Drama thời trang Việt xung quanh 4 chữ “thuần phong mỹ tục”: Netizen phẫn nộ, người trong cuộc nói gì?

Gia Nguyễn,
Chia sẻ

Drama thời trang bắt đầu từ màn trình diễn BST đầu tay của NTK trẻ Tường Danh hiện đang là chủ đề nóng thu hút cư dân mạng.

Mới đây, làng thời trang Việt được một phen huyên náo trước những drama liên quan tới 4 chữ "thuần phong mỹ tục". Màn trình diễn BST đầu tay "New Tradionial" của NTK trẻ Tường Danh xuất hiện những thiết kế cắt xẻ táo bạo cùng những món đồ được cho là lấy cảm hứng từ văn hoá Việt Nam như áo yếm, nón quai thao,... Theo quan điểm của NTK, đây là BST mang đầy tính thể nghiệm nhưng cư dân mạng lại không đồng tình với một vài thiết kế trong BST này. Tiêu điểm tranh cãi là bức ảnh chụp cô người mẫu đội nón quai thao mặc một chiếc đầm có cấu trúc mặt phía trước giống với áo yếm, phía sau lại hở, để lộ vòng 3. 

3 trong những thiết kế được trình diễn tại show diễn của NTK Tường Danh 

Phản ứng từ người trong nghề

"Nóng mắt" trước những hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội, Giám đốc sáng tạo  K.N.V đã có những chia sẻ thẳng thắn trên story Instagram cá nhân về show diễn: "Đây không phải là cởi mở hay sáng tạo. Những điều này thực sự sai trái. Vì sao bạn lại biến trang phục truyền thống trở nên như này vậy nhà thiết kế trẻ ơi? Tôi đã làm việc trong ngành này đủ lâu và tôi thực sự cảm thấy buồn khi thấy những thiết kế như này."

Drama làng thời trang Việt xung quanh 4 chữ “thuần phong mỹ tục”, những người trong cuộc nói gì? - Ảnh 2.

Phần story được anh K.N.V chia sẻ trên trang cá nhân

Chia sẻ với chúng tôi, anh K.N.V khẳng định quan điểm: "Bản thân tôi là một người làm trong lĩnh vực thời trang và sáng tạo, khi chứng kiến những thiết kế này, tôi cảm thấy rất bất bình. Bởi vì dù sao tôi cũng là một người Việt Nam, những yếu tố văn hoá dân gian và cả tín ngưỡng tôn giáo như áo yếm, nón quai thao, thầy chùa bị các bạn đem lên đùa giỡn. Những chia sẻ của tôi trên MXH cũng chỉ là muốn chia sẻ quan điểm cá nhân về show diễn này, chứ tôi không muốn công kích bất kỳ cá nhân nào hết. Cá nhân tôi thấy định hướng sáng tạo của các bạn chưa đúng, đặc biệt người thực hiện là những người trẻ thuộc thế hệ tiếp nối nên đây là một điều rất đáng báo động và đáng để lưu tâm."

"Tôi thấy thuần phong mỹ tục là yếu tố quan trọng cần lưu ý khi sáng tạo thời trang. Tôi là người Việt, lớn lên, sinh sống và kiếm tiền tại Việt Nam thì dù tôi có thể sáng tạo đến mấy ở một môi trường cởi mở thì vẫn cần một giới hạn nhất định. Bản thân tôi là người được đào tạo thời trang ở môi trường quốc tế và rất ủng hộ sáng tạo nghệ thuật nhưng mọi thứ nên có một giới hạn. Hơn thế nữa cảm hứng từ yếu tố văn hoá và tôn giáo là điều cần hết sức cẩn thận.

Đầu tiên những thiết kế không được đụng chạm đến tôn giáo và văn hoá. Thứ hai, gợi cảm khác với phản cảm. Đó là quan điểm cá nhân của tôi. Bên cạnh đó, có rất nhiều người trên MXH cũng đồng tình với tôi rằng những thiết kế gây tranh cãi này không được hợp mắt một chút nào. Là một người Việt, tôi cảm thấy những sáng tạo này chưa phù hợp với văn hoá và thuần phong mỹ tục Việt Nam để trình diễn một cách công khai với nhiều khán giả như vậy."

Những thiết kế khác nằm trong BST "New Traditional"

Nhiều cư dân mạng cũng bức xúc

Bình luận của cư dân mạng đồng tình với Creative Director K.N.V

- Yếu tố thời trang và sáng tạo ở đâu vậy?

- Phản cảm thật sự không biết nói sao luôn. 

- Đáng sợ thật đấy.

- Không thể chấp nhận được. 

- Tui traditional quá nên nhìn BST không thấy "new" được. Chê!!!

Người trong cuộc nói gì?

Ngay sau khi Giám đốc sáng tạo K.N.V có những chia sẻ trên MXH, stylist Tigrebia - bạn của NTK Tường Danh, đồng thời tham gia vào khâu sản xuất show diễn đã có những động thái "phản pháo".

Drama làng thời trang Việt xung quanh 4 chữ “thuần phong mỹ tục”, những người trong cuộc nói gì? - Ảnh 5.

Sau khi thấy story của Giám đốc sáng tạo K.N.V, nam stylist Tigrebia đã có phản hồi như sau: "Buồn cười ghê, Tiệc của tôi thì chơi theo luật của tôi"

Drama làng thời trang Việt xung quanh 4 chữ “thuần phong mỹ tục”, những người trong cuộc nói gì? - Ảnh 6.

Một phần của cuộc nói chuyện giữa anh K.N.V và stylist Tigrebia được nam stylist chia sẻ trên MXH

Stylist cho biết: "Đối với show vừa rồi của NTK Tường Danh thì Tigre dành lời giải thích về ý nghĩa trang phục cho chính nhà thiết kế. Còn đối với cá nhân Tigre dưới góc nhìn của một người khán giả, của một người yêu và làm nghề thời trang thì mình thấy rất thỏa mãn khi được xem những thiết kế làm mình cảm thấy hào hứng, đầy năng lượng xuyên suốt chương trình. Còn quyết định phối đồ là lựa chọn của NTK cho show diễn, và đây là một show diễn mang tính thể nghiệm cao, thì yếu tố gây tranh cãi là chắc chắn sẽ có rồi, cũng giống như rất nhiều runway show các trên thế giới gần đây ví dụ như show diễn Haute Couture của Schiaparelli hồi tháng 1 vừa qua.

Khi bạn mua một sản phẩm Ready To Wear, đương nhiên bạn sẽ phối với các item khác để hợp thức hóa nó với tiêu chuẩn và định kiến chung của xã hội. Nhưng đây là một runway/rave show mang tính trình diễn và thể nghiệm - là nơi mình nghĩ những sự sáng tạo và táo bạo được đề cao, và những khuôn khổ được khán giả nhìn nhận một cách phóng khoáng hơn, và quan trọng nhất là Tigre tôn trọng cảm nhận khác nhau của mọi người về nó.  

Nếu là áo yếm truyền thống thì chắc chắn nó sẽ là câu chuyện khác, ở đây nó là một chiếc đầm được lấy cảm hứng từ áo yếm nhưng thành phẩm cuối cùng nó đã được thay đổi hoàn toàn so với các yếu tố của 1 chiếc áo yếm truyền thống. Hơn nữa, chiếc áo yếm đó cũng được thấy ở rất nhiều ở thời trang các nước láng giềng châu Á và được gọi là Halter Top. Và khi nhìn nhận nó là một chiếc Halter Top, thì những yếu tố còn lại Tigre nhìn nhận đơn giản là sự sáng tạo, táo bạo và phá cách luôn vốn có trong thời trang mà thôi.

Tigre cũng cảm thấy vui vì bộ sưu tập và show diễn của một NTK mới như Tường Danh đang nhận được rất nhiều sự chú ý, và cả ủng hộ và yêu thương. Dù là ý kiến trái chiều hay ủng hộ, thì BST cũng đã mở ra được một cuộc tranh luận về văn hóa, thời trang, nghệ thuật và đó là điều mà xưa nay luôn tồn tại , là điều luôn góp phần thúc đẩy phát triển ngành này. Vì suy cho cùng, tranh luận là một hình thức giáo dục và truyền tải rất tốt mà, miễn là chúng ta tranh luận mang tính xây dựng.

Những thiết kế nằm trong BST "New Traditional"

Bản thân nhà thiết kế Tường Danh cũng chia sẻ: "Show diễn lần này là một collaboration cùng OBJoff là một buổi trình diễn thể nghiệm mang tính chất tuyên truyền và tôn vinh văn hoá truyền thống Việt Nam với nhịp sống và sức khoẻ của một bộ phận cộng đồng đa văn hoá người Việt. Từ đó, tạo nên sự đồng điệu cùng tiếng nói thế giới với trái tim hồng hướng về nguồn cội Việt Nam. "How cool to be traditional , How traditional can be cool"

Về ý kiến trái chiều từ Art Director K.N.V, tôi là một người khá cởi mở và thích tiếp thu nhiều ý kiến từ nhiều lăng kính khác nhau. Chiếc áo yếm là một dạng áo lót. Hình ảnh gây tranh cãi chỉ là một điểm đen cho trong tổng thể bộ sưu tập của Tường Danh. Với tư cách là Art Director - là người có cái nhìn  tổng quát nên lùi vài bước để ngắm được một bước tranh tổng thể sẽ hay hơn là tập trung ở một điểm nhỏ."

Những thiết kế khác nằm trong BST "New Traditional"

Nguồn ảnh: @tuong.vn, @trankhoa___

Chia sẻ