Ngày cùng con đi xét nghiệm HIV, mẹ đã chuẩn bị tâm lý cho một tình yêu đau khổ. Con chỉ mắc một số bệnh thông thường nhưng đến bệnh viện khám, bác sĩ lại đề nghị con đi xét nghiệm HIV. Tim mẹ thắt lại. Con đã có một thời gian dài ngập ngụa trong ma túy. Hai chữ “dương tính” cứ ám ảnh trong đầu mẹ.
Rồi một ngày, cả nhà mình đón nhận tin sét đánh. Bước ra khỏi phòng nhận kết quả xét nghiệm, con và mẹ không dám bước xuống cầu thang. Biết bao hiểm trở, biết bao ánh mắt nghi ngại, biết bao lời cay nghiệt của cuộc đời sẽ ập đến ngay khi con bước xuống bậc cuối cùng của cầu thang ấy. Mẹ ôm chặt con, không nói.
Con lại đang mang trong người một mầm sống mới. May mắn, thằng bé sinh ra bụ bẫm, cứng cáp, và điều quan trọng nhất: con trai con “âm tính” với HIV. Sinh được năm tháng, con gửi con trai cho mẹ để vào trường cai nghiện. Dù là tự nguyện, con vẫn khóc đòi về mỗi khi mẹ đến thăm. Nước mắt con ướt đẫm tấm hình thằng bé đang tập tễnh bò.
Gần hết hạn ra trường, con bất ngờ bị bệnh lao não (cũng có nguyên do từ HIV). Nhận được tin báo, mẹ bỏ mâm xôi đang bán chạy vù vào bệnh viện. Con nằm đó. Mái tóc dài mượt xõa trên băng ca, bàn tay vẫn nuột nà, nước da trắng mịn. Con vẫn đẹp như thời nào từng là hoa khôi của trường cấp III. Mẹ đến, gọi tên, mắt con vẫn mở to, vô thức.
Dốc sức chăm lo, kéo con về từ cõi chết, mẹ như thêm một lần nữa sinh ra con. Nợ nần chồng chất, mẹ đã bán nhà, mua lại căn nhà nhỏ hơn. Ngày dời nhà, con lặng đi vì mặc cảm tội lỗi, mẹ vỗ về: “Miễn sao con ráng giữ mình, sống tốt và khỏe mạnh là mẹ vui rồi. Đợi khi khoa học tiến bộ, bào chế ra loại thuốc trị dứt bệnh của con, dù mẹ có bán nhà để có tiền mua thuốc, mẹ cũng sẵn sàng đổi”. Có mặt con, mẹ cố gắng mạnh mẽ, vô tư nhưng không ngăn được những lúc chạnh lòng. Hôm mẹ đi dự đám cưới con người bạn, khi nâng ly chúc tụng cô dâu chú rể, tự nhiên mắt mẹ đỏ hoe. Chị ngồi gần buột miệng nói: “Bà buồn chuyện con gái chứ gì!”.
Từ lời khuyên nhủ, động viên của mẹ, con biết quan tâm sức khỏe của mình hơn. Mẹ nhường thức ăn bổ dưỡng cho con, nhắc nhở con uống thuốc. Con bắt đầu tích cực tham gia công tác xã hội (các câu lạc bộ Đồng cảm), giúp được nhiều người khác. Mẹ thích nhất là sau mỗi chuyến công tác tỉnh, mỗi lần được tuyên dương, con về thuật lại cho mẹ nghe. Nhìn những tấm hình con đang tập huấn về luật, về kỹ năng phòng chống lây nhiễm HIV… cho hàng trăm người, mẹ nhớ lại hình ảnh đối chọi ngày xưa khi con trong cơn vật vã. Trước kia, con chỉ có mỗi niềm vui là được các chàng trai săn đón, đưa đi mua sắm, ăn chơi; còn giờ đây, niềm vui ấy đã chuyển hướng. Có thể là con giúp chị A được lãnh thuốc uống, giúp em B được gia đình cho nhập lại hộ khẩu sau khi “tốt nghiệp” ở trường cai nghiện về, giúp anh C đòi quyền được yêu và kết hôn, giải thích để gia đình bạn D không mắng mỏ, đánh đập hay tiết lộ việc bạn bị nhiễm HIV cho nhiều người biết…
Có người hỏi bằng cách nào mẹ đã vượt qua sự kỳ thị với con, mẹ thản nhiên trả lời “bằng tình thương và kiến thức”. Mẹ đọc sách, xem tivi, tham gia câu lạc bộ Lá chắn để hiểu đúng về tính chất lây truyền bệnh. Trong sinh hoạt gia đình, con vẫn dùng chung ly uống nước, chén đũa với cả nhà (miễn không để tiếp xúc qua đường máu với nhau). Thấy gia đình nào có tình trạng ngược đãi, mẹ mạnh dạn tìm cách làm quen, nhỏ nhẹ khuyên răn hoặc nhờ con can thiệp để “giải vây”. Mỗi khi gặp chuyện buồn vui, mẹ không ngần ngại ôm hôn con gái để chia sẻ, tâm sự. Mẹ biết tinh thần lạc quan cần thiết với con biết nhường nào. Xúc phạm, xa lánh là chính cha mẹ đã giết con chứ không phải con virus ác nghiệt đó. Một lời nói thiếu tế nhị, một thái độ hắt hủi, có thể khiến con lạc lối trong đời. Con thường khoe với những người bạn đồng cảnh ngộ rằng con may mắn có mẹ, có tình yêu vô bờ của mẹ. Nhưng, chính con và sự mạnh mẽ của con đã giúp mẹ đứng vững.