Dạy con đối phó với "đầu gấu nhí"

,
Chia sẻ

Muốn con không yếu đuối, không ít phụ huynh dặn trẻ tuy không chủ động gây sự với bạn nhưng nếu bị bắt nạt thì có thể đánh lại.

Cu Hiếu 5 tuổi nhà chị Huệ (Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) vừa chạy ra sân chơi với các bạn một lúc đã chạy về mếu máo. Mẹ hỏi thì Hiếu bảo: “Bạn Ken nhà chú Hưng đẩy con ngã”.

"Nếu bị đánh, con cứ đánh lại!"

Hiếu đang học lớp mẫu giáo lớn và khá nhút nhát, đi lớp hay bị bạn bắt nạt nhưng thường chỉ biết về mách mẹ. Hôm thì Hiếu bảo bạn Tít đấm vào mặt con, hôm thì bạn Bin tranh mất sữa, hôm lại bị bạn Tôm xé tranh vẽ... Gần như hôm nào về nhà, chị Huệ cũng thấy con là nạn nhân của một trò bắt nạt nào đó. Xót con, chị mắng: “Sao không biết đánh lại chúng nó mà cứ để bị bắt nạt mãi thế?”.

Bé Chíp con chị Ngọc (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) vốn hiếu động, bạo dạn. Trước khi cho đi lớp, chị Ngọc phải dặn con không được đánh nhau hay bắt nạt bạn. Nghe lời mẹ, cô bé ngoan ngoãn đến lớp, mỗi khi bị bạn cấu hay giật tóc thì chỉ khóc nhè. Thấy con cứ bị bạn trêu mà chỉ biết khóc, chị Ngọc lại thay đổi chiến thuật, dặn: "Bị bạn cấu thì con cũng cấu lại một cái để bạn chừa, lần sau không dám thế nữa".

Một hôm cả nhà đi ăn sáng, bé Chíp đang định ngồi thì bị một trẻ đến kéo ghế khiến bé ngã bệt xuống đất. Chíp quay ra giằng bằng được cái ghế lại và thản nhiên ngồi xuống. Lúc uống nước, cô bé kia lại tranh cái cốc Chíp đang cầm trên tay. Giằng mãi không được, Chíp hất luôn cốc nước vào áo "đich thủ". Chứng kiến từ đầu đến cuối những hành động đó của con, chị Ngọc phân vân không hiểu dạy con như thế có phải là cách đúng?

Rèn  cho con sự tin tin ngay từ nhỏ sẽ khiến bé dễ hòa đồng với các bạn   Ảnh: Báo Lào Cai.

Tại một số diễn đàn trên internet, nhiều người làm cha mẹ cũng ủng hộ quan điểm cho trẻ đánh lại bạn khi bị bắt nạt. Một bà mẹ phát biểu: “Em dạy con em dứt khoát không được để ai đánh nó, cô không, bạn không. Hồi trước nó mới đi học cũng hay bị bạn cấu. Về sau em bảo con là bạn cấu lần đầu chỉ cần bảo là không được làm thế kẻo tớ đau, cấu lần thứ hai thì tát luôn không phải lằng nhằng. Sau này thấy con không bị bạn đánh nữa”.

Một bà mẹ khác ủng hộ ý kiến này: “Mình cũng dạy con giống nhà bạn. Con mình bị bạn đánh mà cứ ngồi yên để cho nó đánh thì không ổn, phải biết tự bảo vệ mình chứ, vì có phải lúc nào cũng có bố mẹ ở bên cạnh để bênh vực đâu. Thế nên em dặn con không được gây sự với ai, nhưng nếu bạn nắt nạt thì cứ đánh lại". Theo chị, đó là cách tốt nhất để trẻ biết tự bảo vệ, tự giải quyết vấn đề của mình, và việc dám phản ứng lại khi bị bắt nạt sẽ giúp bé trở nên mạnh mẽ, tự tin hơn.

Nên nhịn hay đánh trả?

Theo chuyên gia tâm lý Lan Hương, trung tâm tư vấn An Việt Sơn, nhìn chung những trẻ bị bắt nạt thường có tính cách nhút nhát hoặc thể chất yếu, hay kém hoà đồng với các bạn xung quanh. Dạy con im lặng, nín nhịn khi bị bạn bắt nạt là hoàn toàn sai lầm. Điều đó càng khiến bé mất tự tin và sẽ ngày càng thu mình. Bé cũng có thể trở nên dựa dẫm, không tự mình xử lý được những tình huống gặp phải sau này.

Ngược lại, bảo con đánh lại bạn khi bị bắt nạt cũng chưa phải là ý hay. Có thể nếu đánh thắng, bé sẽ không bị trêu nữa nhưng về lâu dài, cách này sẽ khiến cho bé  hình thành suy nghĩ rằng vũ lực có thể giải quyết được mọi vấn đề. Theo bà Lan Hương, cách của chị Thu (phường Âu Cơ, Việt Trì, Phú Thọ) là một gợi ý hay: Bé Trâm Anh con chị, học lớp ba, luôn trong trạng thái sợ đến lớp vì ngày nào cũng bị một bạn trai “đầu gấu” trong lớp doạ dẫm, bắt nạt. Trâm Anh thường bị cậu ta lấy mất đồ dùng học tập như bút, thước, có hôm mang đồ ăn đến lớp cũng bị lấy mất. Bé đã vài lần mách cô, nhưng cậu bạn kia sau khi bị cô phạt lại càng tức tối và bắt nạt nhiều hơn. 

Có hôm đón con ở trường, chị Thu thấy Trâm Anh đứng khóc thút thít, hỏi thì bé chìa ra quyển sách  vừa được mẹ mua cho con hôm trước nhưng đã bị xé nát. Để giúp con, ngoài việc báo cho cô giáo, chị Thu còn đến gặp bố mẹ cậu bé kia đề nghị họ nhắc nhở con. Chị cũng bảo bé Trâm Anh tìm đến chơi cùng một nhóm bạn. Biện pháp “dựa vào số đông” mà chị bày cho con cũng có phần phát huy tác dụng, con chị đỡ bị bắt nạt hơn. Theo chuyên gia Lan Hương, đây là một phương pháp tổng hợp, "lôi kéo" được cả nhà trường, gia đình vào cuộc và chính bản thân bé cũng phải chủ động đối phó.

Cũng theo bà Lan Hương, để con bạn không bị bắt nạt, ngay từ đầu, nên tạo cho bé một thể lực tốt, một tính cách tự tin, chủ động, tạo điều kiện cho con phát triển kỹ năng giao tiếp, hoà nhập cộng đồng. Có được những tố chất đó thì chắc chắn dù vào bất cứ môi trường nào, bé cũng sẽ thích nghi tốt và thành công trong các mối quan hệ xã hội.
 
Theo Nam Thi
Đất Việt
Chia sẻ