Cảnh báo khẩn sau vụ việc bé trai 2 tuổi bị chó nhà cắn rách đầu, phải khâu 42 mũi
Vết cắn kéo dài 22cm từ trên đỉnh đầu, mắt phải của bé cũng bị chó cắn khiến tổn thương nghiêm trọng. Kết quả CT cũng cho thấy bé bị gãy xương hốc mắt, rạn xương hộp sọ đỉnh đầu.
Bé trai bị chó nhà tấn công rách đầu dài 22cm, phải khâu 42 mũi và suýt hỏng mắt phải
Chuyện các gia đình nuôi chó mèo không có gì xa lạ trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhưng việc đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ khi trong nhà có nuôi động vật lại là một câu chuyện khác không kém phần quan trọng. Trẻ nhỏ thường rất hiếu động, hay tò mò, đặc biệt rất thích chơi với chó, mèo trong nhà. Trẻ chưa thể phân biệt và tự bảo vệ mình trong trường hợp bị chính con vật nuôi trong nhà tấn công. Chính vì vậy nhiều vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra, để lại bài học sâu sắc cho các bậc cha mẹ về việc đảm bảo an toàn cho con nhỏ trong chính ngôi nhà của mình.
Logan vốn là cậu bé nghịch ngợm và rất thích chơi với chú chó nhà nuôi.
Các gia đình tại nước Úc hiện đang chấn động vì một vụ tai nạn do chó nhà cắn mới xảy ra gần đây với bé trai 2 tuổi tên là Logan Grieve (ở Katherine, Northern Territory, Úc). Mẹ bé, chị Shannon Coutts, kể rằng nhà có nuôi 1 chú chó ngao bò rất to, hiện đã sống cùng gia đình chị 9 năm. Có lẽ chính vì điều này mà cả gia đình đều rất quý mến và không cảnh giác với chú chó nhà lâu năm như vậy. Nhưng tai họa đã ập xuống, khi một ngày đầu tháng 10, bé Logan đang chơi ở góc sân nhà thì bỗng hét lên thất thanh. Mẹ bé vội chạy lại thì phát hiện đầu của Logan đã chảy rất nhiều máu.
Nhưng chính chú chó ngao to lớn của nhà nuôi đã tấn công và cắn bé trai khiến bé bị thương nặng ở vùng đầu và mắt.
"Tôi đang tưới cây và Logan thì chơi ở góc sân vườn. Tôi vẫn cố gắng để mắt tới con nhưng chỉ một vài phút sau thì con hét lên và cảnh tượng con ôm mặt đẫm máu đã khiến tôi bị sốc. Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra với thằng bé", chị Shannon vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhắc lại giây phút con trai gặp nạn. Ngay sau đó bé được đưa vào viện cấp cứu. Sau khi bác sĩ lau sạch các vết máu trên đầu bé Logan thì mới biết bé bị chính con chó nhà nuôi tấn công và cắn rách toạc phần da đầu nối dọc xuống trán. Vết cắn kéo dài 22cm từ trên đỉnh đầu, mắt phải của bé cũng bị chó cắn khiến tổn thương nghiêm trọng. Kết quả CT cũng cho thấy bé bị gãy xương hốc mắt, rạn xương hộp sọ đỉnh đầu. Bé cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng do rò rỉ dịch não tủy từ vết thương chó cắn.
Vết cắn dài 22cm khiến cậu phải khâu 42 mũi, mắt phải bị tổn thương nhưng thật may là cậu bé đang dần hồi phục sau hàng loạt nỗ lực cứu chữa.
Logan đã được tiến hành phẫu thuật và khâu vết thương với tổng cộng 42 mũi khâu. Bé cũng phải điều trị kháng sinh và tiêm tĩnh mạch trong 3 tuần liên tiếp. Chị Shannon cho biết: "Đây thực sự là một tai nạn quá khủng khiếp xảy ra với con trai bé nhỏ của tôi. Nhưng con vẫn là cậu bé may mắn và đang hồi phục khá tốt. Tôi không thể ngờ chó nhà mà vẫn tấn công con người như vậy. Tôi hy vọng đây cũng là bài học cho tất cả các bậc phụ huynh khi có nuôi con vật trong nhà".
Những lưu ý khi nhà có vật nuôi để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ
Nuôi thú cưng trong nhà là một thói quen của nhiều gia đình. Thế nhưng làm sao để vừa đảm bảo an toàn khi nhà có trẻ nhỏ mà vẫn nuôi được con vật không phải chuyện dễ. Muốn thực hiện tốt cả 2 việc này, cha mẹ hãy lưu ý những vấn đề về an toàn sau đây:
- Tuyệt đối không để trẻ chơi với vật nuôi mà không có sự giám sát bởi tai nạn có thể xảy ra ngay cả với con vật nuôi đáng tin cậy, lâu năm nhất trong nhà.
- Không để trẻ tiếp cận con vật khi chúng đang ăn, ngủ, nhai hoặc gặm, hay đang chăm con vật con của nó.
- Hướng dẫn trẻ chỉ nên vuốt ve, sờ chạm con vật một cách nhẹ nhàng, không được lôi kéo, và không tiếp cận con vật từ phía sau.
Cha mẹ cần đảm bảo các yếu tố an toàn cho trẻ khi nuôi thú cưng trong nhà (Ảnh minh họa).
- Nhắc trẻ không gây tiếng động lớn hoặc động tác bất ngờ khi tiếp cận con vật khiến chúng giật mình.
- Dạy trẻ cách đối xử thân thiện với con vật, không trèo, cưỡi lên vật nuôi, không kéo hay nghịch tai, đuôi chúng.
- Yêu cầu trẻ xin phép người lớn trước khi muốn chơi với chó hay mèo trong nhà.
- Khi cho trẻ chơi với con vật nuôi, cha mẹ hướng dẫn bé giơ lòng bàn tay hướng lên và nhẹ nhàng di chuyển về phía mũi con vật để đánh hơi. Không chạm vào mắt, tai, mũi, miệng hoặc bộ phận sinh dục của chúng.
- Không để trẻ tiếp xúc với chất thải như phân hay nước tiểu của chó mèo, các con vật nuôi trong nhà vì có thể lây bệnh truyền nhiễm.
- Sau khi chơi cùng con vật, trẻ cần rửa tay sạch sẽ.
- Đeo rọ mõm cho chó khi bị bệnh hoặc có những biểu hiện bất thường. Cách ly trẻ và con vật nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu nào không đảm bảo an toàn cho trẻ.
- Tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ và đúng lịch.
Nguồn: Animal, Yahoo