Dạy con kiểu… kỳ dị

Hoàng Thùy,
Chia sẻ

(aFamily.vn) - Vừa nhận được kết quả học tập của con, chị Liên lôi xềnh xệch con lên vỉa hè, trước mặt bao nhiêu phụ huynh khác, chị thét lên: “Mày quỳ xuống cho tao”.

“Ai đánh con, con đánh nó lại ngay cho mẹ!”

Thấy Tuấn (6 tuổi) đi học về, mặt mũi xước xát, quần áo lấm lem, gặng hỏi chị Hoa (Tân Ấp, Hà Nội) được biết con bị bạn trêu xô ngã dúi dụi. Xót con, chị gằn giọng quở trách: “Bạn gì mà nghịch dại như thế chứ. Lần sau con 'hít le' bạn đó ngay nhé, không chơi với loại ý”.

Rồi hôm thì vở con bị xé, hôm thì tay con có vết bầm vì “bạn My ngồi cạnh cấu”, chị bực mình lắm. 

Hôm sau chị tới trường than phiền với cô giáo chủ nhiệm, cô chỉ cười nói: “Chị ơi, bọn trẻ con hiếu động lắm. Chị cứ yên tâm cho bọn trẻ ‘giao tiếp’, đó cũng là một cách học mà, không sao đâu chị. Thêm vào đó, chúng tôi sẽ hết sức lưu ý tới trường hợp của Tuấn”.

Thấy chị nằng nặc không đồng ý, cô giáo đành chuyển chỗ cho Tuấn sang ngồi một mình ở bàn cuối cho "an toàn". 

Tác động vào cô chưa đủ yên tâm, chị về nhà còn dặn dò, giáo huấn con đủ điều: “Từ bây giờ hễ có ai trêu, đánh, cấu con thì con cứ đánh nó ‘nhiệt tình’ cho mẹ. Con trai phải ghê gớm một tí chứ ai như con, gái chẳng ra gái, trai chẳng mạnh mẽ bằng trai”.

Mấy hôm sau vẫn thấy con trong bộ dạng tay có nốt vì “bạn My cấu đùa”, chị bực mình lắm bảo: “Tuấn kém nhỉ, kém hơn cả em của mình rồi. Em bị làm sao còn biết phản ứng lại, Tuấn là búp bê, là con gái rồi”. 

Dạy con kiểu… kỳ dị 1
Cha mẹ nên nhớ rằng tầm tuổi này con trẻ còn rất non nớt, việc mắng chửi, thóa mạ thậm chí đánh con trước 
đông người sẽ đè bẹp cái tôi đang hình thành của con (Ảnh minh họa)

Những câu nói so sánh vô tình của chị khiến bé cảm thấy căng thẳng, xấu hổ và buồn bã. 

Một lần, chị hàng xóm hớt hơ hớt hải chạy sang mách tội Tuấn, chẳng là Tuấn đang ngồi chơi với bạn hàng xóm, hai anh em chơi trò người nhện và ô tô. Khi đó, em bé kia mượn anh Tuấn ô tô để chơi nhưng anh không cho còn “binh” cho em một cái khóc ré lên vì đau.

Chị Hoa còn hỉ hả: “Đồ chơi của anh, anh không cho mà em cứ đòi thì bị ‘tẩn’ là đúng rồi còn gì?”

Chị hàng xóm tắt ngấm, chẳng nói được câu nào, lủi thủi về nhà. Đến khi chính bà nội là "nạn nhân" của con thì chị mới giật mình về cách dạy của mình có vấn đề. 

Con mạnh mẽ ở đâu chưa thấy nhưng thấy quá rõ khi con ngày càng hư và không biết nghe lời. Một lần Tuấn đòi bà nội mua cháo sườn cho ăn nhưng lúc ra cháo sườn hết chỉ còn cháo trai, mang về cho cháu ăn.

Thấy bà mua không đúng ý, bé cáu gắt, lườm nguýt bà ra mặt. Thấy cháu khó tính, bà nội mới dọa: “Con mà hư là bà mách mẹ đấy”. 

Ấy thế mà nghĩ thế nào bé xông ra đánh đốp một cái đau vào ngực bà. Bà nội bất ngờ vì "thằng Tuấn bình thường ngoan lắm, hiền lắm, thế mà..."

Từ kỳ dị tới kinh dị

Đón con ở cổng trường, vừa nhận được kết quả học tập của bé Bình (7 tuổi), chị Liên (Tân Mai, Hà Nội) lôi xềnh xệch con lên vỉa hè, trước mặt bao nhiêu phụ huynh khác, chị thét lên: “Mày quỳ xuống cho tao”.

Thấy con e dè, run như cầy sấy, mắt liếc dọc liếc ngang nhìn quanh, chị càng hét to hơn: “Ngay”.

Bình quỳ thụp xuống, hai tay bưng mặt khóc: “Con xin lỗi”. 

Không chờ con nói dứt lời, chị lấy tay tát liên tiếp vào mặt vào mông con, khiến tiếng khóc yếu đuối của con trở thành tiếng gào "xin mẹ ạ". Ai ai đứng đó cũng thấy ái ngại. 

Vừa đánh con, chị vừa nói: “Tao nuôi mày ăn học để mày được điểm 6 à? Trước đây chúng tao khổ sở chứ có được sướng như mày đâu mà học vẫn giỏi. Mày học thế này khác nào bôi tro trát trấu vào mặt chúng tao. Khóc này, khóc này”. 

Cách dạy con nhà chị Phương (Giảng Võ, Hà Nội) cũng "phát xít" chẳng kém. Biết Long (8 tuổi) trốn học thêm đi chơi điện tử, chị không giữ được bình tĩnh lôi con ra trước cổng nhà bắt con tụt quần, úp mặt vào tường.

“Tôi làm thế để cậu còn biết xấu hổ, con mà học dốt thì sau này con chẳng làm được trò trống gì, nhục lắm con ơi, nhục hơn thế này nhiều”, chị hét lên như vậy trước sự chứng kiến của bao nhiêu người. 

Kết

Trả lời về vấn đề này, các chuyên gia tư vấn tâm lý cho rằng, việc cha mẹ dạy con bằng bạo lực như những trường hợp trên là hết sức sai lầm. 

Sai lầm sẽ thể hiện ra rất rõ ở con trong một quãng thời gian ngắn. Thấy xót con bị bạn trêu chọc, cha mẹ xui con đánh lại và cứ nghĩ thế là hay nhưng điều này chẳng khác gì vẽ đường cho hươu chạy, dạy con phải bạo lực, làm bạn với bạo lực là đúng.

Rồi khi thấy con trẻ học chưa tốt, mắc sai lầm, cha mẹ nóng giận, không giữ được bình tĩnh và trút giận lên đầu con. 

Cha mẹ nên nhớ rằng tầm tuổi này con trẻ còn rất non nớt, việc mắng chửi, thóa mạ thậm chí đánh con trước đông người sẽ đè bẹp cái tôi đang hình thành của con. Chắc chắn rằng bé sẽ không thể mạnh mẽ hơn, không ngoan hơn, không được như cha mẹ mong muốn, ngược lại bé còn tự ti, sợ sệt, nhút nhát, hay xấu hổ, mặc cảm.



“Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” là chân lý trong cách dạy con của nhiều gia đình. 
Chị Tuyết cũng ủng hộ quan điểm này và triệt để áp dụng.
Dạy con kiểu… kỳ dị 2
Chia sẻ