Đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ gia tăng: Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Bên cạnh dịch tay chân miệng thì số lượng trẻ bị đau mắt đỏ (viêm kết mạc) thăm khám tại các bệnh viện cũng gia tăng. Dấu hiệu nào cho thấy cha mẹ cần cho trẻ thăm khám bác sĩ?
Bên cạnh dịch tay chân miệng thì số lượng trẻ bị đau mắt đỏ (viêm kết mạc) thăm khám tại các bệnh viện cũng gia tăng. Dấu hiệu nào cho thấy cha mẹ cần cho trẻ thăm khám bác sĩ?
Đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc có thể do virus, vi khuẩn hoặc dị ứng (viêm kết mạc dị ứng). Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp điều trị khác nhau cho trẻ. Hiện tại thời tiết mưa nắng đan xen thất thường làm tăng nguy cơ tiếp xúc với vi sinh vật gây đau mắt đỏ nên phụ huynh cần hết sức cẩn thận.
1. Đau mắt đỏ khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Đau mắt đỏ phổ biến hơn ở trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ với các triệu chứng điển hình như:
- Khô, ngứa, đỏ mắt ở một hoặc cả hai bên mắt
- Chảy nước mắt, chảy dịch, rỉ mắt tạo thành lớp vảy trong đêm khiến mắt của trẻ khó mở vào buổi sáng
- Mắt cộm
- Nhạy cảm với ánh sáng, nheo mắt, dụi mắt
- Mí mắt sưng húp.
Dựa trên các triệu chứng của trẻ cũng như tiền sử sức khỏe gần đây bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm kết mạc là do virus, vi khuẩn, dị ứng hay các nguyên nhân khác gây ra. Cụ thể:
+ Ở trẻ bị viêm kết mạc do virus triệu chứng thường là khô mắt, mắt không nhìn rõ, ngứa ngáy, chảy nhiều ghèn, nước mắt, cộm mắt nhiều,...
+ Ở trẻ bị viêm kết mạc do vi khuẩn, cha mẹ dễ dàng thấy ghèn có màu xanh hoặc vàng đục, đặc biệt vào ban đêm ghèn sẽ tính tụ khô lại ở mí mắt khiến chúng dính lại và khó mở ra vào mỗi buổi sáng.
+ Trẻ bị viêm kết mạc do dị ứng thường chảy nước mắt nhiều kèm theo viêm mũi dị ứng, lưu ý là đau mắt đỏ do dị ứng là bệnh không lây.
Nếu tình trạng nhiễm trùng kết mạc thường xuyên xảy ra hoặc không đáp ứng với điều trị thì bác sĩ có thể lấy mẫu bệnh phẩm ở mắt trẻ để xét nghiệm và đưa ra phác đồ điều trị.
Đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi?
Thông thường bệnh viêm kết mạc ủ bệnh khoảng 1 tuần và khi khởi phát, các triệu chứng sẽ giảm dần và biết mất sau 5 - 7 ngày tùy thuộc vào nguyên nhân bệnh và mức độ cũng như có xuất hiện biến chứng hay chưa. Nên nhìn chung:
- Viêm kết mạc do virus: Bệnh thường tự khỏi trong vòng 2 tuần
- Viêm kết mạc do vi khuẩn: Với trường hợp nhẹ, viêm kết mạc do vi khuẩn cũng có thể tự khỏi trong khoảng 2 tuần, tuy nhiên đơn thuốc kháng sinh có thể được chỉ định nếu như trẻ có các triệu chứng nghiêm trọng và cần đẩy nhanh tốc độ chữa lành.
- Viêm kết mạc do kích ứng/dị ứng: Khi một chất gây dị ứng hoặc tác nhân gây kích ứng dẫn tới viêm kết mạc thì việc tránh tiếp xúc với tác nhân này sẽ hữu ích trong việc rút ngắn thời gina phục hồi. Một số loại thuốc nhỏ mắt có tác dụng giúp làm dịu kích ứng có thể được chỉ định theo đơn.
Vậy khi nào đau mắt đỏ ở trẻ cần thăm khám bác sĩ?
Ngay khi phát hiện trẻ bị đỏ mắt nổi cộm cần thăm khám sớm. Nếu tình trạng đau mắt đỏ ở trẻ không cải thiện sau 2 - 3 ngày điều trị, bạn cần cho trẻ nhận thêm tư vấn từ bác sĩ. Hoặc tình trạng sưng đỏ ở mắt, cộm mắt gia tăng, mờ mắt, chảy dịch hồng lẫn máu, đau xung quanh mắt kèm sốt cũng cho thấy nhiễm trùng bắt đầu lan ra ngoài kết mạc và con bạn cần chỉ định mới của bác sĩ.
Đồng thời việc thăm khám sớm khi mắt đỏ cộm cũng giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh dễ nhầm lẫn với đau mắt đỏ khác như viêm màng bồ đào, viêm loét giác mạc, glocoma. Việc tự ý mua thuốc điều trị như thuốc kháng viêm mà không có chỉ định có thể tăng nguy cơ biến chứng tăng nhãn áp hay biến chứng trên giác mạc,...
Bên cạnh đó, đau mắt đỏ ở trẻ nếu không được điều trị đúng cách và đúng thời điểm có thể ảnh hưởng tới thị lực như giảm thị lực thậm chí là mù mắt hay các biến chứng khác như đau mắt hột, viêm kết mạc mãn tính, viêm loét giá mạc, sẹo giác mạc,...
2. Cần lưu ý gì khi chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ?
Khi chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ, cha mẹ cần chú ý một số nguyên tắc sau:
Về điều trị bệnh:
- Tuyệt đối không tự ý mua thuốc mà không có chỉ dẫn của bác sĩ
- Sử dụng thuốc kê đơn đúng liều lượng và thời gian
- Không nghe theo các quan niệm dân gian điều trị đau mắt đỏ ở trẻ bằng nhỏ sữa mẹ hay các loại lá đun - điều này có thể dẫn tới nhiễm trùng.
- Nếu trẻ bị ngứa, cộm mắt có thể chườm lạnh để giảm khó chịu.
Về dinh dưỡng:
- Nên cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng đồng thời bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng; vitamin A để tăng cường thị lực; vitamin B2 để khống chế các phản ứng oxy hóa gây hại
- Cho trẻ uống đủ nước để giảm khô mắt do bệnh
- Hạn chế các thực phẩm chế biển sẵn, chiên rán, chế phẩm từ sữa gây viêm
Về vệ sinh:
- Đau mắt đỏ không cần kiêng tắm
- Dọn dẹp phòng gọn gàng, sạch sẽ, không dùng chung các đồ dùng cá nhân, đồ chơi và ăn uống vì đau mắt đỏ là bệnh dễ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc giọt bắn của người bệnh. Tốt nhất là thay vỏ gối, vỏ ga trải giường, khăn mặt mới mỗi ngày
- Hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, hạn chế chạm tay vào mắt
- Chú ý vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý để làm mềm lông mi, nếu rỉ mắt nhiều nên lấy khăn ấm hoặc bông gòn chườm để lấy rỉ mắt dễ hơn đồng thời tăng lưu lượng máu đến mắt để giảm khô mắt.
Nguồn: Tổng hợp