Hôm Tết, tôi dắt con trai nuôi gần 4 tuổi của mình đi tắm biển ở Phan Thiết. Tròn 1 năm tôi đi nước ngoài, không gặp con nên tôi không nhận ra con đã có rất nhiều thay đổi.
Bãi tắm sáng sớm khá vắng, con tôi mặc quần đùi kaki và áo thun nhảy xuống đùa nghịch. Khi con lên bờ, tôi định lấy quần áo khô cho con thay ở giữa bãi biển thì con nhất quyết không. Con bảo: “Thay đồ là phải vô phòng chứ mẹ! Thay ngoài đường, người ta thấy đâu có được. Mà con tự thay đồ, con tự tắm được mà”.
Tôi giật mình, thấy xấu hổ vì tôi là người luôn hướng dẫn các mẹ rèn con tự lập và
giáo dục giới tính cho bé đầy đủ thì trong phút chốc, tôi lại quên đi nguyên tắc của mình.
Quả thật, sống ở nước ngoài 3 năm, tôi hầu như không thấy người lớn nào tự nhiên thay đồ cho con từ trong ra ngoài ở nơi công cộng. Ngay cả trong nhà, việc thay đồ cũng diễn ra trong phòng tắm, phòng ngủ chứ không bao giờ là phòng khách, nhà bếp. Trẻ cũng rất ý thức về chuyện phơi bày cơ thể của mình cho người khác thấy.
Chuyện không nên thay đồ nơi công cộng có liên quan đến một nội dung mà người lớn phải dạy cho trẻ.
Không gian riêng tư của con
Chuyện không nên thay đồ nơi công cộng có liên quan đến một nội dung mà người lớn phải dạy cho trẻ. Đó chính là bảo vệ không gian riêng tư của bản thân, tôn trọng không gian riêng tư của người khác cũng như giữ khoảng cách an toàn khi giao tiếp.
Không gian riêng tư là nơi chúng ta làm những việc hoàn toàn cá nhân như thay quần áo, tắm rửa, đi vệ sinh. Đó cũng có thể là nơi cất giữ những đồ vật riêng như tiền bạc, nhật ký, tài liệu… Người lớn rất khó chịu khi bị xâm phạm không gian riêng tư nhưng lại rất tự nhiên xâm phạm không gian này ở trẻ.
Chẳng hạn, dù trẻ có thể tự làm một mình nhưng hầu hết chúng ta không để trẻ một mình thay đồ, tắm rửa mà thích… làm chung với trẻ! Dù trẻ lên 3 rất thích khẳng định bản thân, đòi tự làm thì cha mẹ cũng xăng xái đòi làm thay, vì sợ con tự tắm thì không sạch, tự thay quần áo thì mặc ngược.
Thực chất, sự can thiệp này không vì lợi ích của trẻ mà vì lợi ích trước hết của người lớn vì "để tụi nó tự làm, sửa lại có khi mất công hơn!".
Ngoài việc tước bỏ cơ hội tự lập, cha mẹ còn đang vi phạm nguyên tắc về sự riêng tư và khiến trẻ có thể không ý thức được tầm quan trọng của vấn đề không gian riêng tư. Sự thiếu ý thức này dẫn đến rất nhiều hệ lụy về sau, trong đó, trẻ có thể dễ dàng để cho người khác thấy mình thay đồ, đi vệ sinh, chạm vào cơ thể, vùng kín.
Các bước dạy con về không gian riêng tư
Dạy về không gian riêng tư, cha mẹ nên tiến hành từng bước. Với trẻ nhỏ, không nên giải thích dài dòng mà chỉ cần xác lập nguyên tắc và thực hành thường xuyên để trẻ ghi nhớ.
Một số gợi ý sau đây dành cho cha mẹ dạy con ở nhiều độ tuổi khác nhau.
1. Trẻ dưới 3 tuổi, cha mẹ có thể dạy trẻ ghi nhớ máy móc
Ví dụ, cha mẹ hỏi và dạy trẻ trả lời “Mình thay đồ ở đâu?”, trẻ phải trả lời “Ở nhà tắm”. “Ở đâu nữa?”, trẻ lại trả lời “Ở phòng ngủ”. Hỏi “Mình tắm ở đâu?”, trẻ cần trả lời “Nhà tắm”. “Mình đi tè, đi ị ở đâu?”, trẻ phải trả lời “Nhà vệ sinh’.
2. Trẻ từ 3 tuổi trở lên, cha mẹ có thể dùng mô hình, vật thật, thông qua câu chuyện kể để giúp trẻ hiểu nguyên tắc
Chẳng hạn, cha mẹ có thể lấy một cái nhà búp bê và một con búp bê có mặc quần áo rồi bắt đầu kể chuyện: “Bạn Bi ngồi trong phòng khách ăn trưa, ăn xong bạn Bi muốn đi tắm. Bạn Bi vào nhà vệ sinh, khóa cửa lại và cởi quần áo. Bạn Bi đang tắm, tắm xong bạn Bi mặc quần áo xong mới đi ra ngoài”.
Sau khi kể chuyện, cha mẹ bắt đầu đặt câu hỏi như “Bạn Bi đi tắm ở đâu? Bạn Bi cởi quần áo ở đâu?”, “Bạn Bi có được cởi quần áo ở phòng khách không?”, “Nếu bạn Bi cởi quần áo ở phòng khách thì sao?”, “Tại sao phải cởi quần áo ở nhà vệ sinh?”.
Sau đó, cha mẹ hỏi lại để trắc nghiệm khả năng kiến thức của con như “Vậy mình tắm ở đâu?”, “Tại sao mình phải vào nhà tắm, nhà vệ sinh để thay đồ?”….
3. Rèn cho con kỹ năng tự vệ sinh thân thể và mặc quần áo
Ban đầu, cha mẹ hướng dẫn, làm mẫu cho con; kế tiếp, cha mẹ để con tự làm, mình chỉ giám sát; sau đó cho con tự làm, không cần giám sát mà chỉ kiểm tra kết quả.
Ví dụ, trẻ tắm xong, cha mẹ có thể kiểm tra xem trẻ đã sạch xà bông chưa.
Dạy về không gian riêng tư, cha mẹ nên tiến hành từng bước. Với trẻ nhỏ, không nên giải thích dài dòng mà chỉ cần xác lập nguyên tắc và thực hành thường xuyên để trẻ ghi nhớ.
4. Cha mẹ luôn duy trì việc thực hành nguyên tắc trên trong mọi tình huống
Ở nhà, cha mẹ vẫn cần hướng dẫn trẻ thay đồ ở nhà vệ sinh, phòng ngủ và tôn trọng không gian riêng tư của trẻ. Không được dễ dãi theo kiểu để trẻ thay đồ ở phòng khách hay nơi công cộng.
Khi dẫn trẻ ra ngoài chơi, có thể trẻ sẽ làm bẩn quần áo hay tè dầm, cha mẹ cần dắt trẻ vào nhà vệ sinh, tuyệt đối không thay đồ cho trẻ ở nơi công cộng.
Trường hợp không có nhà vệ sinh cũng phải che chắn kỹ bằng áo khoác rộng, khăn to, áo đi mưa rồi mới thay.
Hãy nhớ, việc phơi bày thân thể có thể khiến con bạn trở thành mục tiêu của những kẻ
xâm hại tình dục mà bạn không hề hay biết.
5. Cha mẹ không được thay quần áo trước mặt trẻ
Thường chúng ta nghĩ rằng trẻ còn nhỏ, chưa hiểu chuyện nên cũng “vô tư”
thay quần áo trước mặt trẻ. Điều này sẽ làm cho trẻ mất đi sự hiểu biết về những nguyên tắc riêng tư mà trẻ đã được học trước đó.
Dạy giới tính cho trẻ, cần kỹ tính và nhất quán, cha mẹ nhé!
Đôi nét về tác giả: - Thu Huyền là giảng viên Đại học Sư phạm TP. HCM, có chuyên môn về Tâm lý học và Giáo dục học. Cô tham gia nhiều hoạt động về giáo dục và tư vấn tâm lý cho trẻ ở các độ tuổi khác nhau. Cô cũng là người đồng sáng lập và điều hành một quỹ thiện nguyện dành cho trẻ em. Cô quan niệm để đứa trẻ phát triển tốt, cần có một cộng đồng tốt chứ không phải chỉ gia đình tốt và trường học tốt. Do đó, cô đã rất tích cực trong các hoạt động giáo dục cộng đồng. - Tường Vy là giáo viên giáo dục đặc biệt chuyên dạy trẻ tự kỷ, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Với quan niệm “Giáo dục là cuộc sống”, Tường Vy mong muốn mang đến những triết lý giáo dục đã được “mềm hóa” để các bậc phụ huynh có thể ứng dụng kiến thức vào việc giáo dục con cái mình ngay tại nhà.g giáo dục cộng đồng. |