Cùng bé yêu chăm sóc răng miệng

Lan Tường ,
Chia sẻ

Tạo cho trẻ thói quen chăm sóc răng miệng sớm là cách tốt nhất giúp trẻ có được sức khoẻ răng miệng và nụ cười rạng rỡ.

Chọn kem đánh răng cho bé thế nào?

Chiếc răng đầu tiên được mọc từ trong nướu trước khi bé được sinh ra, và chúng bắt đầu mọc lên khi bé được khoảng sáu tháng tuổi, đây là thời điểm mà cha mẹ nên bắt đầu vệ sinh răng miệng cho con. Khi vệ sinh răng miệng cho con ở lứa tuổi này cha mẹ nên dùng những tấm bông gạc dành riêng để vệ sinh răng miệng cho bé.

Có thể cho thêm một chút kem đánh răng loại dành riêng trẻ em. Trước khi chọn mua kem đánh răng cho bé cha mẹ nên đọc thành phần của sản phẩm ngoài vỏ bao bì thật kỹ lưỡng chỉ nên chọn những loại kem có hàm lượng florua dưới 1000 ppm cho những năm đầu đời của bé. Khi bé mọc đủ 20 chiếc răng, tương đương với khoảng năm tuổi, cha mẹ nên chọn loại kem đánh răng có hàm lượng florua từ 1350 - 1500 ppm.

Xây dựng cho bé thói quen đánh răng hai lần một ngày

Cha mẹ nên hình thành thói quen vệ sinh răng miệng cho bé như là một công việc thường ngày. Thời điểm đánh răng tốt nhất cho bé là trước bữa sáng và trước khi đi ngủ.

Hướng dẫn bé đánh răng chuyển động hình vòng tròn. Bạn có thể hướng dẫn trẻ làm điều này rất dễ dàng bằng cách ngồi họăc đứng đằng sau bé, nâng cằm của bé nên trên tay bạn, và giúp bé thực hiện những động tác mẫu rất dễ dàng. Hướng dẫn trẻ xúc miệng thật kỹ để làm sạch hoàn toàn kem đánh răng trong miệng.

Hãy tạo cho trẻ niềm vui trong việc đánh răng

Tạo cho trẻ tính tự giác trong việc chăm sóc răng miệng bằng cách tạo ra những niềm vui và hứng thú trong công việc này thay vì bắt buộc chúng bằng những mệnh lệnh.
 

Hãy cho bé đánh răng trước gương trong nhà tắm và cho chúng nhìn thấy hình ảnh của mình trong gương khi đang đánh răng thú vị như thế nào hoặc bạn có thế cho trẻ thực hành việc đánh răng với cô búp bê đáng yêu mà bé yêu thích, hoặc hát một bài hát về việc đánh răng, chẳng hạn như: "Ê! Cái thằng Tí sún Tí sún . Nhe cái răng nham nhở chổi cùn. Vì nó lười đánh răng sớm tối. Lại ăn kẹo suốt ngày không ngơi. Anh sún ơi! Này nghe chúng tôi: Chăm đánh răng cười trông mới tươi. Răng với tóc là gốc con người. Răng có đẹp thì đời mới vui. Nào có khó gì việc đánh răng. Cầm bàn chải tựa như kéo đàn. Kem rất thơm ngọt đâu có ngán. Chỉ xoẹt xoạt mấy cái là xong". Đồng thời cha mẹ cũng có thể chọn cho trẻ những loại kem đánh răng có hương vị những loại hoa quả mà bé thích ăn như dâu, cam, táo...

Cha mẹ có thể khuyến khích trẻ đánh răng theo cách như sau: Mỗi khi bé đánh răng cha mẹ có thể đề cập hết đến những thức ăn mà con ăn trong ngày, giả bộ như mình nhìn thấy toàn bộ trong miệng của trẻ. Chẳng hạn khi bé chải hàm trên phía bên phải cha mẹ nói: “Ồ mẹ nhìn thấy bún con ăn buổi sáng nè". Khi bé chuyển sang đánh hàm dưới lại nói: "Hay quá mẹ nhìn thấy cơm thịt kho cu Bi ăn buổi trưa nè"... Trẻ sẽ ngỡ những điều cha mẹ nói là thật và cảm thấy rất thú vị mỗi khi đánh răng.

Trẻ thường bắt đầu thay răng khi lên sáu hoặc bảy tuổi, chính vì thế cha mẹ cần hướng dẫn trẻ đánh răng tỉ mỉ cho đến khi trẻ được 7 tuổi. Cha mẹ cũng đừng quên nhắc nhở con cần phải đánh mặt sau của răng và nướu nữa.

Đừng quên khen ngợi con

Hãy nhớ cổ vũ động viên con kèm theo những lời khen ngợi mỗi khi trẻ hoàn thành công việc đánh răng. Một phương pháp hay mà các ông bố bà mẹ thường hay áp dụng đó là mỗi lần bé đánh răng thật sạch xong cha mẹ sẽ tặng con một ngôi sao. Bảng gắn những ngôi sao này nên treo trong phòng bé hoặc trước cửa nhà tắm. Cuối tuần khi trẻ nhận được rất nhiều ngôi sao cha mẹ nên tặng thưởng cho bé một món đồ chơi mà bé thích, cùng đi chơi theo sự lựa chọn của bé hoặc kể thêm một câu chuyện hay trước giờ đi ngủ. Bằng cách này trẻ sẽ đánh răng thật tự giác và cũng thật hào hứng.

Dạy trẻ cách ăn uống để bảo vệ răng miệng

Khi trẻ lên ba, cha mẹ nên dạy trẻ về những tác hại của thức ăn đồ uống có đường đối với răng miệng, nó có thể là nguyên nhân gây sâu răng nếu bé không chịu khó đánh răng.

Trẻ em không nên uống các loại nước có ga trong bữa ăn và chỉ nên uống các loại nước hoa quả đã được pha loãng. Giữa các giờ ăn có thể thêm các đồ ăn khác như snack, bánh mì, phó mát hay hoa quả. Các đồ ăn ngọt, chứa đường chỉ nên ăn sau bữa ăn vì nước miếng có trong miệng có thể bảo vệ được răng.

Hạn chế cho trẻ ăn kẹo mút, kéo que hay kẹo bơ cứng vì những loại kẹo này để lại lượng đường bao phủ răng trong một thời gian dài, sẽ dễ làm hư răng bé. Một thanh kẹo chocolate hay bánh thì tốt hơn, vì đường trong các loại bánh kẹo này tan chảy rất nhanh.

Chia sẻ