Đưa hai con đi ăn lẩu cùng, cha mẹ bất cẩn đã khiến hai chị em sinh đôi bị nhiễm trùng huyết nghiêm trọng
Một căn bệnh nguy hiểm có thể dễ dàng đến với trẻ chỉ vì sự bất cẩn của người lớn. Trong trường hợp dưới đây, hai bé sinh đôi đã bị nhiễm trùng huyết vì cha mẹ trót cho ăn trứng sống.
Trứng luôn là thức ăn bổ sung tốt cho trẻ nhỏ, trứng giàu protein và có thể đáp ứng nhiều chất dinh dưỡng khác nhau cần thiết cho sự phát triển cơ thể của trẻ. Tuy nhiên, trứng cũng có thể dẫn đến mất mạng nếu ăn sai cách.
Cặp chị em sinh đôi 2 tuổi bị nhiễm trùng huyết vì ăn trứng sống
Một cặp bé gái sinh đôi 2 tuổi đến từ Đài Loan đi ăn Sukiyaki (lẩu Nhật Bản) cùng với gia đình. Tại bữa ăn, cha mẹ đã bất cẩn khi lấy thịt chấm vào bát trứng gà sống cho 2 đứa trẻ ăn (đây là loại lẩu dùng nước chấm là trứng gà sống đánh tan dành cho người lớn), điều này đã khiến 2 đứa trẻ bị nhiễm Salmonella, gây nhiễm trùng huyết.
Cặp chị em sinh đôi đã sốt cao 4 ngày và nhiệt độ đạt đến 39 độ C, kèm tiêu chảy và phân có máu. Cha mẹ của 2 bé hốt hoảng đưa con đến bệnh viện. Sau 14 ngày điều trị, dùng thuốc kháng sinh, cuối cùng 2 đứa trẻ đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.
Cha mẹ đã bất cẩn khi lấy thịt chấm vào bát trứng gà sống cho 2 đứa trẻ ăn (Ảnh minh họa).
Bác sĩ điều trị cho cặp sinh đôi cho biết, ăn trứng sống khiến trẻ bị tiêu chảy không phải là hậu quả nghiêm trọng nhất, nó có thể biến chứng gây ra nhiều các loại bệnh như: nhiễm trùng huyết, hội chứng urê huyết, tiêu chảy ra máu, suy thận cấp và thậm chí là tử vong.
Theo thống kê, khoảng 79.000 bệnh do thực phẩm gây ra và 30 ca tử vong mỗi năm ở Hoa Kỳ là do ăn trứng, phần lớn trong số đó là do "ngộ độc trứng". "Ngộ độc trứng" không có nghĩa là bản thân trứng là độc hại, nhưng vì không được làm chín hoàn toàn gây nên nhiễm Salmonella trên trứng.
Nhiễm khuẩn Salmonella là gì?
Salmonella là loại khuẩn phổ biến trong các loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày, chúng thường được tìm thấy trong các loại trứng gia cầm và các sản phẩm thịt (Ảnh minh họa).
Bác sĩ Li Hongzhi, trưởng khoa Nhi tại Bệnh viện Đại học châu Á cho biết, Salmonella là loại khuẩn phổ biến trong các loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày, chúng thường được tìm thấy trong các loại trứng gia cầm và các sản phẩm thịt. Các biểu hiện lâm sàng của nhiễm Salmonella có thể được chia thành bốn loại: viêm ruột, thương hàn, nhiễm trùng huyết và nhiễm trùng mủ cục bộ.
Nói chung, những người bị nhiễm trùng nhẹ sẽ tự khỏi sau một vài ngày, nhưng trường hợp nặng có thể gây ra các triệu chứng như tê liệt, mất nước, sốc, và thậm chí tử vong. Bị đe dọa nhiều nhất là người già, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch.
Làm thế nào để tránh nhiễm salmonella trong trứng?
Một số trẻ thích ăn lòng đỏ trứng chưa chín, nhưng món ăn này không an toàn. Theo khuyến nghị của CDC Hoa Kỳ, cần tuân thủ những điều dưới đây để giảm nguy cơ nhiễm Salmonella:
Lòng đỏ trứng chưa chín là món ăn không an toàn (Ảnh minh họa).
Thứ nhất, lòng đỏ trứng phải được nấu chín. Khi nấu các món ăn có trứng, nhiệt độ phải ít nhất 71 độ C.
Thứ hai, thực phẩm có chứa trứng cần phải được ăn ngay sau khi nấu hoặc để trong tủ lạnh kịp thời nếu không ăn hết. Không bảo quản trứng hoặc thức ăn làm từ trứng trong môi trường ấm hoặc ở nhiệt độ phòng trong hơn 2 giờ, không được bảo quản trứng trong hơn 1 giờ trong môi trường có nhiệt độ cao hơn 32 độ C.
Thứ ba, rửa tay và các vật dụng đã tiếp xúc trực tiếp với trứng sống, bao gồm bàn ăn, đồ dùng, đĩa, thớt...
Nguồn: Sohu