Con cố tình nôn ọe để đòi Ipad
Khóc lóc, ăn vạ là cách mà rất nhiều bé áp dụng để đòi hỏi, vòi vĩnh cha mẹ đáp ứng yêu cầu của mình. Không ít bố mẹ vì sợ con khóc, nôn ọe, nên “đầu hàng” cho xong chuyện, khiến bé có thói quen xấu, muốn gì được nấy.
Mệt mỏi vì càng lớn, con càng giỏi ăn vạ
Nhìn con khôn lớn mỗi ngày, chị Thùy Linh (Đống Đa, Hà Nội) hạnh phúc lắm thế nhưng chị nhận ra một điều, càng lớn Bon Bon càng hay ăn vạ. 4 tuổi, biết được ông bà bố mẹ cưng chiều, Bon rất hay đòi hỏi, nếu không được đáp ứng, thể nào bé cũng khóc lóc, ăn vạ.
Nhiều khi đi làm về mệt mỏi, con lại hết đòi cái này đến đòi thứ kia, chị buồn bực vô cùng. Điển hình là chuyện con đòi Ipad để chơi điện tử. Cũng tại chồng chị, một lần dỗ con ăn hết cháo, anh lôi máy tính ra để dụ thế là lúc nào nó cũng giãy đòi chơi cho bằng được. Không cho chơi, Bon sẽ dậm chân, nằm lăn ra đùng ra đất giãy giụa, gào khóc đến tím tái rồi phun tồng tộc hết thức ăn, khi thấy bố mẹ xuống nước, đáp ứng đúng nhu cầu mới phụng phịu đứng dậy.
Chị chia sẻ: “Nhiều bà mẹ cũng khuyên mình rằng cứ kệ cho con ăn vạ, thế nhưng làm sao mà chịu nổi khi con khóc ngất đi như thế, rồi ăn bao nhiều phun hết ra, mình nhìn thôi đã thấy sợ rồi”.
Nhất là cứ đến lúc ăn, vừa ăn bé phải đòi lấy hết cái này đến cái khác, thậm chí đưa cho bé rồi mà bé vẫn dấm dứt khóc lóc, đòi cái khác. Mệt mỏi, bất lực vì con, mấy lần chị toan đánh con thì chồng chị lại ra can. Chẳng ai chịu ai, vợ chồng chị suốt ngày hục hặc vì chuyện dạy con như thế.
Nhà chị Hằng – anh Quyết (Trung Liệt, Hà Nội) rất yêu thương nhưng tôn chỉ của anh chị luôn là cưng chiều con có mức độ. Ngay từ hồi mới sinh Cún, anh chị rất hay tìm hiểu về cách nuôi dạy con. Thế nhưng càng lớn, Cún càng khó chiều. Cún hay vòi vĩnh, ăn vạ để được thứ bé muốn, khiến vợ chồng anh chị rất đau đầu và mệt mỏi.
Không vừa lòng là bé dậm chân, gào khóc... (Ảnh minh họa)
Điển hình là chuyện mè nheo mẹ, buổi sáng trước khi đi làm hay lúc mẹ đi làm về là bé đòi mẹ phải bế. Phân tích, giảng giải thế nào bé cũng nhất quyết bám chặt lấy chân chị Hằng không cho đi đâu kể cả đi vệ sinh. Thế là, sáng thì chị phải đi sớm hẳn trước khi bé dậy còn tối thì chị buộc lòng phải chờ tới khi Cún ngủ chị mới có thời gian tắm giặt, chăm sóc gia đình, bản thân.
Biết rằng chiều theo ý sẽ khiến bé càng được nước lấn tới, thời gian đầu anh chị cũng cố mặc kệ cho bé khóc lóc, nhất quyết không đáp ứng yêu cầu không hợp lý của con. Thậm chị anh chị còn phạt con ngồi vào “ghế hư”. Thế nhưng nhìn cảnh con khóc lóc khiến tay chân lạnh ngắt, quằn quại dưới sàn nhà khiến anh chị hoảng, không dám làm căng.
Dạy con bằng "thần kinh thép mặc kệ nó"
Cha mẹ luôn là tấm gương để bé noi theo, vì thế cách cư xử của cha mẹ trong cuộc sống sẽ có tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách ở trẻ. Trước khi trách mắng con, bạn nên tự hỏi rằng trong gia đình có bao giờ xảy ra to tiếng cãi vã nhau trước mặt con không?
Nếu có thì việc con hay ăn vạ, cáu giận là điều không quá khó hiểu. Bạn nên hiểu rằng, trẻ con học tập người lớn rất nhanh, vì thế, cha mẹ nên làm gương, tuyệt đối tránh những xung đột dù nhỏ giữa các thành viên trong gia đình trước mặt bé.
Khi con hay mè nheo, ăn vạ, quấy khóc, cha mẹ nên giữ bình tĩnh và cố gắng kiềm chế cơn cáu giận của mình. Ngoài ra, sự bình tĩnh, nhẹ nhàng của bạn còn giúp trẻ nhanh chóng dịu đi cơn cáu giận và qua đó, trẻ có thể học được cách kiềm chế bản thân.
Khi thấy bé bắt đầu quấy khóc, bạn có thể đánh lạc hướng con, cha mẹ hãy dùng khả năng hài hước hoặc những trò giải trí để giúp bé quên đi cơn ăn vạ.
Lắng nghe dường như luôn có tác dụng rất tốt với trẻ con đặc biệt trong tình huống này. Cha mẹ nên chịu khó tâm sự với con mình và giúp con giải tỏa những khúc mắc cá nhân. Đây là cách tốt nhất để dạy bé học cách điều hòa cảm xúc.
Chị Quế Thu (Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội) chia sẻ cách trị thói ăn vạ của bé Sóc nhà chị. Sóc rất đành hanh, biết được người lớn chiều nên được thể lấn tới. Nhiều khi ngoài khóc bé còn đập tay, tập chân, thậm chí đập cả đầu xuống nền nhà, rồi cố tình ho rồi ọe ra cho bằng hết cơm cháo…
Nhiều khi xót con và không muốn công toi công xúc cơm cho con cả giờ nên anh chị đành chiều con cho xong.
Nhiều lúc sẵn cơn bực mình mà Sóc hư chị sẵn sàng cho con ăn roi. Nhưng chị nhận thấy, đánh bé chứng tỏ mình đang bất lực với con. Sau khi nghiên cứu nhiều cách, chị áp dụng cách “làm lơ” và thấy rất hiệu quả. “Các mẹ cần phải có thần kinh thép, sẵn sàng nhìn con nôn trớ, khóc thét, mặc kệ, đảm bảo sau vài lần con sẽ hết sạch thói xấu này”.
Tuy nhiên chị nhấn mạnh, làm lơ không có nghĩa mình bỏ qua hành động xấu này của con. Sau khi bé đã bình tĩnh, chị sẽ nói chuyện với con để xem con có khúc mắc gì, chị phân tích cho con hiểu hành động ăn vạ là không hay ho chút nào.
Nhiều bé học tính đố kỵ từ chính cha mẹ của mình.