8 nguyên tắc chăm sóc sức khỏe của trẻ không phải lúc nào cũng đúng!

Minh Nhật,
Chia sẻ

Có một số nguyên tắc chăm sóc sức khỏe của trẻ hay được cha mẹ áp dụng. Tuy nhiên trên thực tế, phụ huynh có thể làm "ngược lại" mà không gây bất cứ tác hại nào cho con.

Cha mẹ là những người lo lắng nhiều nhất cho sức khoẻ của con cái. Chính vì thế, nhiều bậc phụ huynh đã tuân thủ tối đa các lời khuyên, nguyên tắc chăm sóc sức khỏe của trẻ. Thế nhưng có một sự thật là, không phải nguyên tắc nào cũng đúng 100%. Có một số nguyên tắc cha mẹ hoàn toàn có thể làm ngược lại mà không gây bất cứ tác hại nào cho sức khoẻ của trẻ.

Dưới đây là 8 nguyên tắc chăm sóc sức khỏe của trẻ không phải lúc nào cũng đúng!

1. Trẻ cần đánh răng sau mỗi bữa ăn

Theo lý thuyết, bé cần đánh răng sau mỗi bữa ăn. Tuy nhiên trên thực tế, các con không cần mất quá nhiều thời gian vào việc này. Trẻ chỉ cần đánh răng 2 lần/ngày vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ là được. Cha mẹ nên khuyến khích con xúc miệng bằng nước muối thường xuyên.

2. Trẻ bị bệnh nhất định phải uống thuốc

Đây là nguyên tắc chăm sóc sức khỏe cho trẻ được rất nhiều phụ huynh áp dụng. Mỗi lần thấy con ốm là cha mẹ đứng ngồi không yên. Thế rồi phụ huynh tự chẩn đoán bệnh và ra hiệu thuốc mua thuốc cho trẻ. Tuy nhiên, việc cho trẻ dùng thuốc không phải lúc nào cũng cần thiết. Chẳng hạn như các loại thuốc cảm lạnh thông thường chỉ có tác dụng làm giảm các triệu chứng tạm thời chứ không thể đẩy nhanh thời gian hồi phục hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Không những vậy, một số loại thuốc có thể can thiệp vào khả năng đề kháng tự nhiên của cơ thể trong việc loại bỏ vi khuẩn hoặc virus.

Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ cứ hễ thấy người trẻ nóng là cho uống hạ sốt. Điều này không có lợi cho sức khoẻ của trẻ. Phụ huynh cần đưa con đến bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán bệnh và đưa ra phương pháp điều trị bệnh cho bé phù hợp.

8 nguyên tắc chăm sóc sức khỏe của trẻ không phải lúc nào cũng đúng afamily

3. Trẻ nhỏ phải ngủ trưa mỗi ngày

Trẻ cần ngủ đủ để phát triển toàn diện, vì thế rất nhiều cha mẹ thực hiện nguyên tắc chăm sóc sức khỏe cho trẻ bằng cách ép con ngủ trưa. Nhiều đứa trẻ "chống đối" phụ huynh đến mức oà khóc thút thít trước khi chìm vào giấc ngủ. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng phần nào đó đến chất lượng giấc ngủ của trẻ.

Thực tế, theo các chuyên gia, trẻ nhỏ không ngủ trưa là điều khá bình thường. Thậm chí nhiều bé còn bỏ hẳn thói quen này khi được 3 – 4 tuổi. Con còn bận khám phá thế giới quan, bận nô đùa… Tuy nhiên, nếu không ngủ trưa  trẻ có thể cảm thấy quá mệt và khó ngủ vào ban đêm. Chính vì vậy, bạn hãy cố gắng duy trì thói quen này cho trẻ. Ngoài ra, nếu bé không ngủ trưa, buổi tối, hãy cho trẻ đi ngủ sớm hơn từ 30 đến 60 phút so với giờ ngủ thông thường.

4. Không cho trẻ nghịch bẩn

Nhiều cha mẹ luôn giữ con sạch sẽ quá mức đến độ không cho trẻ động tay vào bất cứ việc gì, đặc biệt là cho bé ra ngoài chơi, tự do khám phá môi trường sống. Trên thực tế, trẻ hoàn toàn có thể nghịch bẩn. Cha mẹ luôn dặn rằng không được chạm vào cái này, đừng động đến cái kia, trẻ như bị giam cầm và không dám chủ động "chạm" vào thế giới. Những đứa trẻ như vậy không những không hạnh phúc mà còn mất đi tính chủ động khám phá cuộc sống. Quần áo bẩn có thể giặt sạch, phòng bừa bộn có thể dọn dẹp nhưng nếu trẻ mất khả năng chủ động tìm kiếm kiến thức và học hỏi vì sợ bẩn thì lợi bất cập hại.

Nhà giáo dục Trung Quốc Đào Hành Trí từng nói, cần phải giải phóng tâm trí, bàn tay, bàn chân, không gian và thời gian của trẻ em, để chúng hoàn toàn có cuộc sống tự do và được giáo dục thực sự từ cuộc sống tự do. "Cho phép nghịch bẩn là bước đầu tiên để trẻ được tự do. Nếu sợ bẩn mà cấm đoán trẻ khám phá những điều mới lạ thì đó là thiệt thòi lớn", nhà giáo dục này khẳng định.

Các nhà khoa học cũng cho rằng tiếp xúc sớm với thiên nhiên, các vi khuẩn trong đất sẽ giúp trẻ khỏe mạnh và có khả năng kháng bệnh tốt hơn. Việc của phụ huynh là vệ sinh cho con sạch sẽ sau mỗi giờ chơi của trẻ. Bên cạnh đó dạy con cách rửa tay chân, cho con ăn uống khoa học, tiêm phòng đầy đủ, bổ sung vitamin… để trẻ tăng cường sức đề kháng khám phá thế giới.

8 nguyên tắc chăm sóc sức khỏe của trẻ không phải lúc nào cũng đúng afamily

5. Tắm cho trẻ mỗi ngày

Tắm rửa là việc làm cần thiết để giữ cho trẻ sạch sẽ, loại khỏi cơ thể những vi khuẩn, virus lây bệnh. Cơ thể bé sẽ thơm tho và thoải mái hơn. Đặc biệt, trẻ nhỏ lại thích chạy nhảy, thường xuyên ra mồ hôi, nếu bạn không vệ sinh thì bé sẽ có nguy cơ mọc rôm sảy hay mắc các bệnh về da, viêm da.

Tuy nhiên, mỗi khi thời tiết trở lạnh, cha mẹ không nhất thiết phải tắm cho bé hàng ngày để tránh cảm lạnh. Không những vậy, nếu bạn cho trẻ tắm quá thường xuyên có thể khiến lớp giữ ẩm tự nhiên trên da mất đi, làm cho da dễ bị kích ứng. Do đó, nguyên tắc chăm sóc sức khỏe cho trẻ mùa lạnh là thay vì tắm mỗi ngày, mẹ có thể tắm cho con 3-4 lần/tuần. Mẹ chỉ cần vệ sinh tay, mặt, chân và các bộ phận có nhiều nếp gấp, dễ tích tụ bụi bẩn như cổ, bộ phận sinh dục và nách cho trẻ là đủ.

6. Cho trẻ uống thuốc bổ

Nếu được nuôi dưỡng bằng một chế độ ăn khoa học, giàu dinh dưỡng thì trẻ không cần phải bổ sung bất cứ loại vitamin nào. Nếu không biết cơ thể con thiếu chất gì mà cứ bổ sung bất chấp, trẻ có thể sẽ thừa chất hoặc không hấp thụ, dẫn đến lãng phí. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ hoàn toàn có thể biếng ăn trong vài ngày. Đây là biếng ăn sinh lý. Vì thế cha mẹ không nên vội vàng mua sirô ăn ngon hay bất cứ thứ gì để kích thích bé ăn tốt hơn. Tuy nhiên, nếu bé nhà bạn thật sự biếng ăn, suy dinh dưỡng, cha mẹ có thể cho bé uống thêm thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất. Trước khi cho bé uống, bạn nên đưa trẻ đi khám để tham khảo ý kiến bác sĩ.

7. Không cho trẻ ăn vặt - nguyên tắc chăm sóc sức khỏe khá cứng nhắc

Nhiều cha mẹ muốn con tập trung vào bữa chính nên đã giữ nguyên tắc chăm sóc sức khỏe cho trẻ khá cứng nhắc, đó là cắt hoàn toàn những bữa ăn phụ, hoặc không cho con ăn vặt. Theo các chuyên gia, trẻ nhỏ hay nô đùa, chạy nhảy, do đó nhu cầu calo mà con cần mỗi ngày cũng rất lớn. Ngoài ba bữa ăn chính, bạn nên cho trẻ ăn thêm một vài bữa phụ trong ngày. Những bữa ăn nhẹ lành mạnh không chỉ giúp cung cấp calo cho cơ thể của bé mà còn giúp bổ sung thêm dưỡng chất cần thiết. Chẳng hạn, bạn có thể cho trẻ ăn sữa chua và trái cây để bổ sung canxi và chất xơ. Ngoài ra, việc làm này còn giúp trẻ học được cách nhận biết cảm giác đói và no của cơ thể để tránh gặp phải các rắc rối liên quan đến cân nặng khi lớn lên. 

Đôi khi trẻ cũng có thể ăn bánh, kẹo. Nhờ đó, bé sẽ cảm thấy vui vẻ, vị giác của bé cũng được phát triển nhanh và hoàn thiện hơn.

8 nguyên tắc chăm sóc sức khỏe của trẻ không phải lúc nào cũng đúng afamily

8. Không cho trẻ ngồi gần TV

Nhiều phụ huynh hễ thấy bé ngồi gần TV là nhắc nhở, yêu cầu con ngồi ra xa. Điều này không có gì là sai. Tuy nhiên theo các bác sĩ, mắt của trẻ nhỏ có khả năng tập trung cao hơn khi nhìn vào các vật thể gần. Chính vì vậy, việc ngồi gần sẽ giúp trẻ dễ tập trung, không bị mỏi mắt. Bạn cũng đừng lo lắng về bức xạ bởi theo nhiều nghiên cứu, yếu tố này không có gì nguy hiểm.

Tuy nhiên, bạn nên tránh cho trẻ xem TV hoặc sử dụng điện thoại, máy tính bảng quá nhiều. Ngoài ra nếu thấy con ngồi gần TV hoặc khi cần nhìn vật gì đó mà con phải đến gần mới nhìn rõ thì có thể bé đang có vấn đề về thị lực.

8 nguyên tắc chăm sóc sức khỏe của trẻ không phải lúc nào cũng đúng! - Ảnh 4.

Chia sẻ