Sai lầm của bố mẹ trong chăm sóc răng miệng cho con
Nhiều người vẫn nghĩ việc sâu răng, rụng răng là chuyện bình thường ở trẻ. Nhưng điều đó lại khiến bé có thể bị suy dinh dưỡng.
Mút ti giả làm răng bị hô
Nhiều bố mẹ mặc kệ con mút tay hoặc ngậm ti giả. Vì cho rằng điều này sẽ giúp bé có cảm giác an toàn và tình cảm thoải mái. Nhưng khi bé được 5 tuổi, bé vẫn giữ nguyên thói quen này, khi các răng vĩnh viễn đã bắt đầu mọc, tùy theo mức độ, thói quen này có thể làm cho các răng bị đẩy nhô ra, làm răng hô, lệch hàm trên và dưới...
Hành động mút ngón tay cái như một cơ chế an toàn, phòng thủ trước những hoàn cảnh tiêu cực như bị trách mắng, quở phạt... Hãy giúp bé bằng cách khuyến khích tích cực như khen ngợi, thưởng cho bé.
Cẩn thận với các bệnh răng miệng
Sâu răng do bú bình: Xảy ra khi em bé thường xuyên bú bình với nước có đường (nước trái cây, sữa, các loại nước ngọt...). Khi những chất lỏng hòa tan trong miệng và bám đọng ở đây, các vi khuẩn sẽ sử dụng đường này, bắt đầu gây sâu răng.
Bệnh nha chu ở trẻ em: Viêm nướu, giai đoạn đầu của bệnh nha chu, thường thấy ở trẻ em. Các triệu chứng có thể là: hơi thở hôi liên tục dù đã đánh răng và dùng chỉ nha khoa, tụt nướu răng. Nếu bé có một trong các triệu chứng trên, nên đưa bé đi khám nha sỹ sớm.
Những bệnh răng miệng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng như viêm tủy răng, viêm cuống răng, viêm tấy lan rộng, viêm xương, áp xe hầu, trung thất, viêm khớp.... có thể bị tử vong.
Đừng để mất răng sữa quá sớm
Vì một lý do nào đó, bé bị mất răng sữa quá sớm thì cũng khá nguy hiểm. Răng sữa có vai trò giữ chỗ cho răng vĩnh viễn mọc sau này. Việc mất răng sữa quá sớm tạo ra khoảng không gian trống làm các răng lân cận sẽ chuyển vào.
Răng sâu khiến trẻ suy dinh dưỡng
Nhiều người vẫn nghĩ việc sâu răng, rụng răng là chuyện bình thường ở trẻ. Nếu một trẻ bị sâu răng, sứt mẻ răng sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhai làm trẻ nhai không được kỹ, khiến cơ thể không thể hấp thụ hết chất dinh dưỡng, dẫn đến suy dinh dưỡng.
Một số thói quen sai trong chăm sóc răng miệng ở trẻ cần phải được thay đổi, chẳng hạn như bàn chải răng không đúng cách và qua loa. Bàn chải răng không đúng tiêu chuẩn làm hỏng men răng. Xỉa răng sau bữa ăn bằng tăm cứng làm rộng khe răng và làm sứt men răng.
Cho bé đi khám răng thường xuyên
Bố mẹ nên chăm sóc răng cho trẻ em nên bắt đầu ngay cả trước khi bé mọc răng sữa. Đối với trẻ sơ sinh đến chập chững, không cho bé liên tục ngậm các bình chứa nước uống có đường. Thay vào đó, hãy cho bé nước lọc, núm vú giả.
Không cho phép bé bú liên tục trong đêm khi ngủ, vì sữa mẹ cũng có thể gây sâu răng. Khi răng sữa còn chưa mọc, chúng ta cần phải dùng gạc mềm để lau sạch nướu răng cho bé. Khi bé tròn một tuổi, nên bắt đầu cho bé khám nha sỹ. Đây cũng là lứa tuổi nên cho bé tập sử dụng bàn chải đánh răng và dạy con bạn uống nước bằng ly thay bình nước.
Các bậc phu huynh nên giúp bé sớm có ý thức về tầm quan trọng của thói quen chăm sóc răng miệng. Điều quan trọng nhất là bé phải biết tự đánh răng đúng cách và biết dùng chỉ nha khoa. Hãy khuyến khích bé đánh sạch răng sau mỗi bữa ăn, vì thực phẩm ở trên răng càng lâu thì càng tạo điều kiện cho các acid tấn công và tăng cơ hội hình thành lớp mảng bám.
Bảo Châu