Chuyến leo núi đầy niềm vui và thử thách của gia đình nhỏ cùng 6 quy tắc cần nhớ để giữ an toàn cho con

Thảo Hương,
Chia sẻ

Leo núi là một trải nghiệm cực kỳ hay, tuy nhiên bố mẹ cũng cần lưu ý để bảo vệ các con của mình.

Nếu bỗng dưng một hôm nào đấy, bạn muốn đưa con "đi trốn" khỏi thành phố đông đúc khói bụi thì dã ngoại núi Trầm có lẽ là một lựa chọn không tồi. Trong bài viết dưới đây, chị Hoàng Lan Phương (chủ blog Làm mẹ tự do) sẽ chia sẻ kinh nghiệm leo núi dã ngoại trong ngày tại ngọn núi được mệnh danh là "cao nguyên đá Hà Giang thu nhỏ" này.

Lên kế hoạch đi leo núi với em bé 2 tuổi

Địa điểm lần này được cả nhà lựa chọn là núi Trầm, chỉ cách thủ đô chưa đến 30km, với địa hình không quá khó cho những người mới lần đầu leo núi, và đặc biệt với 1 em bé hơn 2 tuổi như bé nhà mình.

Thời tiết hiện giờ rất đẹp. Nghe nói cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 hoa sữa trắng xóa, còn đến tháng 4 hoa gạo nở đỏ rực mới là khoảng thời gian đẹp nhất để đến đây. Nhưng thôi, được ra ngoài thiên nhiên cây cỏ, hít thở không khí trong lành là thích lắm rồi.

Chúng mình chọn xe máy làm phương tiện di chuyển cho chủ động về mặt thời gian. Đường đi đến đây khá thuận lợi, chủ yếu là quốc lộ, cao tốc. Với một chiếc smart phone cùng google map là các bạn có thể dễ dàng tìm được đường. Nếu bạn cũng đi từ Hà Nội thì chỉ cần xuôi theo hướng đến Hà Đông, sau đó đi theo đường Quốc Lộ 6 (hướng đi Hòa Bình) khoảng 25km sẽ tới thị trấn Chúc Sơn. Đến đây các bạn hỏi người dân địa phương đường đi tới núi Trầm là được, khoảng 2-3km là đến nơi.

Lịch trình dã ngoại núi Trầm trong ngày

9h – 10h: Di chuyển đến núi Trầm

Ăn sáng xong xuôi, chuẩn bị đồ, khoảng 9h cả ba mẹ con dì cháu xuất phát từ nhà. 10h là chúng mình đến nơi. Các bạn có thể chọn gửi xe ở chùa Trầm hoặc quán nước ngay dưới chân núi rồi đi bộ lên. Giá gửi 10k/xe.

Có mỏm đá thấp em bé có thể tự leo được. Cũng có những chỗ vách đá dựng đứng khó leo hơn chút nên bạn phải cầm tay đỡ bé lên.

10h – 11h30: Khám phá núi Trầm

Núi Trầm gồm 6-7 ngọn núi thấp, người dân địa phương gọi đây là "quả". Địa hình ở đây khá đa dạng, có những con đường mòn mềm mại uốn cong trải dọc sườn núi, có mỏm đá thấp em bé có thể tự leo được, cũng có những chỗ vách đá dựng đứng khó leo hơn chút nên bạn phải cầm tay đỡ bé lên.

Khi mới bắt đầu, chúng mình đi những đoạn đường có độ dốc và độ gồ ghề vừa phải cho con tập làm quen. Sau đó mới chọn một quả núi để leo lên đỉnh rồi leo xuống. Cuối cùng trở lại bằng một đường khác. Đây cũng là điều thú vị của núi Trầm, có nhiều con đường để đi lên một quả, vừa leo vừa khám phá rất vui.

Chuyến leo núi đầy niềm vui và thử thách của gia đình nhỏ cùng 6 quy tắc cần nhớ để giữ an toàn cho con  - Ảnh 2.

Trên đỉnh quả núi nào cũng có thể ngắm cảnh và chụp những pô ảnh tuyệt vời.

Trên đường leo núi bé sẽ được làm quen với rất nhiều loại cỏ cây cũng như côn trùng. Bé nhà mình khi nhìn thấy thứ gì đó mới sẽ reo lên đầy thích thú hỏi mẹ: "Bạn gì đây?" và khi biết câu trả lời thì lặp đi lặp lại mãi.

11h30 – 14h30: Cắm trại nghỉ trưa

Đến khoảng 11h30 trưa, chúng mình dừng lại để nghỉ ngơi và ăn trưa. Ở đây có những hốc đá trốn nắng để bạn có thể dựng lều hoặc trải thảm picnic. Hãy cho con tham gia cùng, có thể chỉ là trải hay gấp bạt, bất cứ việc gì phù hợp với độ tuổi của con để dạy con về tính trách nhiệm.

Vì mục đích chính là leo núi nên tụi mình chỉ mang đồ ăn nhẹ đơn giản là bún chả cho vào hộp, nước chấm cho vào chai. Mình thấy có nhóm mang theo cả thịt xiên, bếp nướng cồn tổ chức BBQ ngoài trời vui cực. Ăn xong thì mình cho em bé ngủ. Một chút nghỉ ngơi giúp con khôi phục lại năng lượng và tâm trạng rất tốt.

Cho con tham gia cùng, có thể chỉ là trải hay gấp bạt, bất cứ việc gì phù hợp với độ tuổi của con để dạy con về tính trách nhiệm.

Và nhớ là dọn rác sạch sẽ lúc về nhé. Theo như mình thấy thì nhiều người đến đây ăn uống rồi vứt rác bừa bãi làm xấu cảnh quan môi trường lắm. Hãy làm theo đúng câu "Không mang gì về ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân". Con bạn cũng nên biết đến quy tắc Leave No Trace (Không để lại dấu) này ngay từ những ngày đầu tiên.

14h30 – 16h30: Tiếp tục khám phá núi Trầm

Đến khoảng 2h30 chiều, chúng mình thu dọn rồi tiếp tục leo. Lần này cả 3 quyết định sẽ chinh phục đỉnh cao nhất, đỉnh có cắm cờ. Đến cuối mình hơi hối hận chút vì đá dốc, nguy hiểm lắm, phải bế con rất nhiều. Tất nhiên khung cảnh trên đỉnh thì vô cùng mãn nhãn rồi. Sau lưng là đồng ruộng, trước mặt là núi như cao nguyên trong phim vậy.

Chuyến leo núi đầy niềm vui và thử thách của gia đình nhỏ cùng 6 quy tắc cần nhớ để giữ an toàn cho con  - Ảnh 4.

Chinh phục đỉnh cao nhất, đỉnh có cắm cờ. Khung cảnh trên đỉnh vô cùng mãn nhãn. Sau lưng là đồng ruộng, trước mặt là núi như cao nguyên trong phim vậy.

Ngắm cảnh chán chê thì ba đứa lại leo xuống dưới, đi chinh phục nốt những quả còn lại. Đến khoảng 4h30-5h chiều thì lên đường về.

Chuẩn bị những gì cho chuyến leo núi dã ngoại?

Thể lực tốt

Leo núi là một bộ môn đòi hỏi thể lực nên các bạn cần rèn luyện trước đó. Ví dụ như mình hay đi bộ mỗi ngày 30 phút đến 1 tiếng cùng con. Việc này rất quan trọng nếu như bạn không muốn con bạn mới leo một tí đã kêu mệt và đòi bế. Bản thân mình trước đây là một người không giỏi thể thao và có chút lười vận động. Nhưng từ khi bạn nhỏ ra đời, mình đã động viên bản thân phải cố gắng thay đổi để tạo môi trường cho bạn ấy.

Hành trang gọn nhẹ

 Tụi mình chỉ mang đúng 2 balo, mỗi đứa đeo 1 cái:

- Một balo đựng lều cắm trại. Nên mang theo lều để bé nghỉ. Ở quán nước dưới chân núi có cho thuê lều nên bạn có thể cân nhắc thuê đỡ phải mang theo cũng được.

- Một balo đựng thức ăn, nước uống, 1 bộ quần áo và bỉm của con, đồ sơ cứu y tế cơ bản, thuốc chống côn trùng, điện thoại, sạc dự phòng, loa bluetooth để nghe nhạc trên mọi cung đường.

- Thêm 1 túi nhỏ đựng máy ảnh.

 - Quần áo thoải mái thấm hút mồ hôi tốt.

Chuyến đi đáng nhớ của em bé.

- Giày thể thao ôm chân hoặc leo núi là tốt nhất, vì sẽ giúp bám đất đá tốt hơn.

- Ngoài ra còn có mũ, kính râm để chống say nắng.

- Nếu bạn đi chùa thì mặc quần áo cho phù hợp, thêm tiền lẻ nếu muốn lễ.

Tâm thế đúng

Trân trọng quãng đường đi không phải đích đến. Hãy nhớ bạn đi cùng trẻ nhỏ. Nên đôi khi bé sẽ mất tận một phút chỉ để bước một bước. Đôi khi bé chạy vèo vèo nhưng lệch đường. Hay đôi khi bé đòi dừng luôn, không chịu đi nữa trong khi người lớn thì sức khỏe vẫn tràn trề và tốc độ vẫn ổn định. Vì vậy, chúng ta hãy tận hưởng thời gian leo núi cùng con mà không cần quan tâm có lên được đến đỉnh hay không.

Một số lưu ý quan trọng khi leo núi cùng trẻ nhỏ

Ngoài những vật dụng cần thiết phải mang đi trên kia thì bạn cần chú ý thêm một số điều sau:

Thời tiết cực kỳ quan trọng

Không nên đi ngày nắng mà nên đi ngày râm, nếu đi ngày nắng thì nên tránh leo núi vào giờ trưa. Vì nắng và nóng sẽ khiến bé và kể cả người lớn chúng ta bị mệt, có khi còn bị say nắng nữa. Và tất nhiên là chúng ta không nên đi ngày mưa rồi vì đường trơn trượt dễ xảy ra tai nạn.

Nước và đồ ăn vặt cho bé

Khi leo núi trẻ phải sử dụng nhiều năng lượng. Hơn nữa, trẻ cũng cần bổ sung thường xuyên hơn người lớn. Vì vậy, hãy mang theo đồ ăn vặt và nước uống, để bé có thể dừng lại ăn và uống dọc đường. Mình thì chuẩn bị cho con hoa quả, vừa làm no bụng vừa cung cấp nước luôn, một công đôi việc. Tất nhiên mình cũng có mang thêm cả nước cho con nữa.

Chuyến leo núi đầy niềm vui và thử thách của gia đình nhỏ cùng 6 quy tắc cần nhớ để giữ an toàn cho con  - Ảnh 6.

Và cuối cùng, hãy trân trọng quãng đường đi không phải đích đến, tận hưởng thời gian leo núi cùng con mà không cần quan tâm có lên được đến đỉnh hay không.

Chọn cung đường phù hợp với con

Nếu có bé nhỏ thì không nên leo đỉnh cao vì nguy hiểm. Như đã nói ở trên, chúng mình nhỡ leo lên đỉnh cao nhất. Vách đá dựng đứng rất cheo leo. Em bé hoàn toàn không có khả năng tự leo được nên phải bế rất mệt. 

Ở núi Trầm có rất nhiều cung đường phù hợp với bé nhỏ, đó là các đỉnh thấp hoặc thung lũng ở giữa. Bạn có thể để cho con tự đi và khám phá cung đường mà con thích. Tất nhiên bạn vẫn phải để mắt đến con mọi nơi mọi lúc nhé. Cẩn tắc vô áy náy mà!

"Trên đây là những trải nghiệm của mình trong chuyến dã ngoại núi Trầm cùng con tuần vừa rồi. Hy vọng có thể giúp bạn trong việc lên kế hoạch cùng gia đình đến thăm ngọn núi này trong thời gian tới", chị Phương gửi gắm. 

Chia sẻ