Dù con nhỏ có bướng bỉnh hay không nghe lời thế nào thì các mẹ hãy cứ áp dụng ngay mẹo sau là sẽ giữ được sự bình tĩnh, không còn la hét, gắt gỏng
Công việc bận rộn khiến tâm trạng nhiều cha mẹ bị căng thẳng và khi về đến nhà chỉ cần một kích thích nhỏ như con nghịch ngợm, cãi bướng cũng có thể thổi bùng cơn giận và mất kiểm soát.
Trẻ nhỏ đáng yêu và dễ thương vô cùng, tuy nhiên không thể phủ nhận là nhiều lúc các bé khiến ba mẹ phải điên đầu. Cho dù bạn có thề thốt là sẽ không bao giờ nổi giận và quát mắng con đi chăng nữa thì không phải lúc nào giữ bình tĩnh cũng là chuyện dễ dàng.
Bác sĩ Lim Boon Leng, bác sĩ tâm lý công tác tại Trung tâm sức khỏe tâm thần lưu ý rằng tâm lý trẻ nhỏ vững vàng hơn cha mẹ tưởng nên đôi khi ba mẹ mất bình tĩnh thì cũng không ảnh hưởng nghiêm trọng hay lâu dài. Tuy nhiên, bác sĩ nhấn mạnh rằng nếu ba mẹ nóng giận thất thường hoặc liên tục mất bình tĩnh, mắng mỏ trẻ thì trẻ học theo những phản ứng tiêu cực, giận dữ và ứng xử hung hăng. Ngược lại, trẻ học theo gương ba mẹ và phản ứng nhẹ nhàng, bình tĩnh nếu ba mẹ kiên nhẫn bởi vì trẻ cảm thấy an toàn và yên tâm.
Vậy thì lần tới khi bạn cảm thấy mình chuẩn bị mất kiên nhẫn với con thì hãy làm những việc sau đây nhé.
1. Nghỉ ngơi
Khi bạn mệt mỏi, cảm xúc sẽ thay đổi thất thường và do vậy dễ nổi nóng với con. Chăm sóc con là một việc vốn dĩ đã vất vả, nên bạn cần nạp đủ năng lượng - nếu không thì bạn sẽ cáu bẳn và không có tâm trạng để giải quyết khi con lên cơn ăn vạ.
2. Áp dụng hình thức time-out
Khi bạn thấy tình huống căng thẳng chuẩn bị leo thang, hãy áp dụng time-out. Bác sĩ Lim lưu ý rằng timeout là thời gian tránh xa những nhân tố gây áp lực. Vậy nên, tạm thời ngừng cuộc cãi vã căng thằng bằng cách để vợ/chồng bạn ngồi với con - bác sĩ Lim giải thích khi mà bạn ở một mình thì sẽ tạm thời nguôi đi cơn giận.
3. Hít thở sâu
Những bài tập hít thở có tác dụng không ngờ - hít vào, đếm đến ba, và thở ra. Đôi khi chỉ cần hít thở là đã có thể giúp bạn bình tĩnh lại (và giúp hạ huyết áp xuống)! Thay vì bị cuốn vào cuộc cãi vã liên hồi qua lại với con thì tốt hơn là bạn cứ hít thở sâu cái đã.
4. Lặp lại những điều khiến bạn thấy dễ chịu
Khi bạn cảm thấy bị dồn nén và sắp bùng nổ cãi nhau với con, hãy lặp lại những cụm từ khiến bạn làm nguội cái đầu nóng. Nói với bản thân "Mình có thể làm việc này" hoặc "Rồi tất cả sẽ qua" - có thể giúp bạn thấy nhẹ nhàng và bình tĩnh hơn.
5. Nhận ra cảm xúc của mình
Cha mẹ hãy giữ bình tĩnh bởi trẻ sẽ học theo hành vi của bố mẹ
Bác sĩ Lim khuyên bạn nên "làm chủ cảm xúc của mình" - tức là biết chính xác khi nào thì mình bị dồn nén và đến điểm bùng phát. Bác sĩ gợi ý bạn nên xác định những suy nghĩ (ví dụ con mình là đứa vô ơn) và cảm xúc cảm giác (tim đập nhanh, mặt đỏ bừng, thấy nóng trong người) xảy ra khi bạn tức giận, bởi vì bạn chỉ có thể kiểm soát cơn giận khi mà bạn nhận ra bạn đang cảm thấy như thế nào.
6. Tự hỏi mục đích của việc nổi giận
Bạn hãy tự vấn mục đích của những cơn giận là gì. Đôi khi cơn giận có thể trở thành động lực, nhưng đa số thời gian thì chỉ vô bổ mà thôi. Khi bạn hiểu và nhận thấy cảm xúc tức giận ảnh hưởng tiêu cực đến bạn và các mối quan hệ với những người xung quanh thì cái đầu nóng sẽ hạ nhiệt.
7. Cố gắng hiểu điều gì khiến con bạn phản ứng
Khi chúng ta tức giận, thật khó để nhìn nhận mọi việc từ quan điểm của con. Tuy nhiên, cố gắng hiểu vì sao con lại cư xử như thế, điều gì khiến con có những cảm xúc như vậy thì bạn có thể hiểu, thông cảm và xử lý tình huống tốt hơn.
8. Cố gắng mỉm cười
Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng cười sản xuất ra các hormone như endorphins (còn gọi là hooc môn hạnh phúc). Khi bạn thấy mệt mỏi, thử cười mỉm hoặc cười to - điều này có thể tạm thời xoay chuyển tình huống và phá vỡ bầu không khí căng thẳng, nhờ vậy bạn có thể bình tĩnh và suy nghĩ thấu đáo.
9. Đặt ra các quy định
Đặt ra các nội quy ở nhà, dù vậy đừng làm quá - hãy giúp đơn giản hóa vấn đề khi mọi việc không theo ý muốn. Bạn sẽ có thể tham chiếu lại những quy định mà bạn đặt ra, thế là con sẽ không đưa ra các lí do "nhưng thế này", "nhưng thế kia" nữa. Bởi vì nếu phạm luật mà bạn đặt ra thì không còn gì mà tranh cãi nữa.
Nguồn: Smart Parents