Dạy con những điều này ngay để không bị chó tấn công trước khi quá muộn
Chó là người bạn trung thành của con người nhưng cũng có khi lại trở thành mối nguy hiểm không thể lường được.
Chó luôn là người bạn trung thành của con người và là loại vật nuôi được nhiều gia đình yêu thích. Với hàm răng sắc nhọn và trí thông minh đặc biệt, chó luôn được nhiều gia đình chọn nuôi để giữ nhà. Nhưng cũng chính hàm răng sắc nhọn đó lại là một trong những mối hiểm hỏa hàng đầu đến sự an toàn cho trẻ em trong lúc đùa giỡn với chúng.
Tại Việt Nam, theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, tính trong nửa đầu năm 2015, có hơn 16.400 trường hợp bị súc vật cắn nghi dại phải chích vắc-xin phòng bệnh dại. Trong đó, tỉ lệ trẻ em bị cắn chiếm khoảng 22%, đa số là bị chó cắn (83,4%), mèo cắn (9,8%). Con số này đã khiến nhiều gia đình phải đắn đo mỗi khi muốn nuôi loài vật nuôi quen thuộc.
Ngày 12/3, tại Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội, anh Duy - chủ nhân của 4 chú chó thuộc giống Doberman và Rottweiler - đã bị chúng bất ngờ tấn công. Sự việc đã khiến anh bị đứt gân tay, hôn mê sâu. Rất đáng mừng là đến nay, tình trạng sức khỏe anh đã khá hơn, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, ăn uống bình thường. (Nguồn: beatvn)
Vào tháng 8/2015, bé Lan ngụ tại phố Hàng Nón, quận Hoàn Kiếm Hà Nội đã bị chó dữ nhà hàng xóm tấn công. Sự việc xảy ra khi bé gái 8 tuổi đi sau ông nội bất ngờ bị chó nhà hàng xóm lao ra cắn. Hậu quả là bé bị rách môi khá lớn và rất đau đớn. (Ảnh: Internet)
Trên thế giới cũng đã có rất nhiều tai nạn thương tâm xảy ra liên quan đến động vật quen thuộc này. Tháng 7/2015, bé Lộ Lộ đã bị một bầy chó dữ của người dân trong làng tấn công. Hậu quả là bé nhập viện trong tình trạng toàn thân thương tích, một bên tai bị mất và rất nhiều vết cắn trên người. (Ảnh: Internet)
Trước đó, vào năm 2012, tại Thụy Điển, một bé trai 6 tuổi bị chó rottweiler tấn công. Chú chó kéo lê cậu bé trên vỉa hè và dù rất nhiều người đi đường cố gắng giải cứu, phải đến một lúc sau cậu bé mới thoát thân, sau khi bị con chó ngoạm chân và kéo đi chỗ khác.
Chính vì thế, rất nhiều tổ chức y tế trên thế giới đã khuyến cáo những gia đình có trẻ nhỏ không nên nuôi chó, và nếu nuôi phải thật thận trọng khi cho trẻ chơi, tiếp xúc với chó, đồng thời luôn có sự giám sát của người lớn.
Tổ chức phi lợi nhuận American Veterinary Medical Association (AVMA) đã đưa ra những lời khuyên rất thiết thực dành cho những gia đình nuôi chó về việc phòng ngừa và xử trí khi bị chó cắn.
Những kỹ năng nhất thiết phải dạy con để không bị chó tấn công:
- Tránh xa những con chó lạ. Dặn trẻ không được tự ý tiếp cận, vuốt ve chó ngoài đường, phải hỏi chủ nhân trước khi vuốt ve, cho ăn. Đây là điều cực kì quan trọng bởi việc vuốt ve đột ngột có thể khiến chú chó giật mình và có những hành động tự vệ.
- Nếu nhà nuôi chó, không để trẻ một mình với chó, luôn phải có sự giám sát chặt chẽ của bố mẹ. Trẻ em rất thích sờ lông chó, vì thế bố mẹ nên dạy cho trẻ biết nên vuốt chỗ nào, lúc nào là thích hợp, khu vực nào không được đụng tới.
- Khi chó đến gần, dặn trẻ tuyệt đối không tỏ ra sợ hãi. Hãy bước đi một cách tự tin và im lặng. Nếu chó đi theo sau, hãy bình tĩnh và đứng yên, giữ tay ở vị trí thấp, siết chặt tay ngay phía trước. Đây là vị trí phòng thủ quan trọng, chó sẽ cho rằng bạn không có ý định làm hại nó. Tuyệt đối không vung tay bởi hành động này sẽ kích thích chó dễ tấn công vào ngực và cổ.
- Không la hét, bỏ chạy, đánh hay hành động bất ngờ với chó, điều này chỉ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Tất cả những hành động này chỉ mang đến cảm giác bị đe dọa cho chó và sẽ khiến chúng hung hăng hơn.
- Không được nhìn trực tiếp vào mắt chó, đây là hành động khiêu khích, thúc đẩy chó tấn công.
- Khi chó đang ngủ hoặc ăn, hãy để cho nó một mình. Không lại gần hỏi han hay vuốt ve.
Khi chó đang ngủ hoặc ăn, hãy để cho nó một mình. Không lại gần hỏi han hay vuốt ve. (Ảnh: wikihow)
- Không trêu chọc chó. Không lấy đồ chơi, thức ăn của chúng. Không bao giờ giả vờ đánh hay đá chúng, điều này khiến chúng mất lòng tin, càng hung hăng và dữ tợn hơn.
- Dạy trẻ không bao giờ kéo tai hay đuôi chó. Hành động này sẽ khiến cho có cảm giác đang gặp nguy hiểm và phản ứng lại bằng cách cắn, dù đó là người nhà hay người lạ. Lưu ý là trẻ nhỏ rất thích trò này.
- Chó không phải đồ chơi, tuyệt đối không trèo hay cưỡi chúng. Điều này sẽ khiến có cảm giác sợ hãi và tấn công người để tự vệ.
- Đừng làm phiền chó khi nó đang ở trong ổ. Đối với những gia đình có trẻ nhỏ, hãy để ổ của chó ở nơi trẻ không thể lui tới.
- Trong trường hợp tồi tệ nhất xảy ra, hãy nằm xuống, cuộn tròn người, ôm chặt đầu và mặt. Đây là tư thế hạn chế bị thương ở những khu vực quan trọng, đồng thời cũng thể hiện thái độ đầu hàng, chó sẽ nhanh chóng bỏ đi.
Trong trường hợp tồi tệ nhất xảy ra, hãy nằm xuống, cuộn tròn người, ôm chặt đầu và mặt. (Ảnh: wikihow)
Theo tài liệu của Bệnh viện Nhi đồng I cung cấp, khi trẻ bị chó cắn, bố mẹ cần phải:
- Trấn an trẻ khỏi cảm giác hoảng loạn.
- Sau khi trẻ bình tĩnh, bố mẹ cần xem xét vết thương thuộc loại nào (trầy da hay chảy máu, độ sâu, rộng, nhiều hay ít, ở vị trí nào trên cơ thể bé). Sau đó, rửa sạch vết thương bằng xà bông dưới vòi nước ít nhất 5 phút, dù cho đó là vết thương ngoài da. Bố mẹ lưu ý cần phải rửa tay thật sạch sẽ trước và sau khi sơ cứu cho bé.
- Dùng dung dịch sát khuẩn như cồn 70 độ hoặc dung dịch iod để sát trùng vết thương. Dùng vải sạch hoặc gạc y tế phủ lên vết thương, chỉ băng hờ, không được băng quá kín.
- Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ thăm khám, tìm ra hướng điều trị thích hợp.
- Trong trường hợp trẻ mất quá nhiều máu, xanh tái, mệt mỏi... cần phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức.
- Dùng dung dịch sát khuẩn (cồn 70 độ hoặc dung dịch iod) để sát trùng vết thương.
Trong phần lớn trường hợp bị chó cắn, cán bộ y tế sẽ yêu cầu bố mẹ cho trẻ đi tiêm ngừa bệnh dại.
(Nguồn: Tổng hợp)