có Trung Quốc đã chịu chi hàng chục nghìn, thậm chí hàng triệu đô la Mỹ để đưa con cái đi du học ở những ngôi trường danh giá trên thế giới.
Từ việc thuê viết bài luận, làm giả chứng nhận thể thao, đến tặng những món quà giá trị. Đó là chiêu trò mà các trung tâm môi giới du học kiến nghị cho cha mẹ giàu có Trung Quốc. Đường tắt này thường có giá khá đắt đỏ, trung bình khoảng hàng chục nghìn đô la Mỹ, nhưng bù lại con cái họ có thể vào được ngôi trường tốt nhất.
Zhao Yusi là một trong những sinh viên trong vụ bê bối tuyển sinh đại học Mỹ. Gia đình cô đã trả 6,5 triệu đô la Mỹ để cô được nhận vào Đại học Stanford.
Nữ du học sinh Zhao Yusi.
Không chỉ Zhao, vụ gian lận tuyển sinh đại học ở Mỹ năm ngoái có hàng chục phụ huynh, bao gồm những người nổi tiếng, nhà đầu tư, luật sư, giám đốc điều hành các công ty. Trong đó, một gia đình Trung Quốc khác đã trả 1,2 triệu đô la để con cái đậu vào trường Đại học Yale.
Một cựu cố vấn đại học giấu tên cho biết, trong vụ bê bối tuyển sinh, những món tiền lớn ấy thường được gọi là “quà tặng” chứ không dùng từ “mua chuộc”. Số tiền thấp nhất khoảng 10.000 đô la Mỹ, 250.000 đô là trị giá một món quà trung bình.
Trong khi đó, một người môi giới du học thú nhận: “Tôi đã chỉ dẫn cho những cha mẹ cách làm bảng điểm hoàn mỹ hoặc làm giả chứng nhận thể thao cho con của họ. Tôi nhận những bài luận còn non nớt từ họ, sau đó gửi tới “chuyên gia” chỉnh sửa”.
Khuôn viên Trường ĐH Stanford. |
Gia đình của Fu Rao đã chi 250.000 nhân dân tệ (35.400 đô la Mỹ) để được tư vấn tuyển sinh. Học sinh này sẽ được hướng dẫn cách đáp lời các giáo sư, những khóa học cần thiết để nâng bảng điểm trung học toàn điểm A, cũng như trò chuyện về chủ đề bóng đá Mỹ.
Quá trình chuẩn bị cho hồ sơ du học của Fu Rao kéo dài đến nay đã 18 tháng. Cô tham gia kỳ thi SAT, được “chuyên gia” chỉnh sửa bài luận, đồng thời, theo lời khuyên của người tư vấn, cô tham gia tình nguyện tại một trại trẻ mồ côi ở Campuchia.
Fu Rao giải thích: “Có rất nhiều sinh viên tình nguyện tại các trường học cho trẻ em nông thôn tại Trung Quốc, vì vậy, tôi phải làm một điều gì đó khác biệt để làm cho hồ sơ của tôi được nổi bật so với các hồ sơ khác”.
Huang Yinfei, mẹ của Fu Rao cho biết, con đường tắt để trở thành du học sinh này giúp con cái họ không phải tham dự kỳ thi Gaokao, kỳ thi nổi tiếng với tỉ lệ chọn cao và vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, nếu những du học sinh này không thể bám trụ lại trường học, cơ hội để họ trở về Trung Quốc học tập là rất khó. Đó là con đường một đi không trở lại.
Theo báo cáo của Hiệp hội học giả và sinh viên Trung Quốc hồi tháng 2, ngành công nghiệp dịch vụ tuyển du học sinh dự kiến sẽ tăng lên 35 tỷ đô la Mỹ vào năm 2021.
Báo cáo chỉ ra rằng, khi thu nhập tăng lên, ngay cả các cha mẹ ở các thị trấn nhỏ cũng khao khát một nền giáo dục đẳng cấp thế giới cho con cái họ, thay vì cách học cứng nhắc tại các trường đại học địa phương.