Nhiễm trùng huyết - biến chứng bệnh cúm có thể tử vong cần cảnh giác ở trẻ nhỏ
Một bé trai 12 tuổi đã qua đời vì nhiễm trùng huyết - một biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm chỉ sau 3 ngày được chẩn đoán cùng nhiều trường hợp trẻ nhỏ khác đã thiệt mạng vì dịch cúm mùa năm nay.
Biến chứng của cúm - Hậu quả khó lường với trẻ nhỏ
Mùa cúm năm nay thực sự đã để lại hậu quả nặng nề khi số trẻ em tử vong vì cúm tăng đột biến, dự báo còn tiếp tục tăng trong những tháng tiếp theo. Tiến sĩ Tom Safranek, nhà dịch tễ học của Bộ Y tế Mỹ cho biết: "Năm nay, mùa cúm xuất hiện sớm hơn mọi năm và đang lan nhanh trên diện rộng. Dịch cúm năm nay trở nên tồi tệ hơn khiến nhiều người mắc bệnh và tử vong, đặc biệt là trẻ nhỏ”.
Cúm không chỉ đơn thuần gây ra các triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi mà còn gây ra nhiều biến chứng, điển hình là viêm phổi và nhiễm trùng máu. Tháng 1 vừa qua, thêm một trường hợp trẻ em tử vong vì nhiễm trùng huyết - biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm tại bệnh viện thành phố Liverpool, Anh. Đó là bé Dylan Day, 12 tuổi đã qua đời chỉ 3 ngày sau khi được chẩn đoán dương tính với virus cúm và bị biến chứng nhiễm trùng máu. Gia đình cậu bé đã suy sụp nặng nề sau sự ra đi của cậu con trai nhỏ. Mặc dù vẫn còn đang rất đau khổ, mẹ bé là chị Sarah Day vẫn gắng gượng để lan truyền thông tin giúp các bậc cha mẹ nhận thức rõ hơn về căn bệnh tưởng chừng khá đơn giản này.
Dylan là 1 cậu bé thông minh, lanh lợi và đặc biệt rất yêu bóng đá. Bé đã tử vong vì nhiễm virus cúm và biến chứng nhiễm trùng máu.
Chị nhắn nhủ: “Con trai tôi đã chết cách đây hai tuần do bệnh cúm và nhiễm khuẩn huyết. Xin hãy chia sẻ thông tin này tới nhiều gia đình khác. Nếu con bạn có triệu chứng mệt mỏi, ốm, hãy nghĩ tới trường hợp đó có thể là nhiễm trùng máu. Con trai tôi, Dylan là 1 cậu bé lanh lợi, thông minh, con đã dũng cảm chiến đấu chống lại bệnh tật nhưng cuối cùng vẫn không thể chiến thắng. Đó quả thực là 1 căn bệnh chết người và cha mẹ cần cảnh giác cao độ”.
Theo các bác sĩ, bé Dylan Day nhiễm virus cúm chủng B, và bị biến chứng nhiễm trùng máu khiến bé không thể qua khỏi. Bệnh có diễn biến nhanh, các triệu chứng mờ nhạt nên các bậc phụ huynh cần theo dõi con em mình chặt chẽ để phối hợp kịp thời với nhân viên y tế để đưa ra phương án điều trị thích hợp.
Trường hợp của bé Dylan đã làm gia tăng số người tử vong vì cúm năm nay lên con số 191 tại nước Anh, trong đó có rất nhiều ca tử vong là trẻ nhỏ.
Nhiều trường hợp trẻ bị nguy hiểm tính mạng vì biến chứng của bệnh cúm (Ảnh minh họa).
- Điển hình như trường hợp bé Emily Muth, 6 tuổi đến từ Mỹ, tử vong sau 1 tuần nhiễm bệnh do sự chủ quan của các y bác sĩ.
- Bé Jonah Rieben, 4 tuổi đến từ bang Ohio, Mỹ đã tử vong chỉ vài giờ sau khi xuất hiện những triệu chứng cúm đầu tiên.
- Bé Coby Simons, 9 tuổi, từ Exeter (Anh) cũng không thể qua khỏi chỉ hai ngày sau khi bị tấn công bởi virus cúm.
- Cậu bé 7 tuổi Kevin Baynes ở bang Virginia và một em bé khác 10 tuổi ở California cũng lần lượt tử vong do biến chứng viêm não bởi virus cúm.
- Một cậu bé 8 tuổi Witten Ramire, hiện đang sinh sống tại bang Texas, Mỹ cũng bị nhiễm virus cúm mùa. Mặc dù không tử vong nhưng cậu bé bị nhiễm trùng não do biến chứng của bệnh cúm mùa gây ra khiến cậu bị liệt và không thể nói chuyện được.
- Giống với trường hợp của cậu bé Dylan ở trên là bé Alyssa Alcaraz, 12 tuổi đến từ bang California, Mỹ. Bé gái được chuẩn đoán mắc cúm và bác sĩ kê đơn cho chăm sóc tại nhà bằng thuốc thông thường. Nhưng sức khỏe của cô gái 12 tuổi tiếp tục xấu đi 4 ngày sau đó, bé bắt đầu khó thở và rơi vào trạng thái hôn mê. Mẹ bé đã đưa bé đi cấp cứu bệnh viện nhưng tim Alcaraz đã ngừng đập và cô bé tử vong sau đó không lâu. Nguyên nhân khiến cô bé tử vong là do nhiễm khuẩn trong máu, một dạng nhiễm trùng biến chứng nguy hiểm của cúm mà gia đình bé hoàn toàn không hay biết.
Bé Alyssa Alcaraz, 12 tuổi (ở giữa) cũng tử cong vì nhiễm trùng huyết - biến chứng của cúm.
Thông tin tổng quan về virus cúm ở người – cha mẹ cần biết
Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm lưu hành khắp nơi trên thế giới bao gồm 3 tuýp A, B và C. Virus cúm tuýp A được phân chia thành các phân nhóm theo sự kết hợp của 2 loại protein khác nhau, haemagglutinin (H) và neuraminidase (N). Virus cúm B có thể được chia thành 2 nhóm chính gọi tắt là B/dòng Yamagata và B/dòng Victoria. Còn virus cúm C được phát hiện ít thường xuyên hơn và thường gây ra nhiễm trùng nhẹ. Các nhà chức trách tại Anh đã liệt kê 4 loại cúm phổ biến trong mùa dịch năm nay đó là H3N2, H1N1, B/dòng Yamagata và B/dòng Victoria.
Virus cúm có thể gây biến chứng nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trong đó có nhiễm trùng máu.
Theo các chuyên gia y tế thế giới thì virus cúm có thể tấn công bất kỳ ai, đặc biệt nhóm người có khả năng cao dễ mắc bệnh là người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm. Nó có thể gây ra các biến chứng điển hình là viêm tai, viêm phổi và đặc biệt là nhiễm trùng máu - một loại nhiễm trùng gây ra phản ứng miễn dịch dữ dội, trong đó cơ thể tấn công các cơ quan của chính mình. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nếu được phát hiện sớm và điều trị bằng kháng sinh trước khi cơ thể bị quá tải thì nhiễm trùng máu có thể được kiểm soát và người bệnh được cứu sống.
Các bậc cha mẹ cần cẩn trọng và đặc biệt lưu ý khi con mình mắc bệnh cúm trong mùa dịch năm nay bởi nó có thể trở nên nghiêm trọng, thậm chí gây ra biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng huyết khiến cho trẻ tử vong nếu các dấu hiệu bệnh không được nhận biết đúng đắn và kịp thời. Chỉ cần chậm trễ 1 phút thôi, căn bệnh tưởng đơn giản này sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của chính các bé.
Thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ nhỏ giúp hạn chế khả năng lây lan và nhiễm virus (Ảnh minh họa).
Ngoài ra, việc thực hiện phòng bệnh cho trẻ cũng quan trọng không kém. Cha mẹ cần lưu ý:
- Giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát.
- Thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng.
- Thực hiện tiêm phòng đầy đủ để tăng miễn dịch cho trẻ.
- Tập cho trẻ thói quen dùng khăn tay khi ho hoặc hắt hơi để ngăn ngừa virus lây lan.
- Cho trẻ ăn nhiều rau củ quả, thức ăn đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng.
Nguồn: D.M/NCBI