Chia sẻ của bà mẹ Việt giúp con sống chung với đồ công nghệ
“Dù có muốn hay không chúng ta cũng phải chấp nhận sự thật là thế hệ con cái sẽ lớn lên cùng với sự có mặt của các thiết bị công nghệ, và những trào lưu dạy con theo xu thế mới. Tuy nhiên với tôi việc giúp con tìm được sự cân bằng trong việc sử dụng chúng, làm quen với chúng rất quan trọng”
Ai cũng mong muốn mình là những ông bố, bà mẹ tốt, tuyệt vời trong mắt con và muốn mang lại những điều tốt nhất cho con. Nhưng làm sao để giúp con sử dụng những thiết bị công nghệ hiện đại mà không gây hại không phải là điều dễ dàng bởi chúng ta không biết rằng chúng có thực sự tốt cho con mình hay không?. Chia sẻ của chị Lê Thu Trang, một bà mẹ Việt đang sinh sống tại Melbourne, Úc
Đừng mong con thành thiên tài
Đến thời điểm hiện tại, bé Minh An (con chị) đã làm được những công việc mà nhiều bé cùng tuổi khác vẫn chưa làm được như: Thấy mẹ mở máy giặt ra là chạy tới giúp mẹ lấy quần áo cho vào chậu, r út quần áo khô xuống đưa mẹ, l ấy bát đĩa sạch từ máy rửa bát ra, ú p bát sạch vào chạn, đứng nấu cơm cùng mẹ ngày 2 lần, giúp mẹ cho rau vào nồi, đong gạo, giã tôm, đánh trứng...
Theo chị Thu Trang thì thay vì cho con ngồi một chỗ rồi dí máy tính, ipad cho con chơi thì chị hướng cho con làm những công việc mà một đứa trẻ có thể tự làm nếu được rèn luyện mỗi ngày. Cố gắng tiếp thu và học hỏi rất nhiều những phương pháp giáo dục mới, tiên tiến từ rất sớm. Nói về lý do cho sự lựa chọn này với chị Thu Trang là cả một câu chuyện dài.
Hồi chưa cưới chồng, tôi đã có may mắn khi được ở cùng nhà với 4 sinh viên trường Monash. Họ đã làm tôi hình dung rõ nét hơn một chút trong nhận thức về cách dạy con cái. Trong nhà có 4 sinh viên. 3 nam sinh sinh ra và lớn lên ở Úc (2 người Úc, và 1 gốc Đài Loan). Một người còn lại là cô gái sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, sang Úc học đại học.
Chị Thu Trang cùng cô con gái Minh Anh 22 tháng tuổi.
Sống và trò chuyện với họ mỗi ngày đã khai sáng cho tôi rất nhiều thứ. Trước kia tôi luôn quan niệm, sinh viên là thiếu ngăn nắp nhất (cho dù Việt hay Tây). Nhưng các bạn đã làm tôi thay đổi hoàn toàn suy nghĩ. Hoá ra bê bối và vô ý nhất lại là cô gái đến từ Trung Quốc. Còn lại thì 3 chàng trai đã làm tôi há miệng kinh ngạc và phục bố mẹ của họ sát đất.
Cả 3 đều có những điểm rất giống nhau: ăn nói, thái độ, cử chỉ lễ độ thể hiện sự chín chắn. Luôn đi làm đi học đúng giờ, khi ăn xong mặc dù nhà có máy rửa bát nhưng bao giờ các bạn cũng tự rửa bằng tay, lau và tự cất ngay đồ vào chỗ, không bao giờ để bừa trong bếp gây phiền hà đến người dùng sau. Quần áo tôi luôn thấy các bạn tuần nào cũng giặt đúng theo lịch phân công, phơi gọn ghẽ, và khi khô họ lấy vào ngay để nhường chỗ phơi cho người khác.
Trên mặt kệ bếp mà có đồ bẩn bày bừa thì 100% bao giờ cũng là của cô bé Trung Quốc.
Từ đó tôi bắt đầu có khái niệm rõ ràng hơn một chút về việc dạy con, đó là: con cái thế nào là do cha mẹ uốn ra thế ấy. Tôi rất sợ trẻ con hư, nhất là con tôi, nên từ khi mang bầu, có con tôi đã tự hứa chắc chắn bằng mọi cách tôi sẽ phải dạy cho con của mình được như 3 người bạn Úc đó. Tôi bắt đầu tìm hiểu các phương pháp dạy con khi Minh An khoảng 8 tháng tuổi và sau 1 tháng tìm hiểu, tôi bắt đầu áp dụng phương pháp giáo dục sớm với Minh An khi con được 9 tháng tuổi.
"Tôi luôn cố gắng giúp con tìm được sự cân bằng trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ".
Phải nói rằng, cha mẹ nào cũng yêu thương con, muốn điều tốt đẹp cho con trẻ nhưng họ lại không biết như thế nào mới là tốt cho con. Trong tôi nhớ không lầm rằng, trong một khóa học về giáo dục sớm cho con nhiều cha mẹ kì vọng dạy con thành thiên tài. Phải chăng cứ giáo dục sớm thì con sẽ đều đạt như vậy hay đây là một sự thúc ép trẻ. Nếu thực hiện điều gì đó mà bố mẹ không hiểu, có thể bé sẽ thực sự đối diện với nguy hiểm.
Tôi nghĩ rằng, mọi cách dạy con dựa trên việc đồng hành cùng trẻ, dành thời gian nói chuyện, chơi đùa lắng nghe tâm tư của con, khuyến khích con, tôi thấy đều đáng được trân trọng. Còn tất cả các các khác như bỏ thật nhiều tiền cho con học này kia nhưng không bao giờ quan tâm đến kết quả, hay quá coi trọng thành tích mà bỏ ngoài tai những mong muốn của con, thì tôi thấy đều đáng trách. Và dạy con chạy theo xu thế hay là là nạn nhân của marketing mà không hiểu rõ bản chất vấn đề thì còn chán hơn.
Con chơi ipad - hãy chơi cùng con
Khi xã hội phát triển, những đồ chơi cho trẻ thường gắn liền với công nghệ, thiết bị thông minh như iphone, ipad... và phải thừa nhận rằng dù có muốn hay không chúng ta cũng phải chấp nhận sự thật là thế hệ con cái sẽ lớn lên cùng với sự có mặt của các thiết bị công nghệ, và với tôi việc giúp con tìm được sự cân bằng trong việc sử dụng chúng rất quan trọng.
"Con cái thế nào là do cha mẹ uốn ra thế ấy. Tôi rất sợ trẻ con hư, nhất là con tôi", chị Thu Trang chia sẻ
Thời gian vừa rồi tôi có cho Minh An xem youtube clip các bạn đánh piano và guitar để khơi dậy niềm yêu âm nhạc cho con. Tôi xem cùng con và giải thích về vẻ mặt của các bạn khi biểu diễn ra sao, các ngón tay thành thạo thế nào. Con thích lắm và luôn đòi xem các video đó cả ngày, không màng hoạt hình. Vấn đề của trẻ con bé như An tôi cảm giác là chưa dạy các con tiết chế được, một là có hai là không. Và do tần suất con đòi xem ngày càng nhiều nên tôi quyết định cai và phải tìm cách khác để hun đắp tình yêu âm nhạc tại gia cho con. Tôi mua một cái đàn organ giá rẻ về để con chuyển dần việc nghe nhạc sang đó. Tôi cũng mua cái máy chạy đĩa CD về để con có thể tự cho đĩa đúng sở thích vào nghe. Giờ thì thôi hẳn không TV không youtube gì nữa hết cho đến khi con đủ lớn để hiểu được việc tiết chế.
Nếu muốn có cách giúp con tránh xa những sản phẩm công nghệ thì trước tiên chúng ta phải hiểu rõ cội nguồn vấn đề vì sao con lại thích thích cái ipad. Con trẻ nhu cầu chơi rất lớn trong khi cha mẹ với quỹ thời gian và sức lực có hạn thường không “đuổi" kịp nhu cầu đó của con. Và vì việc chơi còn là cách trẻ học nên chúng rất thích những trò chơi mới. Không được đáp ứng đủ thì con khóc quấy, cha mẹ mệt mỏi quá đưa đại cho con cái ipad cho nó im. Một thời gian mới giật mình nhận ra rằng con mình bị nghiện từ lúc nào.
Có lẽ các bậc phụ huynh nên tự xác định tư tưởng cho chính mình. Nếu quá bận rộn để chơi với con thì việc con nghiện ipad là không thể tránh khỏi, không cần lăn tăn cho mệt đầu. Còn nếu muốn con không nghiện thì chỉ còn cách là chơi với con.
Cá nhân tôi thì xác định rằng đến một độ tuổi nào đó thì việc con dùng ipad, iphone là cần thiết. Sống ở thời kì công nghệ mà không biết một tí gì về công nghệ không phải là hay. Từ bây giờ đến lúc đó tôi muốn cố gắng tối đa để con tôi hiểu rằng ngoài cuộc sống ảo thì ngoài kia còn một cuộc sống thật nơi mọi người ra công viên chơi thể thao, đến thăm bảo tàng, sở thú hay đi nghe các buổi hoà nhạc. Và tôi nghĩ nếu tôi có thể làm con tôi yêu cuộc sống đời thực thì hi vọng công nghệ cũng sẽ chỉ như một gia vị thêm vào cuộc sống muôn màu của con.
Dĩ nhiên là nói bao giờ cũng dễ hơn làm nên tôi luôn tự nhủ phải cố gắng hết sức. Đầu tiên tôi gửi con đi nhà trẻ, hiện giờ 3 ngày, có thể năm sau tăng lên 4,5 ngày 1 tuần. Khi con về nhà thì sẽ vừa nấu cơm vừa chơi với con, sau đó cả nhà ăn tối, xong con đi ngủ. Thứ bảy sáng đi ăn trưa với ba mẹ, chiều có bạn đến nhà chơi đều như vắt chanh. Chủ nhật thì ba đưa ra công viên chơi, sau này chủ nhật sẽ là ngày chơi thể thao của ba con nó. Như thế tôi thấy tạm ổn trong thời gian này. Sau có phát sinh gì thì lại xử lý tiếp.