Có thương thì mới… đánh con

,
Chia sẻ

Bố Kem nổi tiếng trong cả khu tập thể vì chuyện đánh con “thô bạo”. Bé Kem mới học lớp 1, tập viết chữ xấu. Bố đánh mấy roi vào tay, bao giờ viết đẹp thì thôi.

Bố Kem nổi tiếng trong cả khu tập thể vì chuyện đánh con “thô bạo”. Bé Kem mới học lớp 1, tập viết chữ xấu. Bố đánh mấy roi vào tay, bao giờ viết đẹp thì thôi. Không nghe lời mẹ dặn, chơi buổi chiều quá giờ, không chịu về tắm, đánh một roi trước khi ăn cơm.

Bố Kem đánh con khi con phạm bất kỳ lỗi gì. Ban đầu, Kem khóc thút thít, sợ hãi. Nhưng dần dần, bị đánh nhiều, Kem bắt đầu thay đổi. Một là cắn răng chịu đòn, không khóc, mặc cho bố đánh bao nhiêu thì đánh, rồi nhìn bố với anh mắt hằn học đầy “căm thù”. Hai là chỉ cần nhìn thấy roi của bố giơ lên, bé hét thật to hết mức có thể để hàng xóm xung quanh chạy vào can ngăn.

Bác tổ trưởng tổ dân phố nhiều lần can thiệp, nhắc nhở bố mẹ Kem về chuyện đánh con, bố Kem phân trần: “Tôi đánh vì thương con. Thằng bé quá ương bướng, tôi dạy bằng lời không được, phải nhờ roi. Hồi nhỏ, tôi cũng bị đánh suốt có sao đâu”.

Bây giờ Kem đã chuẩn bị lên lớp 5. Bố mẹ vẫn hy vọng đánh Kem để Kem sợ và chừa, lần sau không bướng, không làm như thế. Nhưng khổ nỗi, càng ngày, Kem càng lỳ đon và phản ứng dữ dội hơn. Bố mẹ Kem đành phải bất lực trước thái độ của con.
 
Đâu cần dùng roi để dạy con?

Chuyện đánh con không phải là chuyện hiếm. Bố mẹ nào bực mình con hư mà chả cầm roi dọa nạt rồi đánh con dăm ba cái. Nhưng đánh con một cách thô bạo, áp dụng  một cách triệt để: “Thương cho đòn cho vọt” là không nên tí nào.

Một số kết quả khảo sát cho thấy, 70% các trẻ bị bố mẹ đánh đòn dữ dội đến năm 13 – 14 tuổi sẽ có những phản ứng xấu như học kém, muốn bỏ học, nganng bướng và lỳ lợm.
 
Có thể dùng các hình phạt thay cho việc đánh con

Rất nhiều phụ huynh phản đối chuyện không được đánh con. Nhiều người còn dẫn chuyện mình hồi nhỏ bị bố mẹ đánh có sao đâu. Đánh đau mới nên người như bây giờ. Thực tế, trong mọi trường hợp, đánh con vẫn chứa đựng nhiều sự bất lực của cha mẹ, khi không biết làm cách gì tốt hơn.

Đánh con một lần, dù ít dù nhiều, nhưng đều gây những thương tổn cho trẻ mà bố mẹ ít khi nhận ra. Đương nhiên, bố mẹ vẫn cần nhiều biện pháp để phạt bé nhưng không có nghĩa là lúc nào cũng cần dùng đến roi.

Có rất nhiều cách phạt con mà không cần dùng đến roi vọt, vẫn khiến con nhận ra lỗi lầm của mình. Chị Kim Dung (nhân viên Viettel) chia sẻ: “Mình chưa đánh bất kỳ đứa con nào. Cũng có lúc bé lì lắm, mình tức giận nhưng phải cố nén.

Trong gia đình, có những điều luật riêng bố mẹ và con tự đặt ra. Tôi cho phép bé tự đưa ra hình phạt, nếu con sai, con sẽ chịu phạt thế nào. Hình phạt sẽ là không đi chơi chủ nhật, không xuống nhà bà ngoại, không được đi ăn KFC. Những bé lớn hơn sẽ không được xem phim hoạt hình, úp mặt vào tường, viết bản kiểm điểm. Bố mẹ chỉ cần lấy những việc mà bé thích ra để làm hình phạt là ổn.

Hãy cố gắng kiềm chế mình, không cần dùng đến roi vọt để dạy dỗ con, dễ làm tổn thương bé”.
 
Việc đánh con còn thể hiện sự bất lực của bố mẹ không thể làm khác với con ngoài dùng đòn roi. Nó còn làm bố mẹ và con xa cách nhau thêm rất nhiều. Không nên đánh con, mà chỉ răn đe, bố mẹ nhé!
 
Kitty
Chia sẻ