Chia sẻ được các mẹ lan tỏa nhiều nhất facebook tuần qua

Happy Moms,
Chia sẻ

Những chia sẻ về việc đọc sách cho con, những lưu ý cho con vào lớp một hay đơn giản là thưởng - phạt con sao cho hiệu quả đã được các bố mẹ lan tỏa nhiều nhất tuần qua.

1. Những lưu ý khi chọn sách cho con – Facebook mẹ Nguyễn Thanh Hương

Chia sẻ trên facebook trong tuần 1
Ảnh chụp màn hình facebook của mẹ Nguyễn Thanh Hương.

Theo chia sẻ của mẹ Thanh Hương, việc đọc sách cho con (đặc biệt là đối với các bạn nhỏ dưới 3 tuổi) cần chú ý và quan tâm đến một số điều cơ bản nhất, đó là chọn sách thế nào cho phù hợp với tính cách, cá tính của con; phù hợp với lứa tuổi, độ tuổi của con rồi mới đến việc đọc như thế nào.

Mẹ Thanh Hương nhấn mạnh việc chọn sách phù hợp với độ tuổi của con tưởng đơn giản nhưng lại không phải vậy, vì: "Điều này tưởng chừng rất dễ, vì hầu hết các sách truyện cho trẻ con bây giờ đều có ghi “sách dành cho bé từ x đến y tuổi”, nhưng tớ cam đoan là có vô vàn ông bố bà mẹ vẫn sẽ “cố tình” lựa mua cho con những cuốn sách “vượt tuổi”. 

Điều này chủ yếu là do tâm lý của cha mẹ, thường thì hoặc bạn sẽ thấy những cuốn sách “đúng tuổi” (ví dụ sách ghi cho trẻ 1 tuổi) thường có vẻ quá tầm thường đối với con mình (con trên dưới 1 tuổi), con mình “lanh” lắm, nên đọc mấy cái đơn giản này chắc sẽ không hứng thú, nên sẽ mua sách “vượt cấp” lên 1 vài bậc cho con (ví dụ mua sách 2-3 tuổi cho bé 1 tuổi). Hoặc là sẽ có tâm lý mua “để dành”, sợ mai mốt không có để mua (cái này thì chấp nhận được, nhưng để dành thì phải cất đi không lôi ra cho con xem luôn nhé, cất đi thì tới lúc con lớn nhớ lôi ra), hoặc là suy nghĩ “con đọc hết mấy cuốn đúng tuổi sẽ thích đọc cuốn khó hơn” – cái này lúc đúng lúc sai, mà thường sai nhiều hơn đúng.

Mấy điều này là kinh nghiệm bản thân luôn, n lần mua sách thì n+1 lần mẹ Nhím vẫn có tâm lý mua sách “vượt tuổi”, tuy nhiên là n+2 lần bạn Nhím vẫn chỉ cương quyết chỉ thích đọc sách đúng tuổi, sách vượt tuổi có thể có đọc nhưng chỉ 1 vài trang có nội dung “dễ nhằn” đúng tuổi của bạn. Thế nên, hãy tin tưởng độ tuổi được “khuyên dùng” ghi trên nhãn sách, đặc biệt là các sách dịch, sách nước ngoài nhé".

2. “Lớp Một, lớp Một: Từ đây đến cuối cuộc đời” – Kinh nghiệm chuẩn bị cho con vào lớp 1 của ThS giáo dục Phạm Thị Cúc Hà

Chia sẻ dạy con trên facebook trong tuần 2
Ảnh chụp màn hình facebook chị Phạm Thị Cúc Hà.

Với vai trò là một người làm giáo dục, một người mẹ và "khá" coi nhẹ việc "chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 1", chị Cúc Hà đã có những chia sẻ thấm thía với cha mẹ trước thời điểm một mùa tuyển sinh lớp 1 đang bắt đầu. Theo quan điểm của chị Cúc Hà: "Chúng ta nói nhiều về việc chuẩn bị cho con vào Lớp Một, cứ như vào xong Lớp Một rồi là chúng ta lo xong cho đứa trẻ. Và bố mẹ dồn dập để chuẩn bị hành trang cho con vào Lớp Một như kiểu đóng gói vào một cái vali cho con lên đường. 

Dĩ nhiên là cần những kiến thức cơ bản cho trẻ, cần các kỹ năng, tự phục vụ, vận động tinh, cần sức khoẻ, cần một tâm lý sẵn sàng, nhưng có lẽ cái quan trọng nhất không phải là những "đồ đạc đóng gói" đó, mà là resilience, là sức chịu đựng, sự dẻo dai của đứa trẻ để thích ứng với bất cứ môi trường nào. Thì đó là cả một quá trình dài để chuẩn bị, nó không chỉ một hai khoá hành trang vào lớp 1, đó phải là sự nuôi dưỡng những con người biết phản biện, biết cách giải quyết vấn đề, biết rằng nó có quyền được lựa chọn trong cuộc đời, được quyền yêu cầu sự giúp đỡ, được quyền toả sáng theo cách của mình. 

Theo đó, chúng ta hãy hàng ngày dành thời gian cho đứa trẻ, hỏi chúng nó "sao lại như vậy? con muốn làm gì? liệu như thế có được không?" chứ sao chúng ta cứ phải "xoắn"? Sao không để đứa trẻ nó dẫn đường? Mình luôn băn khoăn. 

Đồng hành cùng con là câu chuyện cả cuộc đời, nó không chỉ là 30 phút  hay 1.5 tiếng ngồi cùng con ở bàn học. Đó là hãy ở bên cạnh chúng nó, im lặng thôi, hay ôm chúng nó vào lòng, và nói rằng mọi thứ xung quanh, các thi cử, những cạnh tranh, đều là "bullshits" hết, chúng nó có trong tay mọi thứ để có thể mở to đôi mắt trong veo đi vào đời, và tìm cho mình một con đường, dù sớm hay muộn, dù thẳng hay cong. Và những nơi nào không chấp nhận chúng nó thì đó là nơi không tốt cho chúng nó. Đơn giản vậy thôi."

3. Thưởng phạt con thế nào cho đúng – Facebook mẹ Hương Đại Mĩ Nhân

Chia sẻ dạy con trên facebook trong tuần 3
Ảnh chụp màn hình facebook mẹ Hương Đại Mĩ Nhân.

Chuyện thưởng - phạt con sao cho có hiệu quả luôn là một chủ đề nóng thu hút nhiều ý kiến của các bố mẹ, về vấn đề này, mẹ Hương Đại Mĩ Nhân đã có một chia sẻ khá "chí lí" được nhiều bố mẹ hưởng ứng.

Theo chị, để phạt con "cha mẹ nên tước bỏ một quyền lợi gì đó của con hoặc bắt con làm một việc gì mà con không thích. Điển hình việc đó là time out. Một ví dụ của time out là úp mặt vào tường. Điều này không mấy đứa trẻ thích đâu. Nhất là nếu thời gian time out kéo dài. Hoặc con thích cái gì (rất thích) thì tước nó đi (1 lần thôi)."

Nhưng tại sao lại phạt, phạt để làm gì? Thực ra, khi chúng ta không sử dụng bạo lực với con, để con hiểu và chấp hành những điều mà chúng ta buộc con phải làm vì sự an toàn và lành mạnh, đương nhiên phải cho con TRẢ GIÁ, sự trả giá nhỏ chính là các hình phạt, nó sẽ giúp con rất nhiều mà lại tránh cho con khỏi một sự trả giá thật, vô cùng đau đớn. Còn tớ không nghĩ con người không trả giá mà trưởng thành nổi đâu.

Do suy nghĩ như vậy, tớ nghĩ: Nếu đồng cảm với con, hòa đồng với con sẽ dễ dàng hơn trong việc dạy dỗ. Vì thế, tớ không bao giờ nghĩ mình là..... tướng, con là quân. Vậy, nếu đã cùng là đồng loại, chúng ta phải cùng nhau sống và phải tôn trọng nhau. Để làm tốt mọi việc, chúng ta phải có luật: Luật gia đình. Mọi người trong gia đình tuân thủ luật gia đình nghiêm ngặt. Ai vi phạm sẽ bị phạt. Tớ nghĩ ra hình phạt với con và tớ đề nghị con tuân theo. Chính bản thân tớ cũng tuân theo một cách nghiêm khắc. Khi phạm lỗi, tớ cũng sẵn sàng chịu phạt. Đến lúc đó, con rất hoan hỉ, và cảm thấy thoải mái vì mẹ nó cũng giống nó mà thôi."
Chia sẻ