Con bước vào giai đoạn khủng hoảng, mẹ áp dụng 6 cách theo phương châm "Kiên nhẫn, nhìn con sửa mình"
Nhờ sự kiên nhẫn, bình tĩnh và cả "chấp nhận" từ mẹ mà em bé đã vượt qua thời kỳ khủng hoảng tuổi nhanh chóng.
Các phụ huynh tâm sự "Khủng hoảng tuổi" là một giai đoạn cực kỳ đau đầu. Em bé của bạn đang từ một đứa trẻ ngoan ngoãn, gọi dạ bảo vâng, bỗng nhiên một ngày không nghe lời mẹ, thậm chí còn chống trả với thái độ quyết liệt. Hẳn người mẹ nào cũng "sốc" trước biểu hiện ấy.
Chị Nguyễn Nhung, mẹ em bé Gấu (sống tại Hà Nội) cũng đã trải qua thời gian đó. Thời kỳ ẩm ương của cậu nhóc lên 2 khiến cả nhà xoay như chong chóng. Vào thời điểm đó, em bé Gấu có tần suất nói "không" tăng vọt, ghét cũng "không" mà thích cũng "không". Mẹ bảo làm gì bé cũng không chịu, từ đi tắm, ăn uống, mặc quần áo... con đều nhất quyết từ chối.
"Nhưng bão tố thật sự khi con bắt đầu quát và đánh khi không đồng ý, tỏ thái độ rất rõ ràng. Và tần suất đánh anh chị, đánh mẹ, và bất cứ ai trái ý tăng lên. Con đẩy và đánh, đánh như kiểu để hả cơn giận", chị Nhung nhớ lại.
Và chị Nhung quyết định sẽ cùng con vượt qua giai đoạn này, bằng cách thay đổi chính từ bản thân mình, cùng với đó là kết hợp với cô giáo chủ nhiệm của con. Sau một thời gian áp dụng, bé đã kìm chế cảm xúc tốt, bình tĩnh hơn và tần suất phản kháng bạo lực giảm 90%. Ở độ tuổi của Gấu chắc nhiều mẹ gặp phải tình huống như vậy, và giải pháp là gì?
Giải pháp 1: CÙNG CON ĐI QUA GIÔNG BÃO
Thời điểm này bố mẹ cần quan sát và bình tĩnh, nhẫn nại với con. Khi con đánh không phải con "hư" chỉ là con đang rất khó chịu, em bé của chúng ta tốc độ phát triển não rất nhanh và mạnh, có những điều không biết nói thế nào cho mẹ hiểu. Con nhận ra à đánh nhanh hơn nói, đánh cũng hay vì mỗi lần đánh mọi người lại thay đổi sắc mặt kể cũng vui, sau thử nghiệm tiếp. Đánh là cách nhanh nhất để người khác chú ý đến mình, đáp ứng yêu cầu của mình. Vậy nên việc của bố mẹ là kiên nhẫn đồng hành cùng con, hiểu rõ vấn đề và thông cảm vì con đang rất khó chịu và khó giải toả được những thứ bên trong. Mẹ Gấu cũng khá lo lắng dù đọc nhiều sách, và vẫn kiên nhẫn quan sát, nhẹ nhàng nói chuyện với con.
Giải pháp 2: GỌI TÊN CẢM XÚC
Mỗi lần Gấu cáu gắt hay đánh anh chị, mẹ thường ôm Gấu và nhẹ nhàng nói Gấu bình tĩnh lại, sau đó sẽ nói chuyện vơi Gấu "Con muốn mượn đồ của chị, chị không đồng ý con buồn, con khó chịu phải không? Nhưng Gấu làm chị đau chị cũng buồn lắm, Gấu xin lỗi hỏi chị có đau không?". Tất nhiên đừng mong bạn ý hợp tác nhé! Không xin lỗi là bình thường, lầy lội lên cao thì bất chấp, lúc đó mẹ hãy chân thành xin lỗi chị để Gấu nhìn, sau đó hỏi han chị. Hãy bỏ qua chuyện đó, chọn 1 thời điểm bạn ý bình tĩnh hẳn rồi tỉ tê, nói lời tích cực và đừng nhắc sâu vào lỗi lầm của con. Ví dụ Gấu yêu chị Bông, nên mình chỉ nói chuyện thôi Gấu nhé, nhẹ nhàng thôi, chỉ cần con nói chị mới hiểu con muốn gì, nên Gấu bình tĩnh nhé...
Giải pháp 3: BƠ ĐI
Đôi lúc tình huống không nghiêm trọng thì bố mẹ hãy bình tĩnh bơ đi nhé, đừng quá chú trọng vào việc con làm. Thản nhiên rồi giông tố sẽ qua.
Giải pháp 4: CẢ NHÀ ĐỒNG LÒNG
Các mẹ hãy cố gắng giải thích hành động của con cho những người xung quanh để mọi người hiểu đó là giai đoạn rồi cũng sẽ qua, đừng vội quy kết con hư, phạt hay đánh con. Càng làm vậy thì giai đoạn bão tố đấy càng kéo dài, cộng thêm tổn thương về tinh thần. Đơn giản là đừng quy kết, chụp mũ trẻ. Rồi sẽ qua nhanh thôi.
Giải pháp 5: HẠN CHẾ NÓI TỪ "KHÔNG" ĐỂ NGĂN CẢN TRẺ
Dùng lời lẽ tích cực để con trải nghiệm, chỉ can thiệp, ngăn cản nếu điều đó gây nguy hiểm cho trẻ.
Giải pháp 6: LÀM SAO KHI TRẺ NÓI "KHÔNG"
Gấu từ chối và trả lời "không" với tất cả tình huống, nên mẹ sẽ thay đổi cách nói chuyện, ví dụ Gấu làm đổ nước, mẹ nói Gấu lau nhưng con trả lời "KHÔNG" rất rõ ràng dứt khoát, sau đó đi thẳng. Nếu Gấu chưa sẵn sàng mẹ không nói thêm. Chờ bạn ý chơi 1 lúc mẹ giả vờ: Gấu ơi, sàn nhà ướt này, Gấu lấy khăn lau nhé. Và con ngoan ngoãn đi lau nhà. Vậy nên thay đổi lời nói, cho trẻ thêm thời gian. Vừa không ép buộc, vừa vui vẻ mà vẫn đạt được mục đích.
Giông tố rồi sẽ qua, chỉ cần bố mẹ hiểu và cùng con vượt qua đúng cách, tất cả sẽ ổn. Làm cha mẹ nhất đinh phải "KIÊN NHẪN" đồng hành cùng con. Giúp con cân bằng sự phát triển bên trong và bên ngoài, và những em bé như vậy chứng tỏ bé đang phát triển rất tốt, nên bố mẹ đừng lo lắng nhé! Giông bão sẽ qua và ngày nắng ấm lại tới! Chỉ cần yêu, hiểu và tôn trọng con! Chúc bố mẹ thành công.
Đó là những tâm sự và chia sẻ của chị Nhung, hy vọng sẽ có ích với các bố mẹ trên hành trình nuôi dạy và chăm sóc con nhé.