Đối phó với nguy cơ sâu răng ở trẻ

Hương Nguyễn - Theo Life,
Chia sẻ

Trẻ còn nhỏ tuổi, răng lợi chưa hoàn thiện hoàn toàn, trong khi người lớn có thói quen dùng kẹo ngọt để dỗ trẻ. Do vậy, nguy cơ bị sâu răng ở trẻ em luôn cao hơn người lớn.

- Nếu con hoàn thành sớm bài tập về nhà, ba sẽ thưởng kẹo cho con.

- Con mà ngoan mẹ sẽ cho con kẹo.

- Nếu con vâng lời, mẹ sẽ mua sô cô la cho con ăn.

...

Đó là những lời hứa hẹn của các bậc cha mẹ mỗi khi muốn con cái hoàn thành một công việc hoặc làm theo lời chỉ bảo của cha mẹ. Cha mẹ nghĩ rằng đây là cách hay để dạy con biết nghe lời. Nhưng tác dụng trái chiều của nó cũng không kém phần nghiêm trọng. Thứ nhất là nó sẽ khiến trẻ hình thành thói quen "thỏa thuận" cho các hành động của mình. Thứ hai, cho trẻ ăn bánh kẹo nhiều sẽ ảnh hưởng đến răng miệng của bé, đặc biệt là sẽ khiến trẻ dễ bị sâu răng.
 

Tại sao trẻ dễ bị sâu răng và sâu răng ở trẻ diễn ra thế nào?

Sâu răng và bệnh nướu răng là những vấn đề phổ biến ở trẻ em và người lớn. Vi khuẩn bình thường sống trong miệng có thể gây sâu răng và bệnh nướu răng, làm cho răng trở nên nhạy cảm. Vi khuẩn thường xâm nhập vào miệng qua các loại thực phẩm chúng ta ăn, và khi vào trong miệng chúng sẽ sản xuất ra các loại axit để hủy hoại răng, gây sâu răng và kích thích nướu (viêm nướu). Ở độ tuổi lớn hơn, răng phát triển hoàn thiện hơn nên sâu răng xảy ra dọc theo đường viền nướu.
 
Vì vậy, điều quan trọng nhất là cần ngăn chặn vấn đề về răng trước khi chúng bắt đầu. Thói quen lành mạnh liên quan đến vệ sinh răng miệng và cách ăn uống nên được thực hiện ngay từ thời thơ ấu để đảm bảo sức khỏe răng miệng tối ưu cho mỗi người.
 

Lời khuyên để ngăn ngừa sâu răng và các bệnh nướu ở trẻ em

Dưới đây là một số lời khuyên để ngăn ngừa sâu răng và bệnh nướu răng ở trẻ em:

1. Rửa tay: Rửa tay thật kỹ là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong việc kiểm soát lây nhiễm. Việc này cũng giúp làm giảm vi khuẩn trên bàn tay và ngăn ngừa nhiễm khuẩn trong miệng.

2. Đánh răng 2 lần một ngày (tùy theo tuổi): Đánh răng hai lần một ngày với kem đánh răng có chất fluoride sẽ giúp loại bỏ mảng bám hoặc bợ dính trên răng của trẻ. Các mảng bám là nguyên nhân hàng đầu gây ra sâu răng. Lưỡi cũng nên được chải mà không cần sử dụng bất kỳ loại kem đánh răng nào. Cha mẹ nên thay bàn chải cho trẻ sau 1-3 tháng sử dụng hoặc ngay khi thấy bàn chải bị mòn.

3. Dùng chỉ nha khoa hàng ngày: Dùng chỉ nha khoa hàng ngày sẽ giúp loại bỏ mảng bám giữa răng và nướu. Điều này quan trọng để ngăn chặn các mảng bám cứng vào răng tạo thành cao răng. Cao răng chỉ có thể được loại bỏ thông qua các cơ chế làm sạch chuyên nghiệp. Chỉ nha khoa có thể được bắt đầu dùng cho trẻ 4 tuổi trở lên.

4. Súc miệng: Sau khi đánh răng và dùng chỉ nha khoa, cho trẻ súc miệng đúng cách trong ít nhất một phút.

5. Tránh các thực phẩm có đường: Trẻ em cần được khuyến khích ăn một chế độ ăn uống cân bằng giữa lượng tinh bột hoặc các thức ăn có đường. Thức ăn có đường là nguyên nhân chính sản xuất mảng bám.
 

6. Tránh ăn vặt: Nên tránh cho trẻ thường xuyên ăn đồ ăn nhẹ giữa các bữa ăn, đặc biệt là các loại đồ ăn nhiều đường.

7. Uống nước có chất fluorua: Cha mẹ nên cho trẻ uống nước uống có chất fluoride. Nếu không có sẵn loại nước này, các bậc cha mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ nha khoa hoặc bác sĩ nhi để được tư vấn thêm.

8. Tránh ngậm bình sữa khi ngủ: Không nên để bé vừa ngủ vừa ngậm bình sữa, dù là bình đó đựng sữa hay nước trái cây hoặc các chất lỏng ngọt khác. Nếu nhất thiết cần bình sữa cho bé ngậm khi mới ngủ, nên cho bé ngậm bình nước.

9. Giám sát chuyện đánh răng của con: Trẻ từ 2 tuổi trở lên cần phải được cha mẹ dạy cách đánh răng đúng. Cho một chút xíu kem đánh răng lên bề mặt lông của bàn chải đánh răng và để cho bé cọ răng. Cha mẹ cũng cần dạy bé biết cách nhổ kem đánh răng ra vì nuốt quá nhiều kem đánh răng có chất fluoride cũng không tốt cho răng.

10. Chải răng sau khi dùng thuốc: Nếu trẻ phải uống thuốc, sau đó cha mẹ nên cho con chải răng thật sạch vì một số thuốc có thể được chuyển đổi thành axit phá hủy men răng.

11. Giảm đau khi mọc răng: Khi trẻ mọc răng thường kèm theo đau. Để giảm đau cho trẻ, cha mẹ có thể để cho trẻ nhai một vòng mọc răng sạch sẽ, một thìa mát hoặc một chiếc khăn lạnh ẩm ướt. Cọ xát nướu răng của trẻ với một ngón tay sạch sẽ cũng có thể giúp trẻ giảm đau.

12. Đi khám nha khoa thường xuyên: Thường xuyên đi kiểm tra răng và làm sạch răng theo định kì.

Chia sẻ