Cậu bé 7 tuổi xuất huyết dạ dày sau khi ăn kem: 3 đối tượng này tốt nhất không nên ăn đồ lạnh
Vào những ngày hè nóng nực, trẻ thường rất thích ăn kem nhưng cha mẹ cần chú ý có một số đối tượng khuyến cáo không nên cho ăn đồ lạnh.
Báo chí Trung Quốc từng đưa tin về cậu bé Lạc Lạc (7 tuổi) sống ở huyện Thái Hà, thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy, Trung Quốc bị xuất huyết đường tiêu hóa sau khi ăn liên tiếp 3 cây kem. Cậu bé không chỉ nôn ra một lượng máu lớn mà trong phân cũng chứa rất nhiều máu. Sau khi tiến hành kiểm tra, bác sĩ phát hiện có một vết loét đường kính khoảng 1cm ở hành tá tràng của cậu bé. Lỗ nhỏ này không ngừng gây chảy máu ồ ạt. May mắn thay sau khi được cấp cứu, cậu bé đã qua cơn nguy kịch.
Liên quan tới vấn đề này, nhiều cha mẹ phân vân không biết có nên cho con mình ăn kem hay uống đồ lạnh vào những ngày hè hay không. Vào ngày nóng, trẻ chảy nhiều mồ hôi thường có xu hướng thích ăn những đồ mát lạnh. Tuy nhiên, một số cha mẹ lo sợ những loại thực phẩm này có thể làm tổn thương dạ dày và ruột của con mình.
Trẻ em có thể uống đồ uống lạnh không? Câu trả lời là có nhưng số lượng phải phù hợp.
Mặc dù thoạt nhìn việc xuất huyết dạ dày của Lạc Lạc có vẻ là do ăn kem nhưng trên thực tế, trước đó Lạc Lạc đã bị loét tá tràng, việc ăn nhiều kem chỉ là nguyên nhân khiến tình trạng trở nặng thêm.
Vì vậy, đối với những trẻ có sức khỏe đường tiêu hóa khỏe mạnh, không có tiền sử dị ứng, chỉ cần chú ý đến thời gian và số lượng ăn thì sẽ không gây hại cho sức khỏe.
So với đồ ăn nhẹ thông thường, điểm khác biệt lớn nhất giữa đồ uống lạnh là chúng có nhiệt độ thấp hơn. Tuy nhiên, con người sinh ra đã có khả năng duy trì nhiệt độ không đổi. Khi ăn đồ lạnh, vùng dưới đồi của não bộ sẽ kích hoạt toàn bộ trung tâm điều hòa nhiệt độ để điều chỉnh sự cân bằng nhiệt độ cơ thể.
Vì thế, khi ăn hay uống đồ lạnh với số lượng vừa phải sẽ không gây ra tình trạng tê cóng cho trẻ. Khi trẻ muốn ăn một miếng, cha mẹ không cần thiết phải từ chối, cứ để cho trẻ nếm thử một chút cũng không có vấn đề gì.
Đối tượng nào không nên ăn uống đồ lạnh?
Mặc dù trẻ có thể ăn một lượng nhỏ đồ lạnh nhưng 3 loại trẻ sau đây không nên ăn.
1. Trẻ dưới 1 tuổi
Do chức năng đường tiêu hóa chưa hoàn thiện nên trẻ không thể hấp thu hay tiêu hóa đồ lạnh, nó có thể gây kích ứng cho trẻ, khuyến cáo không nên ăn.
2. Trẻ có vấn đề về đường tiêu hóa
Nếu trẻ ngày nào cũng bị tiêu chảy, đau bụng và các triệu chứng khác sau khi uống đồ uống lạnh trong khoảng 15 phút, cha mẹ nên nghi ngờ con mình mắc hội chứng ruột kích thích. Căn bệnh này khiến đường tiêu hóa của trẻ nhạy cảm, chỉ cần ăn uống đồ lạnh sẽ có thể gây ra các bệnh về đường tiêu hóa.
3. Trẻ bị hen suyễn
Nhiệt độ lạnh có thể gây kích ứng đối với trẻ mắc bệnh hen suyễn, giống như không khí lạnh vào mùa đông gây phản ứng đường hô hấp như lên cơn hen hoặc làm nặng thêm tình trạng. Vì thế, trẻ bị hen suyễn không nên ăn đồ lạnh.
Trẻ nên ăn đồ lạnh như thế nào cho đúng?
- Không lạm dụng
Mặc dù đồ lạnh có thể không gây ra vấn đề sức khỏe cho những đứa trẻ bình thường nhưng không có nghĩa là có thể ăn uống tùy tiện. Cha mẹ phải kiểm soát lượng thức ăn và không nên nuông chiều trẻ quá mức khi trẻ quấy khóc.
Tần suất ăn uống đồ lạnh được khuyến nghị là 1-2 lần một tuần, mỗi lần tối đa 1/3 hoặc 1/2 khẩu phần, nên nhai chậm, để tan kem trong miệng trước khi nuốt. Làm như vậy sẽ làm giảm sự kích thích ở đường tiêu hóa, tránh được khả năng gây co thắt ruột hoặc một số bệnh cấp tính về đường tiêu hóa do ăn quá nhiều và quá nhanh.
- Không nên ăn hoặc uống trong vòng nửa giờ trước hoặc sau bữa ăn
Ăn trước bữa ăn sẽ ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn, giảm hấp thu chất dinh dưỡng. Ăn sau bữa ăn sẽ làm giảm tiết axit dạ dày và chức năng miễn dịch của hệ tiêu hóa, dễ gây viêm dạ dày ruột cấp tính.
Thời điểm thích hợp nhất là sau khi ngủ trưa, khoảng 2 đến 3 giờ chiều, khi nhiệt độ cao nhất trong ngày. Ngoài ra, trẻ không nên ăn uống đồ lạnh khi bụng đói hoặc khi vận động với cường độ cao, nóng lạnh dễ gây co thắt đường tiêu hóa và gây khó chịu.
- Đảm bảo vệ sinh
Trên thực tế, tình trạng khó chịu ở đường tiêu hóa của trẻ có thể không liên quan gì đến độ lạnh hay nóng của thức ăn, mấu chốt là thức ăn đó có sạch hay không. Nguyên nhân thực sự là do có mầm bệnh xâm nhập.
Thời tiết mùa hè nóng bức, đồ uống lạnh bảo quản không đúng cách hoặc không được khử trùng kỹ lưỡng sẽ khiến vi khuẩn phát triển, sau khi trẻ uống có thể gây tiêu chảy cấp.
Vì vậy, tốt nhất nên chọn đồ ăn thức uống lạnh thông thường, chú ý đến chất phụ gia, hạn sử dụng và các thông tin khác. Cha mẹ cũng có thể tự làm kem, dùng sữa và trái cây tươi để làm kem cho con, rất ngon, hợp vệ sinh và an toàn.