Đam mê du lịch, bố mẹ đưa con gái đi chơi từ lúc 1 tháng tuổi với bí quyết giúp bé luôn khoẻ và ngoan
Trẻ nhỏ phát triển qua mỗi giai đoạn, vì thế bố mẹ cũng nên "bỏ túi" một số bí quyết để đưa con đi chơi an toàn và vui vẻ.
Cho trẻ đi chơi không chỉ giúp con được khám phá thế giới bên ngoài mà còn là cách để gắn kết tình cảm của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ băn khoăn không biết làm sao để đưa con đi du lịch an toàn, khoẻ mạnh, hãy cùng lắng nghe một số kinh nghiệm của chị Trương Ngọc Anh (sinh năm 1990), hiện đang sống ở Yokohama, Nhật Bản nhé.
"Nhân dịp trải qua gần 1 năm trời bắt đầu từ khi có bé và tinh thần đam mê xê dịch bất khuất nên mình tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm với các bạn chưa có, sẽ có và đang có bé nhé.
Mình sinh bé bên Nhật vào tháng 4 năm 2022. Bắt đầu từ khoảng hơn 1 tháng tuổi (gần 1,5 tháng) là mình cho bé đi vi vu luôn rồi. Có khi đi gần là ra ngoài siêu thị mua đồ, đi lên ga khác chơi hay đi xa hơn (bằng ô tô/tàu) dưới 100km và xa hơn nữa là đi máy bay (Hokkaido). Tạm thời Hokkaido với gần 2h bay là điểm xa nhất bé được đi, Tết âm còn về Việt Nam nữa.
Trộm vía qua mỗi chuyến đi bé đều khá hợp tác, khi về cũng không bị ốm sốt hay xảy ra vấn đề gì. Bé nhà mình hiện giờ là hơn 9 tháng tuổi rồi và mình đã cai sữa từ 7 tháng. Giờ bé ăn dặm ngày 2 bữa và uống sữa", chị Ngọc Anh bật mí.
Kinh nghiệm cho bé sơ sinh đi du lịch
1. Giai đoạn từ 1 tháng - 3 tháng tuổi
Đây là lúc mà như các cụ nói là phải kiêng cữ 3 tháng đầu, thậm chí ít nhất là 6 tháng vì bé còn nhỏ. Thế nhưng mình thấy 6 tháng đầu là thời điểm vàng để cho bé ra ngoài, tiếp xúc không khí và bố mẹ cũng hơi nhàn.
Từ 1 đến 3 tháng quả thực là bé còn non và yếu, hệ miễn dịch cũng như não bộ đang phát triển cần chú ý tránh tổn thương. Vì thế trong giai đoạn này khi muốn đưa bé ra ngoài mình cần chuẩn bị kĩ càng hơn và thời gian ở ngoài hạn chế.
Cụ thể, ban đầu mình cho bé ra ngoài tầm 15 phút khi đầy tháng, rồi lên 30 phút. Địa điểm thì ngay ngoài ban công hay xuống dưới sân. Việc để bé ra ngoài tăng dần thời gian vừa làm bé không thấy sợ, vừa khiến bé được dần tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Nếu ai thích cho bé tắm nắng trong tháng đầu thì nên chọn thời gian trước 7h sáng.
Tiếp đến 1,5 tháng thì bé bắt đầu được đi xa hơn xuống đến Yokohama chơi (cách nhà mình 3 ga) nhưng chỉ đi trong 1 buổi khoảng 3-4 tiếng. Tức là bạn nên cho bé đi chơi với 1 bữa ăn ở ngoài là ổn. Việc cho ăn ở ngoài 1 bữa làm mình rảnh rang hơn và khỏi lo sợ bé đói.
Giai đoạn 1 chỉ đi ngày, không đi qua đêm.
2. Giai đoạn từ 3 tháng - 6 tháng
Đây là lúc tranh thủ đi các bạn à. Nói vậy là vì lúc này bé đã quen với giấc ăn, ngủ, nghỉ và đặc biệt là chỉ uống sữa thôi, rất là nhàn luôn.
Bên cạnh đó trong 6 tháng đầu hệ miễn dịch của trẻ chủ yếu từ sữa mẹ và từ khi còn trong bụng. Nói thế chứ bạn không nên bất chấp hết mà cho bé đi "vạ vật" (lúc bé 5-6 tháng mình đi hơi nhiều).
Giai đoạn này thì ban ngày có nhàn thật nhưng nhiều bé vẫn chưa thể ngủ xuyên đêm. Như bé nhà mình thì đêm vẫn phải dậy ăn sữa khoảng 1-2 lần. Vì thế đi qua đêm được nhưng mình sẽ mệt hơn 1 chút. Khắc phục thì mình chỉ còn cách sắp xếp lịch trình sao cho hợp lý giữa đi chơi và ngủ nghỉ thôi.
Trong khoảng thời gian này, bé Yuna nhà mình đi 2 chuyến xa là Atami 2 ngày 1 đêm (5 tháng) và Hokkaido 5 ngày (gần 6 tháng). Các chuyến đi ban ngày mình vẫn đi chơi và tham gia các hoạt động bình thường nên chiều tối thường về nghỉ sớm (khoảng 16h), đảm bảo cho bé và bản thân được nghỉ ngơi.
Giai đoạn 2 đi chơi, qua đêm thoải mái (tùy bé).
3. Giai đoạn từ 6 tháng - 9 tháng
Đây là lúc bé đã khá lớn, chơi được đủ thứ (dù chủ yếu là bò) nên mình cho bé đi chơi thoải mái hơn. Ngoài những khi đi chơi xa thì hàng tuần mình dành thời gian cho bé đi khu vui chơi của trẻ em ở trong trung tâm thương mại, 1 tuần khoảng 2-3 buổi. Điều này để bé làm quen, quan sát được các bé và anh chị cùng tầm tuổi, chuẩn bị cho bé đi học đỡ bỡ ngỡ.
Trong khoảng này thì bé Yuna nhà mình bắt đầu trong giai đoạn ăn dặm nên thường mình hay cho đi chơi sau bữa ăn dặm buổi trưa để bé ngủ trên xe 1 lúc rồi chiều chơi, ăn xong 1 bữa sữa thì về ăn dặm bữa tối. Hôm nào thích đi qua bữa ăn thì cần cầm theo đồ ăn dặm của bé, xác định đi chơi thì bé sẽ khó ăn được đúng giờ. Bé lớn hơn một chút rồi nên mình không quá khắt khe, miễn đủ bữa ăn dặm (2 bữa) và sữa (3 bữa) là được. Bé chơi đói thì sẽ tăng thêm sữa, ăn vặt cũng là được luôn. Tuyệt đối không bỏ bữa dặm để cho bé quen việc ăn.
Lúc này thì chuyến đi xa của bé là đi trượt tuyết cùng bố mẹ 2 ngày 1 đêm. Di chuyển bằng ô tô với quãng đường khoảng 200km. Lần đầu thấy tuyết và được (địu) trượt tuyết bé không ý kiến gì, chỉ ngồi im cảm nhận thôi.
Giai đoạn 3 đi vừa phải, có thể đi xa nhưng chú ý ăn uống cho bé.
Trên đây là 3 giai đoạn mình rút ra với bé nhà mình. Vậy khi chuẩn bị cho bé đi chơi thì cần những gì? List của mình như sau:
- Bỉm: 5-6 cái khi đi 1 buổi, đi dài ngày thì nên mang dư đi.
- Khăn ướt.
- Sữa: đủ thanh sữa theo cữ (do nhà mình cho uống Meiji). Thời kì cho con bú thì bạn có thể chuẩn bị thêm khăn để che khi cho bé ăn ở nơi công cộng.
- Nước nóng, lạnh để pha sữa.
- Đồ ăn dặm (tự nấu thì để sẵn vào hộp), mình đi chơi thì thường mang các gói ăn dặm cho tiện.
- Thìa, bát ăn dặm.
- Khăn xô 2-3 cái, khăn ăn 2 cái.
- 1 bộ quần áo nếu đi cả ngày.
Đấy là những đồ cơ bản còn tùy thời tiết mà mình mặc đồ cho bé, thêm vào đó là xe đẩy, địu, khăn đắp...
"Tóm lại khi gia đình có thêm 1 thành viên nhí là kéo theo rất nhiều những "trăn trở" cho bố mẹ nhưng không vì thế mà mình trở thành người chỉ biết khư khư ôm con và không dám làm gì. Bạn hãy cứ sống hết mình và cho con trải nghiệm nha. Chúc các bạn và gia đình luôn vui vẻ", chị Ngọc Anh tâm sự.
Độ tuổi phù hợp để cho bé đi du lịch tuỳ thuộc vào quan điểm của từng gia đình. Trong khi nhiều gia đình giữ bé đến khi cứng cáp hẳn mới đi chơi thì một số phụ huynh quyết định cho con đi ra ngoài từ lúc bé mới chào đời. Thời kỳ này đối với trẻ có rất nhiều thay đổi, việc cần làm là thiết lập cho bé một chế độ ăn và ngủ để cả mẹ và bé được nghỉ ngơi.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ sơ sinh khi đi chơi, các ba mẹ nên chuẩn bị thật kĩ càng mọi thứ, từ hành trang đến việc lên kế hoạch, thời điểm du lịch. Bên cạnh đó, nên lưu ý đến sức khoẻ và sự hợp tác từ bé.