Chuyên gia lên tiếng về việc cho con đi nhà trẻ sớm khiến trẻ hung hăng, thụ động
Trên thực tế, không có một nghiên cứu nào chỉ ra độ tuổi chính xác bố mẹ cho trẻ đi nhà trẻ là 1, 2 hay 3 tuổi.
Đi nhà trẻ sớm khiến trẻ hung hăng?
Gần đây, có ý kiến cho rằng việc gửi trẻ đi nhà trẻ sớm trước 2 tuổi sẽ khiến "sản sinh hocmon stress cortisol ảnh hưởng đến sự phát triển tối ưu của trẻ". Quan điểm này đã lược trích một vài ý trong cuốn sách Parenting for a peaceful world (tạm dịch: Làm bố mẹ vì một thế giới hòa bình), trong đó nhấn mạnh đến ý: Dường như, bé nào ở nhà trẻ càng nhiều, thì lại càng có khuynh hướng trở thành những em bé hung hăng, dễ gây sự, có thể có thái độ xấu đi, mức độ căng thẳng cao hơn.
Trong điều kiện xã hội hiện nay, rất nhiều gia đình phải gửi con đi học từ trước 2 tuổi. Chính vì vậy, thông tin này đã khiến nhiều cha mẹ thực sự hoang mang, lo lắng, thậm chí có mẹ còn sợ rằng việc mình cho con đi học sớm có thể bị mọi người "sỉ vả".
Theo báo cáo của Gs.Bs. Anna, chuyên gia tâm lý trẻ em 29 năm tại Santa-Fe, Mỹ, chưa có độ tuổi tốt nhất cho bé đi nhà trẻ, tùy thuộc vào từng địa phương, tính chất công việc và sự phát triển của trẻ mà điều chỉnh độ tuổi cho trẻ đi học phù hợp.
Ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp... việc cho trẻ đi nhà trẻ, mẫu giáo cũng không có quy định cố định nào về độ tuổi.
Hoa Kỳ: Tối thiểu là trẻ em 6 tuần tuổi. Nghĩa là em bé được 1 tháng rưỡi đã có thể đi học mẫu giáo. Nhà trẻ tư (daycare) còn nhận trông trẻ từ 2 tuần tuổi.
Anh: Trẻ em lên 4 tuổi có thể đi học mầm non, 6 tuổi bắt đầu đi học tiểu học. Các trường mẫu giáo tư nhân có thể nhận trẻ bất cứ lúc nào.
Ở nhiều nước, việc cho trẻ đi nhà trẻ từ vài tháng tuổi không hề hiếm (Ảnh minh họa).
Canada: Trẻ em lớn hơn 2 tuổi thường được gửi vào trường mẫu giáo.
Thụy Điển: Trẻ em 1 tuổi đã bắt đầu đi nhà trẻ.
Nhật Bản: Cha mẹ Nhật phải làm việc và chịu rất nhiều áp lực, vì vậy trường mẫu giáo thường nhận các em bé từ 3 tháng tuổi.
Đức: Các trường tư thục nhận trẻ từ 1 tháng tuổi.
Nói về độ tuổi đi học mẫu giáo, TS Vũ Thu Hương (Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ chị từng cho con đi học từ 18 tháng tuổi: "Ở Đức - một đất nước cực kì coi trọng con người, người ta nhận trẻ từ 1 tháng tuổi và có hàng triệu đứa trẻ phát triển rất ổn khi đi học từ 1 tháng tuổi".
Phân tích về những vấn có thể xảy ra trong tâm lý trẻ nhỏ khi chuyển đổi từ môi trường gia đình sang môi trường nhà trẻ, TS Vũ Thu Hương cho biết: "Trẻ nhỏ cảm nhận rất tinh tế. Trẻ có thể hiểu và chấp nhận cũng như vượt qua hoàn cảnh một cách dễ dàng nếu được sự trợ giúp từ phía cha mẹ. Với trẻ nhỏ, sự chăm sóc bao bọc quá đà cũng không đem lại kết quả tốt. Mẹ lâu lâu nên biến mất độ 1, 2 giờ hoặc nhiều hơn cũng có thể giúp đứa trẻ học được sự kiên nhẫn, có niềm vui khi gặp mẹ và trân trọng những giờ phút gần gũi mẹ. Ngoài ra, cô giáo và bạn bè ở trường mầm non sẽ giúp trẻ có thêm những niềm vui mới nằm ngoài phạm vi gia đình. Trẻ cũng học được rất nhiều điều khi chơi với các bạn cùng trang lứa".
Một nghiên cứu từ Trường ĐH Oxford (Anh) cho thấy những đứa trẻ ở nhà với mẹ có kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng hoạt động kém hơn những đứa trẻ đi nhà trẻ. Tiến sĩ Laurence Roope, làm việc ở Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Y tế của ĐH Oxford phân tích rằng điều quan trọng là trẻ tham gia các hoạt động tương tác trên lớp học. Khi đó, nhà trẻ sẽ có tác động đáng kể đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Vì ở nhà, đôi khi bố mẹ bị căng thẳng, hay mệt mỏi, có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới con cái.
Nghiên cứu của Trường ĐH Oxford (Anh) cho thấy trẻ đi nhà trẻ sớm có kĩ năng ngôn ngữ và hoạt động tốt hơn trẻ ở nhà (Ảnh minh họa).
MC Minh Trang - bà mẹ hot mom từng cho con "đi bộ đội" từ 9 tháng tuổi thì phân tích hàng loạt cái "được" khi cho con đi nhà trẻ sớm":
Thứ nhất, đi trẻ sớm, con được chơi, được chăm sóc, được yêu thương chứ không hề khổ, tội nghiệp, tủi thân.
Thứ hai, nếu để con ở nhà cho ông bà, giúp việc chăm sóc thì ông bà hay giúp việc trong đa số trường hợp chỉ giải quyết được vấn đề "dỗ", mà ít khi có thể "dạy" được. Ở trường, các cô vừa dạy vừa dỗ.
Thứ ba, đi trẻ sớm, con sẽ biết nhanh hơn, nhiều hơn.
Thứ tư, con càng đi học sớm, việc con lạ lớp, khóc quấy, sẽ càng được hạn chế.
Thứ năm, đi trẻ sớm, sẽ có những xác suất ốm đau, nhưng nếu ở nhà, cũng đâu đảm bảo 100% con không bị ốm?
Việc bố mẹ cần lưu ý để trẻ đi học sớm không bị ảnh hưởng tiêu cực
TS Vũ Thu Hương cũng nhấn mạnh, độ tuổi không quan trọng, quan trọng là bố mẹ có sự giúp đỡ và chuẩn bị tâm lý cho trẻ thì việc trẻ đi học sớm sẽ không gặp vấn đề khó khăn nào cho cả mẹ và bé:
Đi trẻ sớm, con được chơi, được chăm sóc, được yêu thương.
- Bố mẹ phải tự tin là con sẽ ổn, thích nghi được với môi trường nhà trẻ. Điều này sẽ tạo sự tự tin cho con, giúp con vững vàng tâm lý khi đến lớp với bạn bè, cô giáo.
- Bố mẹ cần cho con làm quen trước với trường, lớp và bạn bè nhiều để con không bị choáng ngợp, bất ngờ khi đi học.
- Ngay từ bé đã phải dạy con sống tự lập, cho con quyền quyết định, lựa chọn, tuyệt đối không làm hộ tất cả các việc cho con, chẳng hạn như cho trẻ tự xúc ăn, tập xa mẹ, tập cho bé thói quen sinh hoạt đúng giờ giấc...
- Khi bố mẹ luôn coi việc đi học của con là niềm vui chứ không phải khổ sở như đi tù và đi bộ đội, con cũng sẽ nghĩ mỗi ngày đến lớp là một ngày vui. Muốn làm được điều đó, bố mẹ hãy biến trường học của con thành nơi tuyệt vời để đến. Cha mẹ kể cho con về trường lớp, về đồ chơi, về bạn bè. Con sẽ thấy đó là nơi đẹp tuyệt, hấp dẫn tuyệt và việc đi học không phải là đáng sợ mà là đáng trông đợi.
- Trong những ngày đầu con đến lớp, nếu phát hiện con có dấu hiệu bất thường cả về tâm lý, sức khỏe thì lập tức cho ở nhà để xử lý các vấn đề.