Đừng áp đặt sự tử tế lên người cha dượng - mẹ kế, bởi chỉ những đứa trẻ mới trả lời được về hạnh phúc
Cha dượng - mẹ kế với con riêng của chồng, của vợ trở thành nỗi toan lo cho những hạnh phúc lần nữa của nhiều người.
Nhiều người mẹ lần lữa tái hôn vì vấn víu chuyện "con anh- con em- con chúng ta". Nhiều người cha chọn cách "quẳng con về nhà mẹ ruột nó" vì không tin mẹ kế tốt bằng mẹ đẻ. Nhiều ánh nhìn ái ngại khi thấy cảnh con gái thân thiết với cha dượng. Nhiều ánh nhìn dò xét, nghi ngờ với cảnh mẹ kế dạy con chồng. Luôn là thế, cha dượng- mẹ kế với con riêng của chồng, của vợ trở thành nỗi toan lo cho những hạnh phúc lần nữa của nhiều người…
1. Không dứt ruột đẻ ra làm sao thương, làm sao xót?
Bắt một người đàn ông thương con ruột có khi còn khó. Bởi đàn ông, kẻ vô tâm nhiều không kể xiết. Tôi biết nhiều người cha ruột hẳn hòi mà đối xử với con ruột rặt lời quát tháo, xua đuổi. Tử tế hơn thì là giao toàn quyền cho mẹ nó lo còn mình thì bận trăm công ngàn việc lớn lao khác. Đàn ông, những người như thế không hiếm. Thế nên chả lạ gì mỗi cuối tuần trong các khu vui chơi trẻ em rặt toàn các mẹ. Nên đâu có gã đàn ông nào chơi với con đều được ca tụng là ông bố quốc dân hết cả. Chồng, cha bớt một ly bia về nhà với vợ con luôn là thứ mơ ước xa xỉ của nhiều người. Vậy mà giờ lại muốn cha dượng biết thương, biết xót con riêng của vợ ư?
Bắt một người phụ nữ coi mẹ chồng như mẹ ruột cũng khó như vậy. Nên ở đâu có con dâu mẹ chồng thương nhau, thân nhau thì đều trở thành những bài báo hot nhất rồi. Lại chả, mẹ chồng- nàng dâu thành phim truyền hình dài tập mà trong đó mẹ chồng "ngáo ộp" gặp con dâu "ếch ộp" hay con dâu ngáo ngơ gặp mẹ chồng tai quái thành chuyện kể hoài không hết. Mẹ chồng bây giờ mà không ngoan, không biết tránh con dâu thì có ngày con dâu cho mẹ chồng nổi nhất mạng xã hội ngay. Thì là bởi mẹ chồng - con dâu vốn là người dưng, quen nhau qua cùng một người đàn ông thôi mà. Huống chi nói đến chuyện con của người phụ nữ khác đẻ ra. Bắt thương, bắt xót thật khó!
Không dứt ruột đẻ ra làm sao thương, làm sao xót? Cuộc sống hôn nhân vốn đã chẳng dễ dàng gì. Huống chi lại thêm "kẻ thứ 3" đánh không được, mắng không xong, làm gì cũng dễ bị soi, bị gán cho cái tội: Mẹ ghẻ con chồng - cha dượng con riêng. Nói thật chứ, phụ nữ nếu đã có con rồi thì đừng dại gì ly dị. Lỡ mà ly dị rồi thì đừng tái hôn. Mà có tái hôn thì đừng nuôi con làm gì. Đàn ông cũng vậy, tránh xa mấy mẹ đã một lần đò lại có con riêng. Chẳng phải đầu thì sẽ phải tai, tan hoang là điều không tránh khỏi.
Nói thêm cho sợ một thể! Lũ trẻ dù bố ruột nó tệ thế nào, mẹ ruột nó bất ổn ra sao thì trong lòng nó ông bố ấy, bà mẹ ấy vẫn cứ là số 1. Chê thử coi, biết tay liền. Là còn chưa kể nhiều ông bố hằm hè "thằng chồng sau của vợ cũ", nhiều bà mẹ lộn ruột khi thấy con mình gọi "vợ mới của gã chồng cũ" là mẹ. Kinh dị nữa, nếu đứa trẻ ấy ở độ tuổi "người lớn chưa tới - trẻ con đã qua" thì "xác văn định" rằng nó quậy cho tới bến nếu nó không ưa cha dượng - mẹ kế.
Nào, giờ thì đã biết sợ chưa? Còn muốn hạnh phúc lần nữa nữa không?
2. Những người lớn xấu xí
Tôi vừa thử google với từ khoá "những câu nói hay về mẹ kế" và tôi nhận được kết quả là những câu này:
- Cây không trồng nên lòng không tiếc/ Con không đẻ nên mẹ ghẻ không thương
- Mẹ gà con vịt chít chiu/ Mấy đời dì ghẻ nâng niu con chồng
- Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng
Từ thuở các cụ đã có lắm những định kiến về mối quan hệ này nên chẳng trách đến thời nay, những câu chuyện kiểu mẹ kế hành hạ con chồng hay cha dượng xâm hại con riêng của vợ nhan nhản trên mặt báo chí. Thật hiếm hoi có những câu chuyện đẹp về mối quan hệ "mẹ gà - con vịt" này. Thậm chí, nhiều câu chuyện đọc lên đã thấy "văn vẻ" rồi. Có không một mối quan hệ tốt đẹp cho mẹ gà - con vịt?
Tôi biết nhiều đứa trẻ đang sống cùng cha dượng hoặc mẹ kế. Câu hỏi chúng hay được nghe nhiều nhất là: "Mẹ kế (nói giảm, nói tránh thay cho câu: Dì ghẻ - Mẹ ghẻ) có tốt với con không?", "Cha dượng có khi nào đánh mắng các con không?". Quan tâm tới trẻ em là tốt, nhất là ở cái thời đại mà ai cũng quan tâm với việc xâm hại và bạo hành trẻ em như hiện nay. Nhưng đặt một câu hỏi như thế có khác nào mặc định rằng mối quan hệ đó luôn xảy ra vấn đề bạo hành?
Tôi cũng từng nghe nhiều lời xầm xì, bàn tán kiểu "cái đứa A kia là vợ sau của thằng B, mẹ kế của nhóc C" - một cách đầy miệt thị. Hay những ánh nhìn đầy nghi hoặc dành cho vị cha dượng nào săn sóc con riêng của vợ một cách ân cần thái quá. Tựa hồ như mối quan hệ mẹ kế - con chồng hay cha dượng- con riêng của vợ luôn là mối quan hệ tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Đôi lần, trong inbox của tôi lại có những lá thư âu lo như thế. Rằng "Em muốn đi bước nữa với anh kia nhưng lại lo ảnh không thương con em thì khổ cho con bé anh ạ!". Tôi hỏi lại: "Thế bây giờ thì sao? Anh ấy có thương con em không?" Thì đáp: "Giờ cũng thương. Lần nào đến cũng mua quà cho con bé. Con bé con em cũng quý ảnh. Nhưng em vẫn lo mai này về ở chung anh ạ". Nỗi lo ấy tôi thấu hiểu được. Nhiều phụ nữ có hoàn cảnh tương tự cũng vậy. Thậm chí như vài cô bạn tôi ly dị chồng đến 10 năm nay rồi mà vẫn không dám đi bước nữa.
Đâu chỉ phụ nữ mới lo lắng, đàn ông chúng tôi cũng nhiều người giấu tiếng thở dài đi bằng quyết định cho con về với mẹ ruột chúng vì lo không giải quyết nổi mối quan hệ mẹ kế - con chồng. Một anh từng tâm sự với tôi rằng: "Khác máu tanh lòng cậu ạ! Muốn tin vào sự tử tế cũng khó vì người sống với người tránh sao khỏi va chạm. Thôi, ruột thịt có sao vẫn là máu mủ. Tránh được bao lâu thì tránh".
Người trong cuộc còn không tin, lấy gì để người ngoài tin???
3. Những đứa trẻ mới trả lời được về hạnh phúc
Tôi tin vào những đứa trẻ. Chính xác là tin vào cảm nhận của chúng. Ai thương chúng thật lòng là chúng biết và thương lại. Là bởi thứ chúng cảm nhận không bị các "vật cản" là quan niệm xã hội, định kiến hay vẻ bề ngoài, lời lẽ… Chúng "nhạy" đến mức không ai có thể trở thành diễn viên được. Lại thêm thời gian sống cùng, sự thật lòng luôn có giá trị tuyệt đối. Ai coi thường cảm nhận của lũ trẻ thì người đó sẽ phải trả giá. Đặc biệt là với "lòng mẹ" hay "tình cha" là thứ không bao giờ diễn được.
Những đứa trẻ mới trả lời được về hạnh phúc. Chứ không phải "10 cách làm một mẹ kế tốt" hay "30 điều cha dượng nên làm với con riêng của vợ". Lại càng không phải những bài báo "Mẹ kế thân con chồng như hai chị em" hay "Cha dượng dốc lòng thương con riêng của vợ". Tất nhiên, kể cả những lời nhận xét kiểu: Tuy cái A là vợ sau của ông B nhưng rất thương nhóc C - con riêng của ông B. Đó cũng là lý do tôi google bao nhiêu cũng không tìm ra bài viết nào có "lời hay - ý đẹp" cho mối quan hệ "mẹ gà - con vịt này. Bởi những thứ xuất phát từ trái tim vốn chỉ được cảm nhận bằng trái tim. Chẳng ai viết ra chính xác cho nổi. Nó không hiếm! Nó chỉ là không phải thứ trần xì mắt thường thấy được.
Vậy, muốn hạnh phúc lần nữa khi đang có con riêng thì sao? Tôi vẫn mách nhiều phụ nữ rằng hãy để con bạn quyết định. Nhưng tuyệt đối đừng nhân danh con bạn để đòi hỏi người đàn ông ấy phải thế nào. Hãy để chính con bạn quyết định việc mối quan hệ của bạn với người đàn ông ấy tiến xa đến đâu. Nếu con của bạn không cảm thấy an toàn và hạnh phúc với người đàn ông ấy thì có nghĩa là tình cảm của anh ta dành cho bạn chưa đủ đâu. Bởi đàn ông hầu hết đều có khuynh hướng thương con bạn vì yêu bạn chứ không phải trong anh ta sẵn có tình cảm với con bạn. Tôi vẫn tin rằng đủ yêu sẽ làm được.
Đủ yêu sẽ làm được cha dượng tốt, mẹ kế tốt. Tính thiện lương vốn được nuôi dưỡng bởi tình yêu chứ không phải sinh ra đã có hay giáo dục mà thành. Một người thiện lương phải là kẻ yêu mình, yêu người, yêu đời chứ không phải sinh ra đã có. Một người đối xử với chính bản thân mình không ra gì thì đừng mong anh ta - cô ta có thể đối xử với người khác ra gì. Một người luôn nhìn thấy điều tiêu cực thì càng không dễ gì mong họ nhìn mối quan hệ này tích cực được. Và càng không thể mong một người không tin vào quan hệ này tốt đẹp lại có thể cư xử tốt đẹp trong mối quan hệ này.
Chúng ta có thể có một vạn tám ngàn cách thức để ổn cho mối quan hệ mẹ kế - con chồng - cha dượng - con riêng của vợ. Nhưng chỉ là để mối quan hệ này "ổn" thôi chứ không thể khiến nó lung linh hay tươi đẹp được. Muốn cho nó lung linh hay tươi đẹp là chuyện của… PR hình ảnh rồi. Tôi vẫn nghĩ rằng nó sẽ chỉ dừng ở mức độ "ổn". Còn nhiều hơn xin hãy để thời gian định đoạt. Thời gian sẽ trả lời. Thời gian sẽ cho thấy mối quan hệ này ổn đến đâu.
Cũng đừng tranh luận rằng thế nào mới là một mẹ kế tốt - cha dượng tử tế. Bởi tôi đã nói rồi: Những đứa trẻ mới trả lời được về hạnh phúc. Chúng ta đừng áp thước đo của mình lên hạnh phúc của một đứa trẻ. Bạn có đúng một vạn tám ngàn lần mà đứa trẻ vẫn thấy cô đơn, vẫn thấy âu lo thì rõ ràng cái đúng ấy của bạn chỉ để… lên báo khoe.
Cuối cùng, thật lý thuyết khi nói rằng: Con nào cũng là con miễn là cha mẹ yêu thương chúng bằng tâm của họ. Là lý thuyết quá đi chứ còn gì. Nhưng nó có khó làm không? Là vô cùng khó nếu như bạn đang cố gắng làm cho đúng. Nhưng tôi biết và sẵn sàng cung cấp cho bạn hàng chục ví dụ, hàng trăm ví dụ về những "mẹ gà - con vịt" đang hạnh phúc. Là bởi họ chưa bao giờ cố gắng yêu thương ai đó bằng tâm. Họ không cần phải cố gắng khi mà họ đã luôn như thế! Họ đã luôn yêu bằng tâm của họ với con riêng của chồng, của vợ họ. Và về căn bản, họ chẳng buồn phân biệt đâu là con của anh, con của em, con của chúng ta.
(*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)