Đưa cháu đi ăn tiệc, sợ bé không thể nhai thức ăn nên bà đã có hành động gây tranh cãi gay gắt
Không ngờ rằng trong thời đại ngày nay mà người bà vẫn có cách chăm cháu như thế.
Trong các gia đình có con nhỏ, ông bà và bố mẹ thường xảy ra mâu thuẫn trong cách nuôi dạy con.
Gần đây, một hình ảnh lan truyền trên internet khi một người bà đưa cháu đi ăn tiệc đã gây tranh cãi trong cộng đồng mạng. Trong hình ảnh được chia sẻ, em bé còn khá nhỏ nên bà vừa ăn vừa bế bé trên tay. Có lẽ do sợ thức ăn nóng và sợ cháu chưa thể nhai thức ăn, bà đã có hành động cho thức ăn vào miệng nhai rồi đút cho cháu ăn.
Sau khi xem những hình ảnh này, nhiều người nói rằng không thể chấp nhận hành động của bà. Có người còn chỉ trích gay gắt hơn, cho rằng thói quen này truyền bệnh cho bé, bố mẹ bé cần nhắc nhở người bà ngay lập tức. Trên mạng xã hội đã nổ ra một cuộc tranh cãi gay gắt, bởi 1 số khác lại nêu ý kiến rằng đây là do thói quen chăm cháu của những người sống ở thế hệ trước, không có gì quá đáng đến mức lên án người bà như thế.
Có người thì bày tỏ quan điểm bố mẹ nên trao đổi với ông bà về những hành động tương tự. Có thể đó là thói quen phổ biến ngày xưa nhưng hiện nay, chính các bác sĩ cũng chỉ ra tác hại của việc thổi cháo, mớm cơm của người lớn đối với sức khỏe trẻ nhỏ. Những mối nguy hiểm của hành động đơn giản này có thể ông bà không hiểu hết nên vì thương cháu mà vẫn áp dụng với cháu mình.
Trẻ có thể nhiễm virus, vi khuẩn từ thói quen âu yếm, chăm sóc của người lớn
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta vẫn có thể bắt gặp những hình ảnh tương tự, chẳng hạn như dùng lưỡi thử thức ăn của con cháu xem có nóng hay không, hôn vào miệng trẻ... Những hành vi thân mật này đều có khả năng phát tán, lây lan virus cho trẻ, đặc biệt là vi khuẩn HP - vi khuẩn hàng đầu gây viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ nhỏ. Trẻ dễ dàng bị lây nhiễm vi khuẩn HP qua đường miệng, trong khi hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ còn non nớt nên một khi đã lây vi khuẩn HP, trẻ có nguy cơ dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng đường ruột. Bởi thế, người chăm sóc trẻ phải đặc biệt chú ý tới hành vi của mình.
Ngoài ra, khi trẻ đang ở tuổi mọc răng cũng là giai đoạn chúng cần học nhai. Ăn thô đúng cách sẽ có lợi cho sự phát triển răng của trẻ. Việc cha mẹ cần làm là tập cho con thói quen nhai thức ăn thô phù hợp với độ tuổi của mình thay vì nhai, mớm thức ăn hay nghiền nhuyễn thức ăn.
Tâm lý chung của trẻ nhỏ là chúng sẽ tò mò về các loại thức ăn mới. Khi được chơi đùa cùng đồ ăn, chúng cũng muốn cầm, nắm và đưa vào miệng nhai. Chỉ cần cha mẹ chú ý vệ sinh tay con sạch sẽ, cho con vào môi trường ăn phù hợp (ghế ăn của trẻ) và chuẩn bị sẵn đồ ăn với độ thô phù hợp, trẻ có thể ăn uống tự chủ ngay từ nhỏ. Để trẻ ăn thô sớm còn giúp trẻ nhận biết mùi vị từng món ăn, tránh hiện tượng biếng ăn, kén ăn sau này.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sang (Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP. Hồ Chí Minh): "Đơn thuần mớm thức ăn cho bé, bạn "gửi" thêm 100 triệu vi khuẩn/ml nước bọt và gần chục loại có khả năng gây ung thư khác nhau". Bác sĩ liệt kê hoàng loạt loại virus, vi khuẩn mà trẻ có thể lây nhiễm qua hành vi nhai, mớm thức ăn như Cytomegalovirus, enterovirus, viêm gan, lị amíp, HPV, HP...