Đây là hệ lụy của việc dạy con quá nghiêm khắc mà bố mẹ không lường trước được

Thủy Linh,
Chia sẻ

Việc dạy con nghiêm khắc tưởng là tốt cho con mà lại ảnh hưởng tiêu cực đến cả nhiều thế hệ sau.

Qua các nghiên cứu thực nghiệm, điều tra và đánh giá, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một thực tế rằng nếu người bố hoặc người mẹ phải chịu cách giáo dục quá nghiêm khắc khi còn nhỏ, thì con cái của họ cũng có nguy cơ phải gánh chịu những điều tương tự.

Theo nhà nghiên cứu Anne-Marie Conn của trường Đại học Trung tâm Y khoa Rochester, New York, Mỹ, kết quả của cuộc nghiên cứu cho thấy việc giáo dục trẻ thiếu đúng đắn có thể được “di truyền” từ thế hệ này đến thế hệ khác trong gia đình, điển hình như việc đánh đập trẻ. Trao đổi với NBC, cô cho biết “Những bậc phụ huynh từng phải đối mặt với phương thức giáo dục quá nghiêm khắc khi còn nhỏ thường có khuynh hướng sử dụng các hình phạt cá nhân đối với con cái của họ, và những đứa trẻ có bố mẹ như vậy có tỷ lệ gặp phải các vấn đề về cảm xúc cao hơn những đứa trẻ khác”. 
 
Nghiên cứu chỉ ra rằng, bố mẹ bị kỷ luật quá nghiêm khắc có thể thực hiện hành vi tương tự đối với các con của họ.
 
Một nghiên cứu trước đó cũng đã chứng minh rằng bất cứ hành động đánh đập trẻ nào cũng có thể phản tác dụng và khiến đứa trẻ có những hành vi sai trái, nhưng nhiều ông bố bà mẹ người Mỹ dường như quá lạm dụng và tin tưởng điều đó sẽ tốt cho đứa trẻ. Tuy nhiên, theo như chia sẻ của Giáo sư Conn tại một buổi hội thảo của Nhi khoa xã hội học (Pediatric Academic Societies - PAS), đáng mừng là các bậc phụ huynh thường khá quan tâm và tin tưởng hướng dẫn của bác sỹ nhi khoa. Bác sỹ là những người duy nhất phụ huynh sẵn sàng chia sẻ phương pháp giáo dục trẻ họ đang áp dụng, và có thể đưa ra lời khuyên để giúp họ thay đổi những thói quen xấu mà họ đã vô tình học được từ bố mẹ mình.

62 cặp bố mẹ đã được phỏng vấn ở một phòng khám tư nhân trong khuôn khổ cuộc nghiên cứu để đánh giá mức độ ảnh hưởng của cách họ được giáo dục khi còn nhỏ đến phương pháp họ nuôi dạy trẻ như thế nào. Kết quả phỏng vấn đã chứng minh được mối liên hệ mật thiết giữa hai điều này. Nếu người bố hoặc người mẹ phải chịu hình thức kỷ luật hà khắc bao nhiêu khi còn nhỏ, thì con cái của họ có nguy cơ phải gánh chịu những điều tương tự bấy nhiêu trong 5 năm đầu đời.

Mỗi người được phỏng vấn trung bình phải chịu ba đến bốn lần bi kịch tồi tệ khi còn là một đứa trẻ. Các hình phạt bao gồm mắng nhiếc, đánh đập, bị bỏ đói, không được bố mẹ quan tâm, và thậm chí là xâm phạm tình dục. Các biến cố gia đình gồm có vi phạm pháp luật, sử dụng chất kích thích, bố mẹ ly hôn, các vấn đề về sức khỏe sinh sản và bạo lực.
 
Gia đình không hòa thuận là một trong những nguyên nhân khiến đứa trẻ khi trưởng thành có hành vi bạo lực với chính con của mình.
 
Giáo sư Conn tiết lộ, “Chúng tôi phát hiện ra rằng có tới 91% số người tham gia cuộc nghiên cứu phải trải qua ít nhất một sự kiện tồi tệ khi còn nhỏ, trong khi số người phải chịu đựng điều đó từ bốn lần trở lên là 45%. Và khoảng 72% trong số các con của họ cũng phải chịu đựng điều tương tự ít nhất một lần tính đến thời điểm này”. 

Theo đánh giá của Giáo sư Conn và đồng nghiệp, nếu bố mẹ phải hơn bốn lần chứng kiến những sự kiện đó, thì các con của họ sẽ bộc lộ các vấn đề tâm lý về mặt xã hội và cảm xúc nhiều hơn sáu lần so với những đứa trẻ bình thường. Nhưng các bậc phụ huynh hoàn toàn nhận thức được vấn đề, “Khi được phỏng vấn, họ hiểu rằng những gì họ trải qua khi còn nhỏ có ảnh hưởng nhất định đến cách họ nuôi dạy con”. Và điều gì nên làm, cũng như không nên làm với bọn trẻ mới khiến họ băn khoăn nhất.

Giáo sư Conn cũng chia sẻ, “Để thay đổi được hành vi của những người đó thì khá là khó. Vì họ lớn lên trong một hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy, nên đó là tất cả những gì họ biết”. Một bài kiểm tra sàng lọc có thể giúp các nhà nghiên cứu xác định quan điểm gì đã khiến họ có hành vi bạo lực như đánh đập, bỏ mặc và đòi hỏi quá nhiều ở một đứa trẻ. Một vài quan điểm đã được xác định bao gồm:

- Bố mẹ làm hư trẻ bằng việc bế con lên ngay khi con khóc.

- Bố mẹ quá dễ dãi với các hành vi của trẻ.

- Trẻ bây giờ có được mọi thứ quá dễ dàng.

- Những đứa trẻ ngoan luôn luôn nghe lời cha mẹ.

- Bố mẹ không cần lắng nghe suy nghĩ, tâm tư của trẻ.

- Trẻ quấy khóc chỉ để thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh.

- Khi trẻ cắn đứa trẻ khác cũng nên bị cắn lại để trẻ hiểu được cảm giác khi bị cắn là thế nào.

- Yêu cho roi cho vọt.

- Bố mẹ cần luyện ngồi bô cho trẻ càng sớm càng tốt khi trẻ 2 tuổi.

- Khi bố mẹ buồn phiền trẻ cần an ủi.

- Thiếu vắng tình cảm của người bố, con trai cần trở thành người đàn ông của gia đình.

- Trẻ nên nhận thức được khi nào bố mẹ cảm thấy mệt mỏi.

Nguồn: News
Chia sẻ