Cựu giáo viên trường Chu Văn An: Kỷ luật chính là sức mạnh để dạy con nhưng quan trọng nhất là phải làm con phục
Có rất nhiều điều trong cuộc sống phải dùng kỷ luật, tuy nhiên kỷ luật không khô cứng mà phải làm con phục mới là điều cần hướng tới.
Làm mẹ là thiên chức thiêng liêng và cao quý đối với bất kì người phụ nữ nào. Con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, bởi vậy việc chăm sóc và nuôi dạy tốt các con cũng là một thử thách, động lực đối với các bậc phụ huynh. Và với cô giáo Vũ Thị Hoài Thanh, cựu giáo viên trường THPT Chu Văn An, hiện đang là giáo viên luyện thi môn Ngữ văn tại Hà Nội cũng vậy.
Chị Hoài Thanh hiện đang có 2 bé là Nguyễn Minh Châu (lớp 4) và Nguyễn Hữu An (lớp 2). Là cô giáo đồng thời cũng là một người mẹ, chị Thanh đã có những quan điểm rất riêng trong việc chăm sóc và nuôi dạy các con của mình.
Chú trọng xây dựng tâm hồn trước khi giảng dạy kiến thức cho con
Để trở thành một nhà giáo chân chính, được nhiều học sinh yêu mến, chị Thanh đã dành thời gian để quan sát tâm lý học trò. Theo cựu giáo viên trường Chu Văn An, ở mỗi giai đoạn trẻ sẽ có những tâm lý khác nhau, nếu yêu thương và thấu hiểu thì việc dạy các con cũng sẽ hiệu quả hơn nhiều. Và chị Thanh cũng đã áp dụng điều đó cho việc nuôi dạy con của mình.
''Với các con, mình chú trọng xây dựng tâm hồn trước khi giảng dạy kiến thức. Nhận thức và sự hiểu biết của con sẽ được đặt lên hàng đầu. Mình mong con hướng tới trách nhiệm trước khi kỷ luật, hướng tới văn hoá của gia đình.
Tổ ấm nhỏ hạnh phúc của chị Hoài Thanh.
Trong gia đình mình con cần sống chủ động, có mục tiêu, ưu tiên việc quan trọng hay dừng lại trước một vấn đề để suy nghĩ thấu đáo. Một đứa trẻ thực hành trong hôm nay, ngày mai có thể chưa nhớ, nhưng nếu được dạy bảo mỗi ngày thì các kiến thức đó sẽ trở thành thói quen, dần dần thấm nhuần, tích luỹ và trở thành phản xạ'', chị Thanh tâm sự.
Kỷ luật là sức mạnh nhưng phải làm con phục
Trong quan điểm nuôi dạy con của mình, chị Hoài Thanh chọn cách vừa cứng rắn vừa mềm dẻo. Để con được tự do phát triển nhưng cũng cần cho các bé vào khuôn khổ. Theo bà mẹ 2 con, có rất nhiều điều phải dùng kỷ luật thì con mới phát triển bởi kỷ luật chính là sức mạnh, tuy nhiên kỷ luật không khô cứng mà phải làm con phục mới là điều mà chị và ông xã cùng hướng tới.
''Khi con nhận thức điều con sẽ làm là đúng thì con mới đồng ý trong vui vẻ được. Hành động của con sẽ dựa trên quan điểm nhìn nhận và phân tích giảng giải của chính bé. Bởi vậy, tuỳ từng vấn đề mà mình sẽ chọn cách giảng giải với con. Hiện tại cả 2 bé nhà mình đều rất ngoan, đạt được thành tích xuất sắc và mình vô cùng hài lòng'', chị Thanh cho biết.
Cựu giáo viên trường THPT Chu Văn An cho biết việc nuôi con sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, từ con cái, từ bố mẹ, từ bạn bè, thầy cô và môi trường xung quanh. Thế nên việc trang bị cho con hành trang để bé có cách ứng xử và xử lý trước các tình huống là vô cùng cần thiết.
Về thời gian dành cho các con mỗi ngày, chị Thanh cho biết mỗi tối sẽ dành ít nhất 30 phút đến 1 tiếng để tâm sự với các bé những vấn đề trong cuộc sống mà con đang trải qua. Từ đó nắm bắt, thấu hiểu và định hướng cho con đường đi đúng đắn. Cũng từ những tâm sự này mà mẹ con được trải lòng với nhau và đưa ra cách xử lý cho những vấn đề còn tồn đọng.
''Mình cảm thấy cuộc sống rất công bằng, nếu mình hy sinh, làm việc, cống hiến nhiều thì sẽ nhận lại những giá trị tốt đẹp. Hiện tại mình yêu bản thân đúng cách, tự nâng tầm và chăm sóc sức khoẻ, trau dồi kiến thức để đón nhận những điều tốt đẹp trong tương lai. Mình muốn được truyền năng lượng tích cực đến cho mọi người và cho các bé nhà mình.
Những thử thách của cuộc sống sẽ không phải là áp lực mà là động lực. Những bước đi của bản thân trong hôm nay và ngày mai sẽ quyết định tương lai thế nào, bởi vậy việc cố gắng mỗi ngày luôn là điều cần thiết'', bà mẹ 2 con chia sẻ.