Đọc bài này để biết bạn đang nuôi con theo kiểu "lợn thịt", "xác sống" hay "máy ghi âm"
Theo quan điểm của Tiến sỹ, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương, nhiều bố mẹ Việt đang nuôi dạy con như một đồ vật, tài sản cần được bảo tồn - một thứ vật cần phải sống mà như chết.
Trong một bài viết mới đây, Tiến sĩ, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương đã chỉ ra một thực trạng đáng báo động đó là hầu hết các bố mẹ Việt đều coi con mình là "tài sản", một thứ tài sản sang trọng, sạch sẽ cần được "bảo tồn" nên tất yếu, thứ tài sản đó phải như mong muốn của cha mẹ, và luôn "không tì vết". Cũng chính bởi quan điểm này mà cách nuôi dưỡng, chăm sóc con của cha mẹ Việt cũng đang đi theo hướng nuôi dưỡng một loại "tài sản", một món đồ đặc biệt.
Cùng theo dõi bài viết của Tiến sĩ Vũ Thu Hương để kiểm chứng xem bạn có đang nuôi dạy con theo kiểu coi con là tài sản, là đồ vật không nhé.
Dân gian ta có câu: Con cái là của để dành. Đây là suy nghĩ của gần như 100% người Việt Nam. Phân tích chữ "của để dành", ta thấy rõ ràng: Trẻ em là tài sản, trẻ em là đồ vật. Và trong các cách giáo dục, chăm sóc trẻ, người lớn Việt cũng coi trẻ em là đồ vật, một thứ vật cần phải tĩnh, một thứ vật cần phải SỐNG MÀ NHƯ CHẾT. Chúng ta hãy xem xét các biểu hiện sau để biết thật sự chúng ta đã chăm và dạy trẻ như thế nào.
1. Con phải có giới tính như người lớn mong muốn
Không chỉ có cha mẹ, ngay chính ông bà cũng nghĩ con là tài sản của gia đình. Vì thế, sinh con ra, con phải có giới tính như ông bà, cha mẹ mong muốn. Nếu nhà độc đinh mà sinh con gái thì đó không chỉ là lỗi của con mà còn là lỗi của mẹ con vì không biết đẻ. Đúng là chỉ có cái máy mới sản xuất mọi thứ theo ý muốn. Đó là chưa kể những gia đình sinh con chẳng may mắc tật nào đó thì đứa trẻ coi như hàng phế phẩm, bố mẹ chúng sẽ nghĩ cách sản xuất ra món đồ khác để bù lại chứ không nghĩ là cần phải chăm sóc con nhiều hơn vì con đã quá bất hạnh rồi.
2. Chăm sóc con theo phong cách "nuôi lợn thịt"
Khi con còn nhỏ, mẹ, bà,… chăm sóc con đúng theo phong cách nuôi lợn thịt. Ai cũng nghĩ cho con ăn nhiều thì con sẽ bụ bẫm. Mà bụ bẫm để nhìn cho nó xinh, cho đáng yêu và được khen là: "Trộm vía mẹ mát tay nuôi con quá". Phong cách nuôi con này được lý giải là cha mẹ không nghĩ con chính là một sinh vật đẳng cấp mà chỉ giống như đồ vật, cụ thể ở đây là một dạng túi. Nếu ta nhồi thức ăn thật lực, túi sẽ phồng ra, trông sẽ đáng yêu và ta được khen là giỏi nhồi túi. Như vậy, rõ ràng con là đồ vật. Để mẹ được khen là mát tay nuôi con, mẹ cư xử với con y hệt con là một chiếc túi co giãn.
Khi con còn nhỏ, mẹ, bà,… chăm sóc con đúng theo phong cách nuôi lợn thịt. Ai cũng nghĩ cho con ăn nhiều thì con sẽ bụ bẫm. Mà bụ bẫm để nhìn cho nó xinh, cho đáng yêu...
Một sinh vật sẽ ăn khi đói, dừng khi hết nhu cầu. Hơn nữa, sinh vật thì sẽ có bộ máy tiêu hóa thức ăn và việc ăn uống phải phụ thuộc vào bộ máy đó. Chưa tính đến việc cơ địa của mỗi người mỗi khác. Nhồi nhét thức ăn làm bộ máy tiêu hóa bị quá tải. Khi thức ăn bị ép nhét vào một cái miệng không muốn ăn, dịch vị không tiết ra, việc tiêu hóa không thể diễn ra bình thường và có thể gây hại cho trẻ như có thể gây ra bệnh đau dạ dày.
Nếu một người mẹ tôn trọng con cái, chắc chắn không có chuyện đè ngửa con ra để nhét thức ăn vào miệng. Quá trình tiêu hóa rất phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thức ăn vào miệng chỉ là bước đầu tiên và đơn giản nhất. Do vậy, trẻ ăn nhiều nhưng không béo hoặc béo nhưng hay ốm đau cũng vì lý do này.
3. Khi con nô đùa, cha mẹ bắt con im lặng, ngồi yên một chỗ
Nếu không phải là đồ vật thì chỉ có xác chết mới im lặng và đặt đâu ngồi đó. Trẻ con là sinh vật, đương nhiên phải hoạt động. Ngay chính cha mẹ cũng hoạt động và khám phá liên tục. Nhưng hễ bọn trẻ hoạt động và khám phá là bị mắng ghê gớm. Đây là việc vi phạm quyền con người bởi vì chỉ có đồ vật hoặc xác chết mới có thể làm hài lòng yêu cầu này của bố mẹ. Nếu thực sự là người cha, người mẹ có trách nhiệm với con cái, chắc chắn chúng ta không những phải để con nô đùa mà còn phải tạo nhiều cơ hội cho con hoạt động để phát triển.
4. Cha mẹ luôn bắt con phải sạch sẽ
Chỉ có đồ vật mới có thể giữ sạch 100%. Là sinh vật thì đương nhiên sẽ có lúc bẩn. Và môi trường sống là nơi sinh vật tồn tại. Nếu con không sống, hòa nhập được với môi trường, chắc chắn con sẽ gặp vô vàn khó khăn. Nhưng khi con tìm hiểu môi trường bằng nghịch cát, ngồi lê la trên đất hay bốc thử cái gì đó cho vào miệng thì lập tức bị cha mẹ quát mắng và bắt đi rửa sạch ngay.
Chơi cát là một phương pháp phát triển khả năng sáng tạo rất tốt dành cho trẻ lứa tuổi mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, nhiều trẻ Việt có nằm mơ cũng không bao giờ được động tới cát chứ đừng nói chơi cát 1, 2 giờ như trẻ em phương tây bởi vì bố mẹ các em sợ bẩn. Suy nghĩ giữ sạch món đồ đạc quý giá của mình đã làm cho bố mẹ trở nên khắc nghiệt với con, cấm đoán con khám phá và làm quen với thế giới, với môi trường.
5. Cha mẹ đưa con đến lớp như đặt một món đồ sang trọng, giá trị cao của mình vào tay giáo viên
Chính vì vậy, mỗi tối về nhà, cha mẹ lại cuống cuồng kiểm tra xem con mình có tì vết gì không như coi xem món đồ đạc giá trị của mình có sứt sẹo đi tí nào không. Đồng thời, cha mẹ cũng coi giáo viên như người trông giữ đồ đạc. Họ yêu cầu các giáo viên phải trông đồ của họ theo cách họ muốn. Phải uống sữa (nhồi thức ăn vào túi), ăn thật nhiều, phải sạch sẽ, phải bóng bẩy, đáng yêu.
6. Cha mẹ không cho con làm công việc nhà vì nghĩ rằng con không biết làm, con còn bé
Một em bé rồi sẽ trở thành một con người và việc phải sống, phải học chăm sóc cho chính mình và người khác là việc mà ai cũng sẽ phải làm. Nhưng cha mẹ không tin tưởng món đồ của mình biết làm những việc vô cùng đơn giản nên ngăn cấm con cũng là việc đương nhiên.
7. "Thí nghiệm" con với mọi khóa học
Nghe theo các lời quảng cáo ở khắp các trung tâm dạy trẻ sớm, các cha mẹ cho "đồ vật" của mình thí nghiệm với mọi khóa học mà không để ý rằng, nếu là con người, ai cũng sẽ có các mốc phát triển lần lượt theo thứ tự. Vội vàng ép con phải học, phải theo các lớp luyện rèn khác nhau có thể sẽ gây ra những bất ổn về tâm lý và nhận thức của con trẻ chứ không phải là đặt món đồ vật đó ở đâu, thí nghiệm thế nào cũng tốt cả. Chính vì điều này, các cha mẹ đã hành hạ bọn trẻ theo những lời quảng cáo ngọt ngào.
8. Coi con như máy ghi âm
Khi con bắt đầu đi học tiểu học, cha mẹ lại coi con như một máy ghi âm, phát tiếng. Nhiều cha mẹ thích đem khoe con nên đã cố gắng thu âm bài học vần hoặc toán thật sớm để còn đem đi phát khắp nơi mong được khoe con là thần đồng. Tuy nhiên, con không phải là cái catssette nên con sẽ không thu phát theo ý cha mẹ. Thế nên nhiều cha mẹ vô cùng thất vọng và chán đời. Vì lý do này, nếu bé nào bị ăn đòn liên miên cũng là hợp lý thôi. Bởi vì món đồ giá trị của bố mẹ hóa ra cũng không giá trị như sự kì vọng của chính người sản xuất.
Suy nghĩ giữ sạch món đồ đạc quý giá của mình đã làm cho bố mẹ trở nên khắc nghiệt với con, cấm đoán con khám phá và làm quen với thế giới, với môi trường.
9. Cho rằng cô giáo không có quyền động chạm tới "tài sản" của cha mẹ
Khi con bị cô giáo mắng, cha mẹ vội vàng tìm cách trả thù cô giáo hết cỡ mà không quan tâm xem lý do tại sao con bị mắng. Đơn giản thôi, con cái là tài sản, là của để dành của cha mẹ mà. Cha mẹ mắng chửi con, xúc phạm con, hành hạ con là bình thường. Nhưng cô giáo là người ngoài, cô không có quyền động chạm tới tài sản của cha mẹ. Vì thế, cô mà mắng chửi con thì phải trả thù cô thôi.
Từ lý do này, vô số trẻ hư, bị cô giáo phạt đã bị bố mẹ phản ứng dữ dội làm cho trẻ nghĩ mình đúng, cô sai. Mọi việc giáo dục ở trường hoàn toàn hỏng bét. Sau này, con hư, cha mẹ lại đổ lỗi đó cho nhà trường.
10. Nghĩ dạy dỗ trẻ là việc của nhà trường
Vì con là tài sản nên cha mẹ chỉ cần đẻ nó ra, chăm cho nó béo là hết việc. Nhiều cha mẹ nghĩ, dạy dỗ trẻ không phải là việc của cha mẹ. Công việc đó của nhà trường. Ngoài chuyện ngồi đợi con tự dưng ngoan, cha mẹ còn ngồi soi lỗi của ngành giáo dục để sau này còn đổ lỗi cho dễ. Hiện nay rất ít cha mẹ suy nghĩ rằng cần phải chung sức với cô giáo trong việc giáo dục con em của mình. Vì thế, bây giờ, những người dạy con tôn trọng giáo viên của chính con quả thực không còn nhiều.
11. Con phải có trách nhiệm hoàn thành ước mơ của cha mẹ
Vì con là đồ vật, con có trách nhiệm phải hoàn thành ước mơ của cha mẹ. Cha mẹ ngày nhỏ mơ ước cái gì mà không thực hiện được thì con phải làm nốt. Đây chính là lí do bọn trẻ thi cấp 3 nhưng không được quyền thực hiện mọi dự định của mình. Chúng được cha mẹ dắt tay đi nộp hồ sơ xét tuyển Đại học theo ý của cha mẹ chúng. 18 tuổi, là con người trưởng thành nhưng cha mẹ chúng vẫn tuyên bố xanh rờn: 18 tuổi biết gì mà chọn ngành nghề.
Thực tế, 18 tuổi mà chưa biết tự lo, tự quyết cho chính mình thì rõ ràng đó là đồ vật hoặc xác chết. Những em bé được nuôi dưỡng kiểu này đã bị giết chết khả năng sáng tạo, khả năng lập kế hoạch, khả năng mơ ước và thực hiện ước mơ. Một con người không được làm những thứ như trên thì hỏi cuộc đời còn ý nghĩa gì nữa, có đúng là sống mà như đã chết hay không?
Xin cha mẹ hãy thương lũ trẻ, đừng để những con người non nớt đó phải sống như đồ vật, phải sống như xác chết. Tội lắm!
Bạn có đồng ý với quan điểm của Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng hầu hết cha mẹ đang coi con mình là "tài sản". Mọi tranh luận, góp ý, hay mong muốn nói lên quan điểm nuôi dạy con của bản thân có thể gửi về địa chỉ email: mevabe@afamily.vn. Sẽ có nhuận bút xứng đáng cho những bài viết, ý kiến hay được chọn đăng tải. |