Dầu ăn có làm bé yêu bị béo phì?

,
Chia sẻ

Chỉ vì sợ con béo phì, nên nhiều mẹ đã “cố tình quên” không cho dầu ăn vào thức ăn của bé.

Dầu ăn giúp tổng hợp các vitamin

“Mỡ động vật, đặc biệt mỡ gan cá và một số mỡ động vật sống ở biển có nhiều vitamin A, D và axit arachidonic cần thiết cho cơ thể. Trong những năm đầu đời, bé phát triển và tăng trưởng nhanh cả về thể chất và tinh thần. Các thiếu hụt về chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày ảnh hưởng đến chức phận nhiều cơ quan, đặc biệt là cơ quan thần kinh. Do vậy, với bé, khẩu phần ăn cần đảm bảo đủ chất béo.”.

Khi bé bắt đầu ăn dặm, dầu ăn (hoặc mỡ) là thành phần không thể thiếu trong khẩu phần hàng ngày. Chất béo bao gồm dầu, mỡ thuộc nhóm chất dinh dưỡng chính và có vai trò cần thiết với cơ thể, là nguồn sinh năng lượng quan trọng. Đặc biệt chất béo giúp cho sự phát triển sớm về trí tuệ và thể lực của bé. Trong dầu ăn có các axit béo no và không no cần thiết cho quá trình tổng hợp và phát triển của bé. Cơ thể muốn hấp thu và sử dụng tốt các vitamin A, D, E, K, thì cần phải có dầu mỡ.
 
Những bà mẹ đang cho con bú, vì sợ béo, chỉ ăn đồ luộc, không chú ý đến lượng dầu ăn (mỡ) trong khẩu phần ăn hàng ngày. Điều đó sẽ dẫn tới sữa mẹ không có thành phần chất béo. Bé bú sữa cũng không thể hấp thu được hết những chất bổ trong sữa mẹ.
 
Nếu như bé chưa ăn dầu (mỡ) lần nào, trước hết nên tập cho bé làm quen với dầu ăn. Mỗi bữa bạn cho khoảng nửa thìa cà phê dầu ăn vào bột/cháo của bé, theo dõi trong vòng 1 – 2 ngày đầu. Nếu bé đi ngoài bình thường, những bữa sau bạn hoàn toàn có thể yên tâm cho dầu vào bột/cháo của bé. Khi bé đã quen với dầu ăn, bạn có thể tập cho bé ăn mỡ. Cách thức tập ăn mỡ cũng giống như tập cho bé ăn dầu. Tuy nhiên, khi rán mỡ, bạn nên canh chừng. Nếu mỡ nóng chảy ra được chút nào, hãy chắt vào bát cho bé, tránh để mỡ cháy, dẫn tới bị biến chất. Dùng mỡ gà thay cho mỡ lợn sẽ tốt cho bé hơn.


Mẹo nhỏ để bé làm quen với thực phẩm chứa dầu ăn

Mẹ bé Cốm (số nhà 94, ngõ 1, đường Hoàng Quốc Việt) chia sẻ kinh nghiệm dùng dầu trong bữa ăn từ khi bé được 6 tháng tuổi:

Các mẹ không nên cho quá nhiều dầu ăn vào bột/cháo của bé. Nó sẽ khiến bé bị ngấy và không muốn ăn. Mỗi bữa, bạn chỉ nên cho một lượng vừa đủ là 5g dầu ăn (tương đương với 1 thìa cà phê).

Có rất nhiều loại dầu ăn dành cho bé như: dầu oliu, dầu cá hồi, dầu đậu nành, dầu mè, dầu gấc...

Khi cháo/bột cho bé chín, bắc xuống rồi cho dầu ăn, cháo/bột cũng hơi khó ăn. Đặc biệt, một số món ăn (ví dụ như bí đỏ) có thể bị biến vị. Không nên cho dầu ăn trực tiếp vào cháo/bột. Nên dùng dầu ăn xào thức ăn với hành khô, sau đó nấu cháo cho bé. Cháo sẽ thơm ngon hơn và không đậm mùi dầu ăn.

Dầu cá hồi tuy vị hơi tanh nhưng có omega3, rất tốt để phát triển trí thông minh của bé. Nếu bạn cho trực tiếp dầu cá hồi vào cháo/bột sẽ có vị hơi tanh khiến bé không quen ăn. Bạn có thể trộn dầu cá hồi với dầu mè. Mùi dầu mè thơm sẽ át đi mùi tanh của dầu cá hồi. Hoặc bạn có thể dùng nấu rau ngót nấu chung với dầu cá hồi để át đi vị tanh đó.

Khi nấu bột/cháo với thịt, cá, tôm, bạn không nên cho dầu gấc vào. Vị dầu gấc sẽ lấn át hết các vị còn lại trong cháo. Tốt nhất là nên dùng dầu mè.
 
Hiện nay, nhiều bà mẹ nghiền phô mai cho vào bột/cháo của bé thay thế dầu ăn. Điều đó hoàn toàn sai lầm. Vì phô mai chỉ có tác dụng bổ dung canxi và một số dưỡng chất khác chứ không thể thay thế hoàn toàn cho dầu ăn.

Nam Hải (tổng hợp)

Chia sẻ