Đừng chủ quan khi thấy mắt con sáng lóe buổi tối

K.Chi,
Chia sẻ

Thấy con có ánh sáng bất thường ở đồng tử nên bố mẹ cho con đi kiểm tra, tại bệnh viện bác sĩ cho biết bé bị ung thư.

Mỗi năm cả nước có hàng trăm nghìn ca nhồi máu cơ tim trong đó nhiều người không cấp cứu kịp thời tử vong. Đặc biệt các bác sĩ cho biết bệnh đang có xu hướng trẻ hoá ở lối sống của người trẻ.

Vừa qua, khoa Mắt bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM tiếp nhận 1 trường hợp ung thư nguyên bào võng mạc mắt bên phải.

Theo người nhà của bé, trước đó bé hoàn toàn không có bất cứ vấn đề sức khỏe nào, tình cờ người nhà thấy trong mắt phải của bé (con ngươi) ánh trắng đục nên cho bé đi khám mới phát hiện khối u. Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, 1 bên nhãn cầu có khối u đã được lấy ra.

Sau khi hội chẩn kết hợp giữa tình trạng lâm sàng và hình ảnh cận lâm sàng cho thấy khối u lúc này đã phát triển khá lớn và bác sĩ phải ra quyết định cắt bỏ nhãn cầu để ngăn chặn sự di căn của khối u. Đây thực sự là một quyết định khiến các bác sĩ vô cùng xót xa vì là cách duy nhất để bảo vệ tính mạng cho bệnh nhân u nguyên bào võng mạc giai đoạn muộn.

Đừng chủ quan khi thấy mắt con sáng lóe buổi tối - Ảnh 1.

Hình ảnh cảnh báo nguy cơ ung thư.

TS BS Phạm Thị Việt Hương – chuyên gia ung thư nhi, Bệnh viện Vinmec Hà Nội cho biết chị tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị u nguyên bào võng mạc.

Theo BS Hương bệnh nhân nhi bị u võng mạc chủ yếu ở trẻ nhỏ trung bình 11,6 tháng, tối thiểu phát hiện bệnh ngay khi sinh ra, tối đa gặp 50 tháng tuổi.

Bệnh thường được mô tả bằng nhiều từ khác nhau như "mắt mèo", "mắt thú", "mắt có ánh sáng lập lòe", "mắt có ánh sáng lấp lánh, rực rỡ".

Khi nhìn vào mắt bé, cha mẹ thấy có ánh trắng (nhất là vào ban đêm hoặc trong phòng tối vì khi đó đồng tử giãn), cũng có thể thấy 1 hoặc 2 đồng tử màu trắng hay vàng khi chụp ảnh buổi tối có dùng đèn flash. BS Hương cho biết có nhiều trường hợp bố mẹ chụp ảnh cho con thấy bất thường nên cho con đi kiểm tra và kết quả đúng là ung thư nguyên bào võng mạc.

Ngoài ra, biểu hiện khác của u võng mạc đó là mắt của bé bị lé (lác) 34% trường hợp bệnh được phát hiện nhờ dấu hiệu này. Đặc biệt, nếu bé bị lé trong vòng 6 tháng tuổi thì nên nghi ngờ có u nguyên bào võng mạc. Biểu hiện tiếp theo đó là thị lực kém, mắt đỏ và đau nhức mắt do tăng nhãn áp, viêm màng bồ đào, viêm tế bào hốc mắt, xuất huyết tự nhiên trong tiền phòng, trong pha lê thể. Đây là các biểu hiện muộn hơn của bệnh.

Để chẩn đoán chính xác u nguyên bào võng mạc, các bác sĩ phải làm giãn đồng tử để soi đáy mắt và khám toàn bộ con mắt. Có thể chẩn đoán nhờ siêu âm, chụp X-quang nhãn cầu. Chụp cắt lớp vi tính rất nhạy cảm với những chỗ canxi hoá là đặc điểm của u nguyên bào võng mạc.

Trẻ mắc bệnh thường có biểu hiện ánh đồng tử trắng ở một hoặc 2 mắt, lác hoặc viêm tổ chức hố mắt. Những khối u nhỏ ở đáy mắt thường có màu trắng xám và có các ổ canxi hoá trắng như phấn. Những khối u kích thước vừa thường dốc hơn và có những mạch máu võng mạc giãn ngoằn ngoèo nuôi dưỡng khối u.

Quá trình điều trị phụ thuộc vào kích thước, vị trí và bệnh đã lan ra ngoài nhãn cầu hay chưa. Các phương pháp điều trị hiện nay bao gồm nếu khối u nhỏ: có thể điều trị đơn thuần tại mắt bằng laser/nhiệt đông/lạnh đông hoặc đặt đĩa phóng xạ tại vị trí u. Nếu khối u lớn: hóa chất tĩnh mạch toàn thân hoặc tiêm hóa chất nội động mạch kết hợp với điều trị tại chỗ.

Cắt bỏ nhãn cầu khi khối u lớn, có nguy cơ xâm lấn di căn cao. Cần xem kết quả giải phẫu bệnh để điều trị hóa chất bổ trợ.

Nếu khối u đã di căn ra ngoài nhãn cầu cần phối hợp hóa trị với cắt bỏ nhãn cầu/nạo vét tổ chức hốc mắt và xạ trị hốc mắt.

TS Hương nhấn mạnh nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể chữa khỏi. Kết quả điều trị bệnh nhân có u nguyên bào võng mạc ở trong hố mắt là xem tỷ lệ sống sót theo thời gian, khống chế bệnh trong một mắt có u đồng thời với việc giữ được thị lực.

Tỷ lệ chữa khỏi có nghĩa là khống chế được bệnh trong mắt có u và bảo tồn được thị lực hữu ích, với kết quả sau 5 năm như sau: Giai đoạn I: 91%, Giai đoạn II: 83%, Giai đoạn III: 81%, Giai đoạn IV: 62%, Giai đoạn V: 29%.

Chia sẻ