Dạy con ứng phó với việc bị bắt nạt

,
Chia sẻ

Một trong những cách tốt nhất để giúp con bạn không trở thành nạn nhân của một kẻ bắt nạt là dạy cho trẻ trở nên quyết đoán, mạnh mẽ.

Liên tiếp mấy tuần nay bé Huy (11 tuổi) xin tiền mẹ thường xuyên khi thì với lý do đánh mất bút thước, khi thì khát nước, đói bụng, cần thêm tiền ăn sáng, ăn giữa bữa…Ngoài ra bé còn có biểu hiện lo lắng, buồn rầu, miễn cưỡng khi đi học.

Bố Huy tìm hiểu nguyên do thì phát hiện gần đây mỗi ngày Huy đều phải nộp tiền cho một học sinh lớp 7 cá biệt học cùng trường nếu không em sẽ bị đánh. Trường hợp của bé Huy khá phổ biến ở trường học. Nếu con em của bạn rơi vào tình huống tương tự thì dưới đây là một số điều bạn cần làm để giúp đỡ trẻ.
 

 
Bắt nạt là gì?

Bắt nạt là hành vi cố ý gây tổn thương về mặt tinh thần hay thể xác diễn ra trong một mối quan hệ. Đứa trẻ bắt nạt thực hiện hành vi gây hấn và kiểm soát để duy trì vị trí quyền lực đối với trẻ bị bắt nạt. Theo thời gian, việc gây hấn, kiểm soát dần gia tăng. Vấn đề này cũng có thể xảy ra giữa các nhóm trẻ em.

Các yếu tố cơ bản của bắt nạt là:

- Bất bình đẳng quyền lực: Một đứa trẻ có quyền lực hơn trẻ khác.

- Hành động bắt nạt: Gây tổn hại về mặt thể chất hay tinh thần.

- Xảy ra gián tiếp hoặc trực tiếp: diễn ra trước mặt hay sau lưng .

- Có tính lặp lại: Hành động bắt nạt thường lặp đi lặp lại khiến nạn nhân ngày một tổn hại nhiều hơn và cảm thấy khó thoát ra khỏi.

Các hình thức bắt nạt gồm có: đấm, đá, đánh, chế giễu, ăn cắp, xô đẩy, tung tin đồn nhảm, đe dọa, nhục mạ… Những hành vi này có thể làm hại trẻ về thể xác, tinh thần hoặc thiệt hại về đồ đạc của trẻ (quần áo, đồ chơi, tiền bạc...).

Tuy nhiên việc châm chọc, đánh nhau, chế giễu, chê bai… nhằm vui đùa thì không xem là hành động bắt nạt. 

Giúp đỡ trẻ bị bắt nạt

Bắt nạt không phải là một vấn đề mà trẻ em có thể tự giải quyết. Đó là một cuộc đấu tranh quyền lực khó thay đổi nếu không có sự giúp đỡ của người lớn. Trong hầu hết trường hợp, hành vi bắt nạt sẽ chấm dứt ngay khi có sự ngăn chặn và can thiệp nhất quán và nhanh chóng của người lớn. 

Bạn là cha mẹ hay người giám hộ trẻ:

Hãy lưu ý đến các hành vi, thái độ bất thường của trẻ cho thấy trẻ đang bị bắt nạt: không muốn đi học, rút lui khỏi hoạt động nào đó, dấu hiệu cơ thể bị trầy xước, bầm tím…

Lắng nghe và đáp ứng tất cả các điều trẻ phản ánh về việc mình bị bắt nạt kể cả những điều nhỏ nhặt như bị bạn gọi tên chế giễu thay vì Thúy thì thành Thúi,  Đồng thành Cu…Lưu bằng chứng, ghi nhận lại việc trẻ bị bắt nạt để yêu cầu những người có trách nhiệm xử lý và giúp đỡ, tiến hành nói chuyện với người lớn khác như thầy cô giáo, huấn luyện viên, những người có trách nhiệm nơi trẻ bị bắt nạt để tìm cách khắc phục các tổn thương và ngăn ngừa hành vi có thể tái diễn trong tương lai.

Khi bắt nạt diễn ra ở nhà, hãy dừng ngay hành vi bắt nạt. Đưa ra các thỏa thuận và thống nhất các vấn đề. Xem lại cách cha mẹ xử sự và đối đãi với người khác và người khác đối đãi với mình để điều chỉnh cho phù hợp vì hành vi của cha mẹ có ảnh hưởng lớn đối với con cái.

Bạn là giáo viên của trẻ:

Ngoài các lời khuyên tương tự như cho cha mẹ, giáo viên có thể trợ giúp trẻ bằng cách: Sắp xếp nhóm riêng, tách biệt những trẻ có xu hướng tương tác tiêu cực với nhau. Khi nhận thấy một trẻ trong nhóm bị cô lập hãy sắp xếp cho trẻ vào một nhóm khác để trẻ có thể hòa đồng và được hỗ trợ. Tránh tạo ra các tình huống mà trẻ này có điều kiện bắt nạt trẻ khác.
 

Dạy trẻ ứng phó với việc bị bắt nạt

Một trong những cách tốt nhất để giúp con bạn không trở thành nạn nhân của một kẻ bắt nạt là dạy cho trẻ trở nên quyết đoán, mạnh mẽ. Cha mẹ cần khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc rõ ràng:

Nói không khi cảm thấy bị áp lực và khó chịu.

Phản kháng lại bằng lời nói (không phải hành vi bạo lực).

Ngay khi trẻ thấy người lớn mà chúng có thể tin cậy thì hãy kể những điều đã xảy ra để yêu cầu giúp đỡ.

Nếu trẻ e ngại phải nói với người lớn chuyện bị bắt nạt thì hãy khuyến khích trẻ kể chuyện cho một người bạn.

Tránh xa khỏi nơi bị bắt nạt và kẻ bắt nạt.

Chia sẻ thông tin trường lớp, các hoạt động trẻ tham gia với cha mẹ.

Khi chứng kiến trẻ khác bị bắt nạt thì cùng với những bạn bè hay người lớn hỗ trợ và can thiệp, đồng thời an ủi, giúp đỡ bạn bằng cách mời bạn tham gia vào các hoạt động của nhóm mình.

Theo Minh Anh
Thanh Niên
Chia sẻ