Cha mẹ bỏ bớt quy tắc để con thành người có trách nhiệm
Theo chuyên gia, muốn con trở thành người có trách nhiệm, cha mẹ nên bỏ bớt những quy tắc cứng nhắc trong gia đình.
Thay vì trách mắng, cha mẹ cần cho con được nói ra sự thật.
Trẻ ngang bướng nhưng cũng dễ bảo
Cô Nguyễn Thị Huế - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa hồng (Hà Nội) - nhận định: Nhiều cha mẹ không giữ được bình tĩnh khi con mắc lỗi. Vì vậy, trẻ thường có tâm lý sợ sệt dẫn đến không dám nhận trách nhiệm khi làm sai. Dần dần, trẻ hình thành thói quen nói dối, nói tránh để đỡ bị mắng.
Trên thực tế, nhiều cha mẹ quá khắt khe với con khiến trẻ luôn cảm thấy sợ hãi khi làm sai. Khi bị cha mẹ chất vấn về tội lỗi gây ra, con luống cuống nên nghĩ ngay ra cái gì đó để bao biện.
Mỗi khi mắc lỗi, trẻ thường nghĩ đến sự quát mắng, thậm chí đòn roi của người lớn mà sinh ra nói dối. Lúc này, trẻ chỉ đơn giản hiểu rằng, không nhận trách nhiệm về mình sẽ tránh được thiệt hại cho bản thân. Vì vậy, luôn luôn lắng nghe con để biết mục đích nói dối của trẻ mới có cách để giúp con thành thật trong cuộc sống.
“Để rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ cha mẹ cần hiểu vấn đề xảy ra với con. Thông thường, nhiều trẻ mắc lỗi, chúng thường không biết nói lời xin lỗi hoặc không biết hành động sửa sai như thế nào cho đúng? Mặt khác, cha mẹ cũng không biết cách hướng dẫn và chỉ bảo con tận tình. Cha mẹ cũng không biết cách tha thứ cho con khi chúng làm những điều sai trái”, cô Huế chia sẻ.
Theo cô Huế, trẻ ở tuổi nào cũng ngang bướng, nhưng cũng rất dễ bảo. Phần lớn, trẻ sẽ tìm cách giấu giếm sự thật, nói dối, quanh co hoặc “đánh trống lảng” khi bị hỏi đến. Đừng trách mắng, ép buộc trẻ nói ra mà hãy khuyến khích chúng tự thừa nhận. Cho dù, bạn đã biết hết mọi chuyện nhưng vẫn phải tỏ ra chưa biết gì, rồi khơi gợi, dẫn dắt, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để trẻ có thể dễ dàng nói ra, và đó sẽ là lời thú tội chân thật nhất.
Theo đó, cô Nguyễn Thị Huế khuyên rằng, con đã làm điều gì đó chưa đúng, hãy nói luôn vào hậu quả. Cha mẹ không chất vấn thì con sẽ tránh được việc phải bao biện và nói ra những câu nói không có thật. Việc cha mẹ lập tức quát mắng sẽ làm con hoảng sợ và lần sau còn nói dối nhiều hơn. Khi thật bình tĩnh, chúng ta sẽ tìm ra được cách xử sự đúng đắn nhất.
Cô Huế cũng cho biết thêm, trong gia đình, nếu đặt ra quá nhiều khuôn khổ, nguyên tắc cũng khiến trẻ dễ nói dối và không muốn nhận lỗi. Chẳng hạn, người lớn đặt ra quy định, phải chơi với những bạn theo tiêu chí nào đó. Thậm chí, có người còn chê bai, bức xúc khi con chọn bạn không đúng ý.
Nhiều trường hợp, khi con trưởng thành, cha mẹ thường nói phải yêu người như thế này, lấy người như thế kia. Những lời khuyên đó đều với mong muốn là tốt cho con nhưng thiết lập quá nhiều nguyên tắc sẽ khiến con nói dối. Dần dần, con khó tâm sự mọi việc với người lớn, dễ dẫn đến những hành vi sai trái.
“Nói vậy không có nghĩa là cho con tự do, muốn làm gì thì làm. Những nguyên tắc có thể đặt ra một cách linh hoạt, phù hợp và thương lượng với con”, cô Huế nhấn mạnh.
Kể cả ở trường, thầy cô cùng tạo môi trường cởi mở sẽ giúp trẻ thoải mái hơn khi bày tỏ suy nghĩ mà không cần phải e dè hay sợ sệt. Vì vậy, thầy cô và cha mẹ đừng tiếc lời khen khi trẻ đã “khai ra” sự việc và nhận trách nhiệm. Cách này đơn giản nhưng vô vùng hiệu quả. Trẻ sẽ ngày càng tự hào vì đã nói thật và sẵn sàng nói thật để được biểu dương.
Để trẻ biết cách chịu trách nhiệm
Theo cô Phạm Thị Hương - chuyên gia tư vấn tâm lý Trường THPT Khương Hạ (Hà Nội): Dạy con rất cần sự kiên nhẫn của cha mẹ. Khi con mắc lỗi, hãy giúp con nhận ra lỗi sai ở đâu, để trẻ tự chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Từ đó, cha mẹ hãy dạy con cách sửa sai và tự giác không lặp lại ở những lần sau.
Đồng thời, người lớn có thể để trẻ suy nghĩ về hậu quả và hiểu rằng phải chịu trách nhiệm cho việc làm của mình. Nếu lúc này, trẻ không thể suy nghĩ sáng suốt, cha mẹ hãy giúp trẻ chỉ ra những hậu quả có thể xảy ra nếu con làm thế.
Cũng theo chuyên gia này, ở nước ngoài, việc trẻ em lễ phép, biết “cảm ơn” khi có ai đó giúp đỡ, “xin lỗi” lúc phạm sai lầm là chuyện thường tình. Trong khi đó một số trẻ em Việt Nam còn ngượng ngùng khi nói hai từ này, đặc biệt là câu “xin lỗi”. Xin lỗi có khả năng hóa giải cơn giận và ngăn chặn những hiểu lầm có thể có trong tương lai. Lời xin lỗi nếu phát ra một cách chân thành và có hiệu quả mới hóa giải các mặt tiêu cực của lỗi lầm.
Cô Hương cho rằng, càng mắng con càng bất trị, hãy hỏi con thật nhiều để giúp bé nhận ra lỗi sai trước khi quyết định xử phạt.
Nhiều trường hợp, cha mẹ không giữ được bình tĩnh mà vội quy chụp. Khi hai bé chơi với nhau và xảy ra xô xát, rất nhiều mẹ đã hét lên “sao con hư thế, mau xin lỗi bạn ngay”. Con lập tức xin lỗi và cả hai làm hòa.
Theo chuyên gia Phạm Thị Hương, trong mắt người lớn sự việc thế là giải quyết xong. Nhưng đối với trẻ, chưa chắc con đã thấy mình sai và việc nhận trách nhiệm rồi xin lỗi trở nên vô nghĩa.
Do vậy, người lớn cần lắng nghe những gì trẻ nói để hiểu toàn bộ câu chuyện từ góc độ của con. Điều này sẽ giúp cha mẹ có được những quyết định đúng đắn. Hãy để đứa trẻ có cơ hội nói, ngay cả khi con thực sự sai, có như vậy con mới dễ dàng nhận ra lỗi sai.
“Việc dạy bé biết và hiểu ý nghĩa của hành động xin lỗi là rất quan trọng. Nó sẽ tác động đến sự duy trì mối quan hệ xã hội của bé sau này. Chúng ta nói tới “hành động xin lỗi” vì đây không chỉ gồm câu nói mà thôi. Nó còn chỉ đến thái độ khi nói, và những hành động thiết thực để thể hiện mục đích xin lỗi”, cô Hương nói.