Chuyên gia sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy: Không có chuyện sữa mẹ chữa được đau mắt đỏ hay giúp mọc lại đốt ngón tay

H.Thanh,
Chia sẻ

Theo bác sỹ Anh Thy, "nếu có trường hợp bé nhỏ sữa mẹ khỏi bệnh thì chỉ là trùng hợp chứ không có nghiên cứu nào chứng minh điều đó".

Trong buổi livestream "Giải đáp những sai lầm trong việc nuôi con bằng sữa mẹ", hai khách mời đặc biệt là chuyên gia sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy và hot mom Thủy Anh đã giúp các mẹ hiểu rõ những kiến thức khoa học về việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Dưới đây là những sai lầm trong việc nuôi con bằng sữa mẹ do bác sĩ Lê Ngọc Anh Thy chỉ ra và những giải pháp giúp các mẹ nuôi con bằng sữa mẹ một cách khoa học, nhẹ nhàng nhất.

Chuyên gia sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy: Không có chuyện sữa mẹ chữa được đau mắt đỏ hay giúp mọc lại đốt ngón tay - Ảnh 1.

BS Lê Ngọc Anh Thy và hot mom Thủy Anh.

Các bé bú mẹ hoàn toàn có khỏe mạnh, thông minh hơn so với các bú bằng sữa khác hay không thưa bác sĩ?

Các bé được hưởng nguồn sữa mẹ hoàn toàn ít có nguy cơ mắc các bệnh hơn như các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, về lâu dài như các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, các bệnh mãn tính cũng thấp hơn. Các bé bú mẹ hoàn toàn cũng có chỉ số thông minh cao hơn. Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, sau đó cho bé bắt đầu ăn dặm nhưng vẫn tiếp tục bú mẹ cho đến sau 2 tuổi.

Có những mẹ thể trạng không may mắn có đủ sữa cho con bú và phải nuôi con bằng sữa ngoài. Trong trường hợp này có nên bằng mọi giá phải nuôi con bằng sữa mẹ hay không?

Người mẹ phải có sự cân bằng và nên cố gắng hết sức tìm mọi cách có thể trong điều kiện và hoàn cảnh của mình để nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu mẹ stress, căng thẳng sẽ khiến mẹ bị căng thẳng, stress vì không đủ sữa. Khi mình sáng suốt mình sẽ tìm được nhiều cách nuôi con bằng sữa mẹ tốt hơn, chẳng hạn như hút sữa, kích sữa để tăng nguồn sữa cho con bú. Con đường nuôi con bằng sữa mẹ rất nhiều hoa, nhiều cảnh đẹp, các mẹ nên tận hưởng cảm giác ở bên con vì nó cũng chỉ có vài năm đầu đời mà thôi.

Các mẹ nên tìm hiểu tất cả kiến thức về sữa mẹ và dựa trên hoàn cảnh thực tế của mình để đưa ra lựa chọn sáng suốt nhất.

Nhiều mẹ cho rằng sinh mổ sữa về chậm hơn. Vậy có nên cho con tráng ruột bằng sữa công thức hay không? Có nên vắt sữa non trong thai kỳ để đề phòng bé phải sinh mổ/cách ly mẹ?

Mẹ sinh mổ hay sinh thường thì sữa non vẫn có trong ngực mẹ từ 3 tháng cuối thai kì. Khi bánh nhau bong ra khỏi cơ thể nó sẽ kích hoạt sữa sản xuất trong người mẹ. Cứ bé về với mẹ là cho con bú ngay lập tức để kích thích sữa mẹ nhanh về. Đồng thời mẹ cũng nên theo dõi các dấu hiệu con bú đủ hay không qua: tã ướt - tã khô.

Chẳng hạn ngày thứ nhất là 1 tã ướt, ngày 2 là 2 tã ướt, ngày thứ 4 từ 5 - 6 tã ướt trở lên, nước tiểu màu vàng nhạt, phân su keo. Nếu em bé bú đủ, các dấu hiệu chuyển màu phân đó sẽ thay đổi từng ngày từ đen sang đen nhạt, xanh rêu rồi vàng... Điều đó chứng tỏ sữa mẹ nạp vào giúp em bé tống phân su ra ngoài và bé đang hấp thụ tốt.

Em bé sinh ra nên cho bú mẹ đầu tiên để kích thích tuyến sữa hoạt động. Phương pháp vắt sữa non dự trữ hiện tại vẫn còn ít nghiên cứu.

Nếu mẹ phải dùng kháng sinh thì có nên cho con bú hay không thưa bác sĩ?

Chuyên gia sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy: Không có chuyện sữa mẹ chữa được đau mắt đỏ hay giúp mọc lại đốt ngón tay - Ảnh 2.

Chuyên gia sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy.

Hầu hết các loại kháng sinh đều dùng được cho mẹ cho con bú. Nếu mẹ bệnh phải dùng kháng sinh, khi đi khám phải nói rõ với bác sĩ là mình đang cho con bú để bác sĩ kê loại kháng sinh thích hợp. Trong trường hợp mẹ phải cách ly thì mẹ nên vắt hút sữa thường xuyên mỗi 8-12 lần/1 ngày để duy trì sữa. Nếu mẹ chỉ bị giảm sữa 1 ít thôi thì mẹ nên cho bé bú trực tiếp, không nên cho bé bú bình, chỉ khoảng trong vòng 1 tuần sữa mẹ sẽ trở lại. Em bé chính là chiếc máy kích sữa tốt nhất.

Nhiều mẹ rất kiên trì nuôi con bằng sữa mẹ nhưng bé không tăng cân. Có phải do sữa mẹ loãng quá hay không?

Đa số các mẹ nghĩ con nghẹ cân, cân ít là do hiểu chưa đúng về sự phát triển bình thường của một em bé. Nên theo dõi sự phát triển của bé theo biểu đồ chuẩn của WHO để biết con mình có đang bình thường hay nhẹ cân thật không.

Sữa đầu thường cung cấp nước cho bé phần nhiều nên loãng và trong hơn so với sữa sau đặc và đục hơn. Bé cần bú cân bằng cả sữa đầu và sữa sau. Cả hai sữa đều quan trọng nên không nên vắt bỏ sữa đầu mà chỉ cho con bú sữa sau.

Nhiều mẹ nghĩ sữa mẹ có quyền năng chữa bách bệnh như chữa đau mắt đỏ, chữa bệnh tim, làm lành vết thương như có thể khiến bé bị cụt đốt ngón tay mọc lại?

Sữa mẹ cũng là một nguồn thực phẩm, khi mình để ở ngoài môi trường với thời gian nhất định nó cũng có thể bị hỏng. Khi mình nhỏ vào mắt có thể dẫn đến nguy cơ nào đó. Vì vậy, khi bé bị bệnh, cần đưa bé đi khám bệnh để bác sĩ chỉ định nên điều trị bé như thế nào. Nếu có trường hợp bé nhỏ sữa mẹ khỏi bệnh thì chỉ là trùng hợp chứ không có nghiên cứu nào chứng minh điều đó.

Với các mẹ đi làm, làm thế nào để lượng sữa cho con không bị giảm bớt thưa bác sĩ?

Chuyên gia sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy: Không có chuyện sữa mẹ chữa được đau mắt đỏ hay giúp mọc lại đốt ngón tay - Ảnh 3.

Hotmom Thủy Anh.

Các mẹ nên cố gắng hút sữa 3-4 tiếng một lần tại chỗ làm. Một số mẹ công việc rất khó khăn như làm việc liên tục nhưng có chế độ đi làm trễ và về sớm nên có thể tranh thủ thời gian này hút sữa vào 1 cữ sáng và 1 cữ chiều.

Nếu không có điều kiện như vậy thì nên vào toilet vắt bỏ sữa (lưu ý là môi trường toilet không phù hợp để vắt sữa). Khi sữa ứ trong ngực lâu cơ thể sẽ hiểu là em bé không cần lượng sữa đó nên không có nhu cầu tiết sữa mẹ nữa. Mặc dù phương án này cũng làm giảm sữa nhưng còn tốt hơn việc để sữa ứ đọng trong ngực mẹ.

Nếu các cách trên vẫn không thực hiện được thì mẹ có thể nuôi con 70 - 80% bằng sữa mẹ.

Lúc mới sinh mình chưa có sữa thì có nên xin sữa cho con ti không?

Không có chuyện mẹ thiếu sữa vì sữa non đã có trong ngực mẹ từ 3 tháng trước khi sinh. Xin sữa cũng là 1 nguy cơ. Các ngân hàng sữa mẹ trên thế giới khi nhận sữa của bất cứ người mẹ nào cũng sẽ yêu cầu người mẹ đó phải xét nghiệm. Ngoài ra mình cũng không biết mẹ đó hút sữa trong hoàn cảnh như thế nào, có trữ sữa đúng cách hay không. Vì thế nếu muốn nhận sữa từ mẹ khác nên hỏi một cách khéo léo lúc mang thai đã làm xét nghiệm nào, hút sữa ra sao... Đây là vấn đề nhạy cảm nên hỏi khéo léo để học hỏi kinh nghiệm để người cho không bị tổn thương.

Nếu không an tâm phải thanh trùng sữa bằng cách đặt bình sữa vào bình thủy tinh rồi đặt vào nồi nước đun sao cho lượng nước cao hơn lượng sữa để đun. Nước sôi thì nhiệt độ trong bình sữa khoảng 70 độ C, mình lấy ra để nguội và cho em bé uống.

Sau 6 tháng em có nên cho bé bú dặm thêm 1 cữ sữa công thức hơn không vì bố mẹ đều không cao nên muốn con tăng chiều cao tốt hơn?

Sữa mẹ sẽ giúp tăng chiều cao tốt hơn vì dễ hấp thu hơn. Chưa có nghiên cứu nào chứng minh sữa công thức giúp tăng chiều cao tốt hơn. Mẹ nên tiếp tục cho con bú sữa mẹ để phát triển tối ưu về mọi mặt cho bé.

Chuyên gia sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy: Không có chuyện sữa mẹ chữa được đau mắt đỏ hay giúp mọc lại đốt ngón tay - Ảnh 4.
Chuyên gia sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy: Không có chuyện sữa mẹ chữa được đau mắt đỏ hay giúp mọc lại đốt ngón tay - Ảnh 5.

"Chưa có nghiên cứu nào chứng minh sữa công thức giúp tăng chiều cao tốt hơn sữa mẹ".

Nếu mẹ quá nhiều sữa mà dùng tay kẹp đầu ty lại mỗi lần cho bé bú thì có làm tắc tia sữa hay khớp ngậm của bé hay không?

Việc kẹp đầu ti không có tác dụng gì đâu. Mẹ cần kiểm tra xem khớp ngậm của bé đã đúng chưa và phải bế bé ở tư thế thoải mái nhất khi cho bú. Nếu mẹ quá nhiều sữa, khi bé vừa ngậm vào, mẹ nên đẩy em bé ra và lấy khăn thấm sữa để thấm hết nguồn sữa phun ra lúc đó. Sau đó mẹ cho em bé ngậm lại rồi kê gối sau lưng ngả người ra hoặc nằm nghiêng cho bé bú để bé đỡ bị sặc. 

Nếu các phương pháp này vẫn khiến bé bị sặc, mẹ phải dùng máy hút sữa hút bớt đi sau đó mới cho con bú. Sau đó mẹ giảm dần lượng sữa hút ra trước mỗi lần cho con bú để tập con quen dần với phản xạ xuống sữa.

Nhiều mẹ trữ đông sữa cho bé bú nhưng khi rã đông thì sữa đó có mùi hơi gây khiến bé từ chối bú. Thưa bác sĩ, sữa trữ đông có bị giảm nguồn dưỡng chất hay không và có cách nào để bé tiếp tục bú lượng sữa này?

Sữa rã đông có mùi gây nhưng chất dinh dưỡng không bị giảm. Nếu bé từ chối bú, mẹ có thể pha theo tỷ lệ 1:1 sữa vừa vắt với sữa rã đông. Nếu bé vẫn khó chịu thì tăng tỉ lệ sữa mẹ, giảm tỉ lệ sữa rã đông. Ngược lại, nếu bé chấp nhận ti, mẹ có thể tăng tỉ lệ sữa rã đông lên.

Nếu bé không chấp nhận nữa thì có thể hút sữa gối đầu, hôm nay hút sữa thì để ngăn mát tủ lạnh và cho bé bú hết trong ngày, không trữ đông nữa.

Có quan niệm cho rằng ngực to mới đủ sữa, ngực nhỏ không đủ sữa cho con bú. Thực hư vấn đề này thế nào thưa bác sĩ?

Chuyên gia sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy: Không có chuyện sữa mẹ chữa được đau mắt đỏ hay giúp mọc lại đốt ngón tay - Ảnh 6.

Các mẹ không cần phải có một tủ lạnh sữa cho con bú bởi quá nhiều sữa cũng không tốt.

Thực ra ngực to và ngực nhỏ chỉ khác nhau ở các mô mỡ còn ống sữa, tuyến sữa vẫn đầy đủ. Các mẹ có ngực nhỏ vẫn tự tin cho con bú. Người mẹ có hạnh phúc mới lan tỏa hạnh phúc đó cho con mình.

Một số mẹ khoe có cả tủ lạnh sữa, tủ sữa trữ đông cho con bú. Quá nhiều sữa có tốt không thưa bác sĩ?

Các mẹ không cần phải có một tủ lạnh sữa cho con bú bởi quá nhiều sữa cũng không tốt: vừa lãng phí vì em bé bú không hết; em bé chỉ bú sữa đầu không bú sữa sau sẽ không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất; mẹ dễ tắc tia sữa liên tục.

Để tránh tắc tia sữa, mẹ nên: hút hết sữa ở mỗi cữ hút (đối với những mẹ hút sữa hoàn toàn); không bỏ cữ bú/cữ hút sữa; ngực căng quá thì vắt bớt (chứ không vắt cạn); mặc áo ngực rộng rãi; tránh ăn đồ béo; tránh stress, căng thẳng.

Ảnh: Leon

Chia sẻ