Có nên để ông bà chăm sóc cháu để đi làm xa hay không?

Thảo Hương,
Chia sẻ

Theo quan điểm của Sofia, bố mẹ phải là người đóng vai trò chính trong việc chăm sóc và nuôi dạy con cái.

Vì nhiều lý do mà một số gia đình buộc phải nhờ ông bà hoặc người thân chăm sóc con cái để đi làm xa. Tuy nhiên vấn đề này vẫn gây ra nhiều tranh cãi. Một số người cho rằng các bé cần sự yêu thương, quan tâm từ bố mẹ, một số khác lại cho biết cha mẹ cần kiếm tiền nên khó có thể chăm con được, nên nhờ hỗ trợ từ mọi người. 

Bố mẹ là quan trọng nhất đối với con cái

Chia sẻ về điều này, Sofia (29 tuổi, quốc tịch Ukraine), vợ của anh Phan Vũ Sơn (hiện 31 tuổi, quê gốc Nam Định, sinh ra tại Ukraine) quan điểm con cái cần được ở bên những người quan trọng nhất, gây ảnh hưởng lớn cho tuổi thơ của con. Đó chính là bố mẹ. 

Quyết định vượt 8000km về làm dâu Việt, Sofia và Vũ Sơn có với nhau một em bé xinh xắn là Alisa (21 tháng tuổi). Cặp đôi hiện đang sống tại Việt Nam để trải nghiệm cuộc sống và thử sức mình. Dù có nhiều khác biệt trong văn hoá và lối sống nhưng Sofia cũng dần thích nghi với cuộc sống làm mẹ ở đất nước xa lạ. 

"Sự khác biệt chính giữa việc làm mẹ ở Việt Nam và Ukraina là ở Việt Nam khi sinh con thì bố mẹ trẻ sẽ thường nhờ ông bà bên nội hỗ trợ chăm cháu hoặc dạy dỗ. Thậm chí nhiều gia đình Việt Nam còn để lại cháu cho ông bà trông cả ngày để đi làm việc. 

Theo Sofia, cha mẹ nên là người chăm sóc trẻ chính chứ không nên phụ thuộc hết vào ông bà.

Ở Ukraina thì khác, ông bà nội ngoại thỉnh thoảng sẽ tới chơi hoặc nếu bố mẹ có việc bận thì ông bà có thể trông cháu hộ nhưng không sống cùng nhà với cháu. Trường hợp nhà mình thì khác một chút. Vì là một gia đình quốc tế nên lúc đầu bà nội sống cùng và hỗ trợ chăm sóc cháu. Sau vài tháng mình hồi phục sau khi đẻ rồi thì bà nội lại về với ông nội, thỉnh thoảng ông bà vẫn tới chơi và trông cháu. 

Mình thấy phương án này là lý tưởng nhất, vì giai đoạn khi người mẹ mới sinh là khó khăn nhất, cơ thể chưa hồi phục sau sinh nên sự giúp đỡ của bà nội là rất quan trọng. Nhưng thời gian còn lại thì bố mẹ vẫn phải tự sắp xếp thời gian của mình và chăm sóc con cái", Sofia tâm sự. 

Việc có con cũng đã nằm trong kế hoạch của hai vợ chồng khi đã ổn định về mặt tài chính lẫn kinh tế. Cô bé Alisa sở hữu ngoại hình xinh xắn, đáng yêu và hiện đang theo học tại một trường song ngữ. Dù khác biệt về văn hoá là thế nhưng về vấn đề giáo dục con cái, cả 2 đều có chung quan điểm. Sofia và Vũ Sơn cùng chọn ra những gì tốt nhất của 2 văn hóa để dạy dỗ bé Alisa. 

Lợi ích khi sống với ông bà

Không thể phủ nhận rằng sống chung với ông bà, bố mẹ có nhiều thuận lợi như:

- Tiết kiệm nhiều chi phí (so với việc ở riêng nhưng vẫn phải biếu tiền sinh hoạt hàng tháng).

- Có được cảm giác an tâm hơn so với cho con đi nhà trẻ sớm hoặc thuê giúp việc.

- Tập trung cho công việc tốt hơn khi đã có ông bà chăm sóc cháu.

- Hai vợ chồng có nhiều thời gian cho nhau nhiều hơn.

- Trẻ có cảm giác được chở che nhiều hơn (do ông bà chiều hơn bố mẹ).

- Trẻ học được thói quen, tính cách tốt từ ông bà (nếu ông bà mẫu mực, có nhiều thói quen tốt).

Bất cập khi để ông bà chăm sóc cháu

Tuy nhiên, không thể phủ nhận khoảng cách giữa hai thế hệ dẫn đến nhiều mâu thuẫn trong cách dạy con. Một vài bất cập là:

- Trẻ bối rối vì không biết theo ai. Bố mẹ dạy một đằng, ông bà dạy một kiểu.

- Ông bà thường can thiệp vào cách dạy con của bố mẹ. Một số ông bà cổ hủ, khăng khăng áp dụng các kinh nghiệm lỗi thời, mẹo chăm sóc trẻ bằng các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc hoặc những phương pháp dạy trẻ thiếu khoa học.

- Ông bà thường có xu hướng chiều chuộng cháu quá mức. Điều này khiến trẻ nảy sinh những tính cách và thói quen xấu.

- Dễ sứt mẻ tình cảm giữa hai thế hệ. Ông bà chăm cháu không tốt, không đúng cách bố mẹ muốn, điều này dễ nảy sinh mâu thuẫn, cãi vã khiến ông bà tự ái, bố mẹ buồn phiền.

Vậy nên làm thế nào khi sống cùng ông bà? 

Dưới đây là một vài gợi ý mang tính chủ quan của mình và từ việc học hỏi bạn bè đang sống cùng bố mẹ (bố mẹ ruột/ bố mẹ chồng) mà vẫn hòa thuận, êm ấm.

1. Không phó mặc con cái hoàn toàn vào ông bà

Ông bà chỉ đóng vai trò phụ giúp, chăm lo ăn uống, giúp đỡ phần nào trong việc chăm sóc trẻ. Bố mẹ vẫn là người có trách nhiệm hàng đầu đối với con. Trẻ luôn là tờ giấy trắng ''hấp thụ'' những tác động tiêu cực lẫn tích cực từ lời nói, hành vi, năng lượng của người chăm sóc hàng ngày.

2. Trò chuyện với ông bà về quan điểm nuôi dạy con và kiên định giữ vững lập trường

Tốt nhất là nên có một cuộc họp gia đình để bố mẹ chia sẻ quan điểm nuôi dạy con của ông bà. Nếu không, bạn có thể tìm cách để trò chuyện với ông hoặc bà, với người nào có tâm thế cởi mở hơn trong nuôi dạy trẻ.

3. Điều bố mẹ cần có

- Có thu nhập tốt và đảm bảo điều kiện chăm sóc trẻ cơ bản nhất.

- Đọc sách, học các khóa nuôi dạy trẻ và cho ông bà biết bản thân có đầu tư thời gian, công sức để làm cha mẹ tốt. Hoặc nếu được có thể cho ông/ bà tham gia cùng các lớp học này.

Chia sẻ