Để mua đồ đắt cho con đồng nghĩa với việc bố mẹ sẽ phải mất đi 1 ít thời gian dành cho con
Tôi vừa thấy mọi người share một bài post của người mẹ trẻ kia, liệt kê ra từng món đồ phải mua khi sinh con và nuôi con nhỏ. Nhìn danh sách ấy, tôi chợt nhớ đến hôm ngồi nghe các bố mẹ Mỹ than thở về chuyện hàng năm phải đầu tư cả đống tiền vào thể thao cho con.
Bài viết dưới đây là của chị Huyên Phương (Hiện đang học Master ngành truyền thông tại Mỹ) thể hiện quan điểm về việc mua sắm cho con xung quanh bảng danh sách những món đồ cần sắm khi sinh và nuôi con nhỏ gây xôn xao mạng xã hội những ngày qua của mẹ bầu 7 tháng:
Tôi vừa thấy mọi người share một bài post của người mẹ trẻ kia, liệt kê ra từng món đồ phải mua khi sinh con và nuôi con nhỏ. Nhìn danh sách ấy, tôi chợt nhớ đến hôm ngồi nghe các bố mẹ Mỹ than thở về chuyện hàng năm phải đầu tư cả đống tiền vào thể thao cho con.
Một chị kia tốn 10000 đô cho con chơi bóng bầu dục. Còn một nhà khác, tốn 4000 đô cho con chơi bóng chày. Tại sao lại đắt đỏ như vậy? Một ví dụ, con chơi bóng chày thì phải có đồng phục, mũ, mũ bảo hiểm, áo khoác, giày, chày, bóng, găng tay, mỗi thứ vài versions. Nhưng tiền đó không tốn bằng tiền đưa con đi luyện tập, trại hè, thi đấu, di chuyển, thuê khách sạn và các tiêu vặt bên lề. Nếu con chẳng may chấn thương, tiền còn sẽ tăng lên nữa. Than thở xong, nhóm các bố mẹ lại ôn nghèo kể khổ: "Thời xưa ấy, chúng mình cũng chơi bóng chày mà đâu cần nhiều tiền đến thế, mỗi thứ một món hay thậm chí còn dùng lại đồ cũ của người khác. Tại sao thể thao cho con bây giờ lại tốn kém thế này?".
Bảng kê dự toán chi tiêu cho con của mẹ Đậu gây xôn xao dư luận.
Chuyện ấy không phải chỉ là vì phú quý sinh lễ nghĩa. Nhiều gia đình Mỹ nợ ngập đầu, nhưng vẫn phải sống theo kiểu ấy, con vẫn đi thi đấu. Có một nghiên cứu chỉ ra rằng một gia đình Mỹ hiện nay thường sẽ chi 10% thu nhập để đầu tư vào thể thao cho con (trong khi đó, họ chi chừng 13.5% cho thực phẩm cho cả gia đình).
Thể thao là tình yêu quốc dân của người Mỹ, là cánh cửa mở ra cơ hội hòa nhập cộng đồng, là lối thoát nghèo, là cơ hội học đại học, là niềm tự hào cá nhân và gia đình. Không rõ là vì bản chất họ đất rộng dân cần to cao khỏe mạnh, bản chất họ thích thi thố, hay là vì các công ty sản xuất dụng cụ thể thao đã dày công dạy dỗ họ rằng không thể thao là không tồn tại.
Tuy nhiên, tình yêu thể thao thì vẫn ở đó từ xưa tới nay, tại sao tiền cho thể thao lại ngày càng tăng? Tôi cho rằng đó là vì quảng cáo và áp lực xã hội.
Rồi khi văn hóa tiêu thụ ấy khiến người ta cho rằng vật chất đồ đạc tiện nghi tạo nên hạnh phúc và vị thế xã hội, thì cái áp lực phải bằng anh bằng em bằng cô bằng dì đè lên tất cả mọi người. Bạn không thể cho con chơi bóng chày mà không sắm sửa cho nó như những đứa trẻ khác cùng đội. Bạn cũng chẳng thể nói với con rằng "Con chơi cho vui thôi nhé, bố mẹ không có tiền cho con đi thi đấu nơi này nơi kia đâu". Bởi vì một môn thể thao không chỉ còn là việc vận động cơ thể hay là cơ hội kết bạn nữa, nó là thứ khiến trẻ con hình thành suy nghĩ "mình có thuộc về nơi này không", "mình có giống các bạn không". Và cả cha mẹ, họ cũng biến việc đầu tư cho con ấy thành cơ hội khẳng định vị thế xã hội của họ, cơ hội để trở thành một thành viên cộng đồng và chứng minh tình yêu và sự đầu tư tốt nhất cho con.
Rốt cuộc việc mua cho con cả những thứ không cần thiết hoặc không cần đắt đến thế nằm ở việc "có tiền hay không", chứ không phải vì nó không cần thiết hay không cần đắt (Ảnh minh họa).
Việc đầu tư cho một đứa trẻ mới ra đời ở Việt Nam chắc cũng như vậy. Tại sao trẻ bây giờ lại cần quá nhiều thứ so với ngày xưa? Thực ra, nếu các bà mẹ trẻ tự hỏi bản thân, chắc họ sẽ thấy rằng nhiều món đồ cần mua cho con xuất hiện trong danh sách vì ba nguồn thông tin và áp lực: quảng cáo của người bán, những nhân vật làm mẹ mà họ ngưỡng mộ và những người bạn của họ.
Khi đọc các bình luận xung quanh bản danh sách mua sắm cho con nhỏ, tôi thấy đa số mọi người tập trung vào việc "có điều kiện thì mới mua cho con như thế, còn mình không có điều kiện thì thôi". Tức là rốt cuộc việc mua cho con cả những thứ không cần thiết hoặc không cần đắt đến thế nằm ở việc "có tiền hay không", chứ không phải vì nó không cần thiết hay không cần đắt.
Thực ra việc chi tiêu nào cũng vậy thôi, luôn có trong đó hai nhu cầu: Cái ta cần và cái ta muốn. Cả hai cái ấy, đều có thể giảm bớt được, nếu chúng ta thực sự hỏi bản thân về nhu cầu của chính mình, về việc chúng ta tự tin bao nhiêu ở giá trị thực sự của mình, nếu tách khỏi vật chất ta sở hữu. Sự tỉnh táo và giảm bớt không nằm ở việc chúng ta có bao nhiêu tiền mà nằm ở việc chúng ta cuối cùng hiểu rằng thế nào là tốt nhất.
Hãy nhìn lại con mà tự hỏi rằng con có thực sự cần thứ đó hay không (Ảnh minh họa).
Cái khó là người ta rất dễ tỉnh táo với bản thân, nhưng lại rất dễ nhẹ dạ mủi lòng khi chi tiêu cho con cái. Người ta có thể chẳng thấy vấn đề gì khi mặc một bộ đồ cũ đi chơi với một nhóm bạn áo quần mới toanh sành điệu, nhưng lại rất khó để con rơi vào một hoàn cảnh tương tự. Thế nên, làm cha mẹ mà giản tiện và tỉnh táo được, quả là một thử thách mà có lẽ, phải cực đoan và cương quyết với bản thân người ta mới có thể làm nổi.
Thế nên, tôi chỉ mong các bà mẹ mỗi khi nghe một người bán hàng, một hot mom hay một người bạn (hay gia đình) nói rằng phải mua cái này cái kia mới là tốt nhất cho con, hãy nhìn lại con mà tự hỏi rằng con có thực sự cần thứ đó hay không? Bởi cái mà chúng ta là nghĩ là tốt nhất cho con trong lúc này, chỉ góp thêm một ít rác thải vào thế giới của con sẽ sống về sau, và để tạo ra tiền để mua thứ đắt hơn cho con lúc này, chỉ khiến người ta mất đi một ít thời gian dành cho con để lo làm việc kiếm tiền (hoặc để so đo, tủi thân, băn khoăn). Mà thời gian là thứ tài nguyên chẳng ai có thể phục hồi được, trừ Doraemon. Tóm lại, tôi chỉ mong mình, nếu làm mẹ, thì thực hành được cái nguyên tắc là giảm bớt cho con.