Điều thai nhi sợ hãi nhất khi còn ở trong bụng mẹ và việc mẹ bầu cần tránh
Trên thực tế, thai nhi đều rất nhạy cảm ngay cả khi còn đang ở trong bụng mẹ. Vậy nên các mẹ hãy ghi nhớ bài viết dưới đây để hiểu hơn về những điều mà bé lo sợ khi chưa chào đời nhé.
1. Những tháng đầu thai kỳ
Trên thực tế, các bé đều rất nhạy cảm ngay cả khi còn đang ở trong bụng mẹ.
Trong tháng đầu mang thai, bé sợ nóng
Khi mới bước vào thai kỳ, cả cân nặng và ngoại hình của mẹ đều chưa có nhiều thay đổi, cũng không cảm giác đặc biệt gì nhưng trong tử cung thì đang có một “chồi non” dần dần “nảy nở”. Trong tháng thứ nhất mang thai, mẹ nên bảo vệ bản thân khỏi bị sốt, không được ngâm mình trong bồn tắm hay phòng xông hơi, cần tránh xa những nơi có nhiệt độ cao, nếu không đứa bé trong bụng sẽ có nhiều khả năng bị mắc các bệnh về thần kinh. Trong thời gian này, bạn nên nghe nhạc nhẹ, có giai điệu chậm để giảm nhẹ bớt áp lực, thả lỏng tinh thần, sẵn sàng chào đón con.
Tháng thứ 2, con sợ thuốc
Thời gian đầu thai kỳ là lúc dễ sảy thai nên bạn cần lưu ý tránh vận động mạnh và “quan hệ vợ chồng”. Đây là thời kỳ hình thành não và nội tạng của thai nhi, bạn cần phải tránh tiếp xúc với tia chụp X-quang, cai thuốc lá và rượu, đặc biệt không được uống thuốc một cách bừa bãi.
Tháng thứ 3, thai nhi sợ dầu mỡ.
Trong tháng thứ 3, bạn cần chú ý hơn đến chất lượng thực phẩm, ăn nhiều món thanh đạm dễ tiêu hóa. Đồng thời, người mẹ có thể ăn rau và một số loại quả có vị chua nhẹ, nhiều chất dinh dưỡng, chỉ cần tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ và nhiều đường là được.
2. Những tháng giữa thai kỳ
Tháng thứ 4, bé sợ tiếng ồn
Đây là thời gian bắt đầu hình thành nên khứu giác, vị giác, thính giác và xúc giác của bé, thai nhi đã có thể tạo ra nhiều cử động khác nhau thậm chí còn “nhào lộn” trong bụng mẹ. Trong tháng thứ 4, bạn còn có thể cảm nhận được sự kỳ diệu của lần đầu tiên con đạp nhưng phải chắc chắn rằng bạn không nên sống thường xuyên trong môi trường quá ồn ào bởi vì các bé rất sợ tiếng ồn.
Tháng thứ 5, con sợ thiếu dinh dưỡng
Do nhiều bộ phận và hệ cơ quan trong cơ thể thai nhi đang không ngừng phát triển và hoàn thiện nên người mẹ tuyệt đối không được để mình bị thiếu chất. Bạn nên lưu ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng đặc biệt là sắt và canxi nếu không sẽ xuất hiện dị tật trong quá trình bé phát triển.
Tháng thứ 6, thai nhi sợ tia bức xạ
Đến lúc này, thai nhi đã có thể nghe thấy âm thanh, còn biết “nuốt”, mọi phương diện đều phát triển không ngừng. Ở tháng thứ 6, da của bé đã có hiện tượng nhăn nheo, do đó, trông rất giống “ông già” nhưng mẹ cũng đừng chê con xấu nhé vì không lâu nữa con sẽ “lột xác” thành một em bé xinh xắn đó. Để tránh thai nhi bị dị dạng và chậm phát triển trí tuệ, người mẹ nhất định phải tránh xa những loại tia có tính bức xạ như tia X – quang vì chúng rất dễ dàng làm thai nhi bị tổn thương.
3. Những tháng cuối thai kỳ
Tháng thứ 7, con sợ áp lực
Vào tháng thứ 7, cử động của thai nhi ngày càng mạnh, dường như bé có thể nhảy ra ngoài ngắm thế giới này bất cứ lúc nào. Nếu như người mẹ phải chịu đựng áp lực quá lớn, luôn trong trạng thái căng thẳng thì thai nhi cũng cảm nhận được và bị ảnh hưởng. Do đó, mẹ nên duy trì trạng thái vui vẻ, chú ý đến số lần thai nhi cử động và đảm bảo cân bằng trong ăn uống.
Tháng thứ 8, con sợ mẹ mệt mỏi
Do tử cung đè lên vùng bụng nên bạn sẽ luôn trong trạng thái buồn đi tiểu khiến cơ thể cảm thấy vô cùng mệt mỏi, nghỉ ngơi không yên, đi lại không tiện, khẩu vị cũng giảm sút theo. Những lúc như vậy, bạn nên hạn chế lao động chân tay, tránh vận động mạnh, có thể đi dạo bộ để chuẩn bị cho việc sinh nở.
Tháng thứ 9,10, con sợ mẹ căng thẳng, lo lắng
Ngày dự kiến sinh càng đến gần, người mẹ càng cảm thấy lo lắng và có phần phấn khích, điều này cũng có kết nối trực tiếp đến thai nhi trong bụng. Đến thời điểm này, bạn vẫn cần phải nhẫn nại ăn uống đầy đủ và theo dõi thai nhi, không nên nghĩ đến việc đau đớn khi sinh nở làm bản thân rơi vào trạng thái lo âu, hồi hộp. Càng đến gần ngày sinh, mẹ càng thả lỏng tinh thần, có thể học hỏi kinh nghiệm từ những người đã trải qua, người lớn trong nhà cũng sẽ đưa ra những lời khuyên tích cực. Đừng lo lắng căng thẳng làm gì vì ai làm mẹ cũng đều trải qua quá trình này mà.
Nguồn: lovelifes