Cho trẻ ăn: 5 sai lầm phổ biến

Theo Eva,
Chia sẻ

Do lỗi của cha mẹ, nhiều trẻ đang phải "sống trong sợ hãi" mỗi khi bữa ăn đến.

Hàng xóm nhà tôi thường diễn ra 2 hoạt cảnh: Một nhà, bé trai đã học tới lớp 2 nhưng vẫn thích vừa ăn, vừa chơi và mẹ hoặc người giúp việc vẫn phải bón cơm. Mỗi bữa ăn kéo dài không dưới 1 tiếng đồng hồ, bát cơm chảy nước ròng ròng vẫn cố đút cho con bằng được..

Một nhà khác, cứ đến giờ ăn của thằng bé là cả xóm biết. Vì sao? Vì bé sẽ khóc ngằn ngặt, khóc gằn từng tiếng và tiếng khóc như 'chuông báo động' vang ầm cả khu, báo hiệu nó đang phải ăn bột. Thường sau mỗi bữa ăn, má thằng bé đỏ lựng vì bị… mẹ tát. Cứ ngậm là… tát. Tát xong thì khóc, thế là nuốt miếng bột đang ngậm trong mồm. Cứ thế, trường ca ngậm – tát – khóc tiếp diễn ngày này qua ngày khác.

Ăn uống được xếp hạng là một trong 'tứ khoái' của đời người. Nhưng do sai lầm của cha mẹ, rất nhiều trẻ đang phải 'sống trong sợ hãi' mỗi khi bữa ăn đến. Để giúp trẻ 'thoát' khỏi nỗi sợ, bản thân cha mẹ phải nhận ra sai lầm.

Dưới đây là 5 lỗi phổ biến của các bậc phụ huynh khi cho trẻ ăn

1. Coi đồ ăn như một phần thưởng

Không sử dụng một loại thức ăn như là một phần thưởng cho việc ăn một loại thức ăn khác. Chẳng hạn: “Con ăn hết 2 bát cơm, mai mẹ sẽ cho con đi ăn KFC”… Làm như vậy sẽ khiến trẻ ăn cơm như là một nghĩa vụ và một điều bắt buộc. Rất có thể những lần sau trẻ sẽ đem những món ăn chúng thích ra làm điều kiện với cha mẹ chúng. Đồng thời cha mẹ cũng không nên dùng thức ăn để xoa dịu tâm trạng của trẻ. Nếu con bạn đang buồn, đang tức giận nhất định sẽ không đem lại cảm giác ngon miệng khi ăn.
 

2. Cho trẻ uống nhiều nước có gas, nước ngọt

Cho trẻ thưởng thức đồ uống có chứa lượng calo cao chính là cha mẹ đang 'tiếp tay' cho căn bệnh thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ.

Nhấm nháp một quả táo hay vài quả nho có thể khiến trẻ đói bụng và ăn uống ngon miệng nhưng uống một cốc nước táo hay nước nho ép thì không.
Ngoài ra, ăn hoa quả còn cung cấp chất xơ có lợi cho hệ tiêu hóa của trẻ.

3. Bắt trẻ ăn nhiều và phải ăn hết khẩu phần ăn

Ở mỗi độ tuổi, nhu cầu năng lượng của trẻ khác nhau và mẹ nên cung cấp một lượng vừa phải. Nếu bắt trẻ ăn nhiều quá, mà bữa nào cũng cố ép ăn hết bát, bé sẽ chán và sợ ăn.

Trẻ bị ép ăn nhiều dẫn đến lượng lipid trong máu cao gây ra bệnh gan nhiễm mỡ. Các nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ trẻ em bị ép ăn quá nhiều sẽ có nguy cơ mắc bệnh béo phì là 31,4%, tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ tăng 7,8% so với các trẻ em khác. Vì vậy, nếu trẻ nói con no rồi hoặc không muốn ăn thì bạn đừng cố nài ép.

4. Cho trẻ vừa chơi, vừa ăn

Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo thích khám phá nên thường tận dụng thời gian để nghịch ngợm, mày mò, khám phá và lý giải các sự vật, hiện tượng xảy ra xung quanh. Vì vậy, tật xấu vừa ăn vừa chơi, thiếu tập trung trong bữa ăn là căn bệnh 'chung' của nhiều trẻ.

Trẻ ham chơi, bỏ ăn là việc thường xảy ra ở mọi gia đình trẻ do thiếu kinh nghiệm trong cách giáo dục. Nguyên nhân là do ngay từ đầu các bậc cha mẹ không biết phương pháp dạy cho trẻ ăn đúng mà thường nuông chiều dẫn đến mỗi khi cho ăn, trẻ thường đòi hỏi những trò chơi thì mới chịu ăn. Do đó, chúng ta phải thay đổi phương pháp giáo dục cho trẻ ăn chứ không có thuốc nào trị bệnh trẻ ham chơi bỏ ăn.

5. Ăn fast food quá nhiều

Trẻ em ăn nhiều các loại đồ ăn nhanh như khoai tây chiên, bánh quy, pizza… trước 3 tuổi có chỉ số IQ thấp hơn các em khác. Những loại thức ăn này có thể gây thiệt hại về lâu dài cho trí tuệ của các em - một dự án nghiên cứu tại ĐH Bristol khẳng định.

Thức ăn nhanh luôn hấp dẫn trẻ nhỏ nhưng lại không phải là những món ăn bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe. Do đó, bạn cần phải hết sức lưu ý khi cho trẻ ăn đồ ăn này.

Chia sẻ