Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị rối loạn cảm xúc ở trẻ em
Theo các bác sĩ, rối loạn cảm xúc ở trẻ đặc trưng bởi tâm trạng bất ổn, thất thường, giảm khả năng tập trung, dễ xung đột với gia đình và bạn bè.
1. Rối loạn cảm xúc ở trẻ em là bệnh gì?
Theo các chuyên gia tâm lý, rối loạn cảm xúc là bệnh lý có thể gặp ở bất cứ ai, bao gồm cả trẻ em. Theo định nghĩa của IDEA, bệnh lý này thường được chia thành các dạng chính bao gồm lo âu (anxiety), rối loạn cảm xúc lưỡng cực (bipolar disorder) tâm thần phân liệt (schizophrenia), và trầm cảm (depression).
Rối loạn cảm xúc sẽ phá vỡ tư duy, tâm trạng, khiến trẻ có xu hướng ngày càng xa lánh mọi người thậm chí có những suy nghĩ tự gây hại cho bản thân.
Các dạng thường gặp của bệnh rối loạn cảm xúc:
+ Rối loạn trầm cảm chính (Major Depression)
+ Rối loạn trầm cảm dai dẳng (Persistent depressive disorder hay là dysthymia)
+ Rối loạn lưỡng cực (Bipolar disorder)
+ Rối loạn xáo trộn cảm xúc (Disruptive mood dysregulation disorder)
+ Rối loạn tiền kinh nguyệt (Premenstrual dysmorphic disorder)
+ Rối loạn cảm xúc do tình trạng sức khỏe (Mood disoeder due to a general medical condi-tion).
+ Rối loạn cảm xúc do chất gây nghiện (Substance-indueced mood disorder)
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh rối loạn cảm xúc ở trẻ em
Theo các bác sĩ, bệnh rối loạn cảm xúc ở trẻ em khó nhận biết hơn người lớn vì về cơ bản, cảm xúc của trẻ nhỏ có đặc điểm thất thường và bất ổn. Chính vì vậy, rất nhiều phụ huynh không nhận biết sớm các biểu hiện khác lạ ở con trẻ.
Vì vậy khi muốn biết con có mắc bệnh rối loạn cảm xúc hay không, cha mẹ cần chú ý thật kỹ những biểu hiện sau ở trẻ:
- Trẻ khó tập trung, hay lơ đễnh, cảm giác như không có hứng thú làm việc đó.
- Trẻ bị bệnh rối loạn cảm xúc thường có xu hướng dễ kích động, dễ cáu gắt, dễ gây hấn, phản ứng mạnh hơn bình thường nhất là khi không đạt được một chuyện gì như ý. Chẳng hạn không được mua món đồ chơi yêu thích có thể khiến bé tức giận, gào khóc không ngừng.
- Có hành vi gây hại đến tinh thần, thể chất của những người xung quanh nhưng trẻ không nhận thức được điều ấy.
- Trẻ tăng động, giảm chú ý.
- Trẻ có thói quen ăn uống bất thường, có thể chán ăn, không chịu ăn, ăn rất ít mỗi ngày hoặc ăn rất nhiều không thể kiểm saots.
- Trẻ thực hiện những hành vi tự gây hại đến bản thân, tìm đến thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác.
- Không trò chuyện, chia sẻ, giao tiếp với mọi người.
- Trẻ gặp khó khăn khi giao tiếp thông thường, tiếp thu thông tin, tính toán hoặc nói ra cảm xúc, suy nghĩ của bản thân.
- Trẻ ương bướng, khó bảo, lì lợm.
- Con hay chóng mặt, buồn nôn, bồn chồn, vã mồ hôi lạnh.
- Cảm thấy trẻ không có mối liên kết với gia đình, khó khăn trong kết bạn.
3. Nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc ở trẻ em
Nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ bị rối loạn tâm lý đó là từ chính gia đình. Cụ thể, theo những nghiên cứu, rối loạn cảm xúc ở trẻ em có thể liên quan đến những tác nhân sau:
+ Nguyên nhân môi trường sống: Có thể do những biến cố tâm lý trong gia đình, cha mẹ thường xuyên cãi nhau, đánh nhau, bận rộn làm việc, trẻ thiếu tình yêu thương từ cha mẹ, cô độc hoặc bị cô lập, bắt nạt tại trường học.
+ Nguyên nhân di truyền: Một số nghiên cứu cho thấy trong gia đình nếu có cha hay mẹ mắc các vấn đề về tâm lý trước đó thì đời con cũng có thể gặp rất nhiều ảnh hưởng, điển hình như chứng rối loạn cảm xúc.
+ Yếu tố sinh học: Khiếm khuyết bẩm sinh ở ống thần kinh trong giai đoạn thai kỳ nhưng không được phát triển sớm hoặc dẫn truyền thần kinh không bình thường,…Các nghiên cứu trên thực tế ở người bệnh đã tìm thấy những tổn thương đa dạng trên nhiều hệ thống dẫn truyền thần kinh tại các vùng khác nhau của não bộ.
+ Ngoài ra còn có thể do nhiều nguyên nhân khác như: Sự thay đổi hormone, mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh, sang chấn tâm lý. não bộ bị tổn thương, mắc các bệnh mãn tính, sử dụng rượu bia, chất gây nghiện, hút thuốc lá, sử dụng thuốc an thần trong giai đoạn dậy thì,…
4. Hướng điều trị của rối loạn cảm xúc ở trẻ em
Tùy vào từng dạng bệnh, thời gian bệnh và giai đoạn bệnh mà mức độ nguy hiểm của từng dạng khác nhau. Tuy nhiên càng điều trị sớm càng hạn chế được mức độ nguy hiểm bệnh gây ra cho tinh thần và sự phát triển của trẻ nhỏ.
Các phương pháp điều trị rối loạn cảm xúc ở trẻ em:
+ Sử dụng thuốc
Dùng thuốc có thể cải thiện các cảm xúc tiêu cực và hành vi hung hăng, bạo lực ở trẻ bị rối loạn cảm xúc. Tuy nhiên, sử dụng thuốc cho trẻ nhỏ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và tác dụng phụ. Chính vì vậy, việc sử dụng thuốc cho trẻ cần phải được thực hiện nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
+ Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý là phương pháp chính trong điều trị rối loạn cảm xúc ở trẻ em bên cạnh sử dụng thuốc. Phương pháp này sử dụng giao tiếp để tác động đến cảm xúc, nhận thức và hành vi của trẻ nhỏ.
+ Sự hỗ trợ từ gia đình, trường học
Bên cạnh các phương pháp chuyên sâu, trẻ bị rối loạn cảm xúc cũng cần nhận được sự hỗ trợ từ gia đình và trường hợp. Trẻ mắc hội chứng này thường nhạy cảm, tâm trạng bất ổn, dễ cáu gắt và khó chịu. Do đó, gia đình cần có sự quan tâm đúng mực, tránh trừng phạt hoặc khen ngợi trẻ quá mức. Đồng thời không nên quá kỳ vọng hay tạo áp lực cho trẻ. Thay vào đó, nên xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn, gia đình hòa thuận, hạnh phúc và khuyến khích trẻ nỗ lực để đạt thành tích cao thay vì ép buộc. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần quan tâm, hỗ trợ học sinh bị mắc chứng bệnh này.
+ Chăm sóc, phòng ngừa rối loạn cảm xúc ở trẻ tái phát
Bên cạnh các phương pháp điều trị, phụ huynh cũng cần có chế độ chăm sóc đặc biệt cho trẻ bị rối loạn cảm xúc. Các biện pháp này giúp trẻ duy trì sức khỏe thể chất và dễ dàng kiểm soát các cảm xúc tiêu cực. Ngoài ra, duy trì lối sống lành mạnh và khoa học còn có thể hạn chế nguy cơ bệnh tái phát. Hãy xây dựng cho trẻ chế độ ăn hợp lý, đảm bảo ngủ đủ 8 giờ/ ngày và khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất như bơi lội, đạp xe, leo núi, chạy bộ,… Gia đình nên tổ chức các trò chơi theo nhóm để cải thiện tâm trạng cho trẻ.
Ngoài ra, các hoạt động này còn giúp gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình và hình thành cho trẻ suy nghĩ luôn có gia đình làm điểm tựa. Ngoài ra, bố mẹ có thể khuyến khích con tham gia các hoạt động thiện nguyện, hạn chế việc trẻ bị sang chấn tâm lý, giáo dục trẻ với những phương pháp đúng đắn, tránh việc con có ý nghĩ tiêu cực.