Chuyên gia cảnh báo những nguy cơ trẻ phải đối mặt khi ăn nhiều đồ ăn dặm đóng túi sẵn
Có rất nhiều lý do để dừng lại trước khi đưa cho con bạn một túi đồ ăn dặm chế biến sẵn.
Dạo quanh các cửa hàng bán đồ cho mẹ và bé, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra, những lọ thủy tinh cỡ nhỏ đựng thức ăn dành cho bé đã bị thay thế phần lớn bởi những chiếc túi dùng một lần, loại được thiết kế để bé hút được. Đó là kiểu đồ ăn dặm chế biến sẵn với nhiều hương vị, thành phần khác nhau được đóng túi trông rất tiện lợi.
Tính riêng ở Mỹ, 1 thập kỷ sau khi thực phẩm đóng túi cho trẻ ra mắt, chúng chiếm hơn 1/4 doanh số bán thực phẩm trẻ em. Nhờ tính tiện dụng cao (dùng xong vứt đi mà không cần lo dọn dẹp), rất nhiều gia đình đã lựa chọn chúng cho các chuyến đi xa.
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Texas Austin cho thấy, gần 1/3 bữa trưa được chuẩn bị cho trẻ 2 tuổi mang tới trường mầm non gồm ít nhất một loại đồ ăn đóng túi. Một số trẻ ở độ tuổi mới biết đi thậm chí đang nhận được hơn 1/2 lượng calo từ bữa trưa từ đồ ăn dạng túi.
Thực trạng này khiến nhiều chuyên gia sức khỏe trẻ em lo ngại bởi thực phẩm đóng túi chỉ tốt khi được coi như một món ăn vặt thi thoảng xuất hiện trong thực đơn của trẻ. Nhưng nếu lạm dụng, chúng có thể gây ra thói quen ăn uống có hại và làm chậm sự phát triển các kỹ năng ăn uống cũng như khả năng phối hợp vận động ở giai đoạn vô cùng quan trọng này của trẻ.
Kara Larson, nhà nghiên cứu các vấn đề liên quan tới ngôn ngữ kiêm chuyên gia về ăn uống tại Bệnh viện nhi Boston, cho biết: "Thực phẩm đóng túi tiện lợi, rất dễ mang đi và thường là lựa chọn tốt hơn so với bánh quy hoặc khoai tây chiên. Tuy nhiên, cha mẹ cần sử dụng chúng một cách chừng mực".
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, ăn uống là một trải nghiệm học tập quan trọng. Đưa thìa vào bát rồi di chuyển lên miệng giúp phát triển khả năng phối hợp vận động. Lấy những miếng chuối được cắt nhỏ ra từ trong đĩa giúp phát triển kỹ năng nắm bắt. Và không giống như mút từ túi - đòi hỏi chuyển động lưỡi từ trước ra sau - nhai thức ăn mềm đòi hỏi trẻ phải phát triển chuyển động lưỡi từ bên này sang bên kia, vốn rất cần thiết cho việc ăn và nói sau này.
"Nếu trẻ lúc nào cũng chỉ mút từ túi, chúng tôi lo lắng rằng một số trải nghiệm xúc giác với thức ăn có thể bị mất đi", chuyên gia Larson bày tỏ.
Trên thực tế, nhiều phụ huynh ưa thích thực phẩm đóng túi cho trẻ bởi chúng cung cấp nhiều loại hương vị có vẻ như lành mạnh, từ hạt diêm mạch (quinoa) tới cải xoăn (kale) hay hỗn hợp rau hữu cơ. Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng, hương vị thực sự của những loại rau và ngũ cốc trong các thực phẩm ăn dặm đóng túi sẵn này thường bị đường lấn át, do đó, tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vấn đề về răng miệng và sự kén ăn.
"Trẻ em ở độ tuổi này đang phát triển sở thích vị giác vốn sẽ theo chúng suốt cuộc đời", Courtney Byrd-Williams, Tiến sĩ, nhà khoa học hành vi tại Trường Y tế Công cộng UTHealth ở Austin, bang Texas, giải thích. "Nếu quen ăn trái cây quá ngọt hoặc không tiếp xúc với rau củ, trẻ sẽ ít thích những loại thực phẩm này hơn khi trưởng thành".
Hơn nữa, thiết kế túi đựng cho phép việc hút đồ ăn xuống dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều, khiến trẻ có thể tiếp tục ăn ngay cả khi đã no - một thói quen xấu có thể gây ra vấn đề ở tuổi trưởng thành.
Tóm lại, không có hại gì khi cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên thưởng thức một món ăn dạng túi khi đi mua sắm ở cửa hàng tạp hóa, di chuyển trên xe hơi, đi dã ngoại... Cha mẹ chỉ cần đảm bảo rằng, lượng đồ ăn này không vượt quá 1 hoặc 2 túi mỗi ngày. Đồng thời, nên tìm kiếm các lựa chọn ít đường, nhiều chất xơ hơn và đừng để sự tiện lợi làm ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.
"Khi chúng tôi xem xét những gì thực phẩm tiện lợi đã gây ra cho sức khỏe người lớn, có rất nhiều lý do để dừng lại trước khi cho con bạn một loại đồ ăn dạng túi khác" chuyên gia Byrd-Williams nhấn mạnh.
Nguồn: WebMD, NYTimes